Dầu chứng kiến tuần giảm đầu tiên trong 3 tuần
Tuần qua, dầu WTI giảm 1.6%, dầu Brent mất 0.8%
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu tăng nhẹ vào ngày thứ Sáu (05/07), khi căng thẳng ở Trung Đông ngày càng leo thang, nhưng giá dầu vẫn phải chứng kiến tuần sụt giảm đầu tiên trong 3 tuần khi nỗi lo về nhu cầu năng lượng còn đó, MarketWatch đưa tin.
Sự nhảy vọt của đồng USD, sau báo cáo việc làm tại Mỹ mạnh mẽ, đã kìm hãm đà tăng trong phiên của giá dầu WTI.
“Giá dầu khởi sắc trong giữa một trong những tuầy đầy ảm đạm đối với dầu mỏ trong năm nay khi cuộc họp tương đối nhàm chán của OPEC+ đã không thể mang lại bất kỳ sự hỗ trợ ý nghĩa nào cho thị trường”, Robbie Fraser, Chuyên gia phân tích hàng hóa cấp cao tại Schneider Electric, nhận định. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các nhà sản xuất đồng minh đã đồng ý gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến tháng 3/2020.
“Sự gia hạn chính thức dường như đã nhường lại chổ cho những lo ngại ngày càng tăng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đang đóng vai trò trực tiếp hơn trong việc chi phối giá, qua đó khiến các hợp đồng dầu giảm mạnh hồi đầu tuần này”, ông Fraser nói thêm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8 trên sàn Nymex tiến 17 xu (tương đương 0.3%) lên 57.51 USD/thùng, nhưng vẫn sụt 1.6% trong tuần qua, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 9 trên sàn Luân Đôn cộng 93 xu (tương đương 1.5%) lên 64.23 USD/thùng. Tuần qua, hợp đồng này đã giảm 0.8%.
Báo cáo việc làm tại Mỹ mạnh hơn dự báo công bố vào ngày thứ Sáu đã hỗ trợ chỉ số đồng USD tiến lên đỉnh hơn 2 tuần, qua đó gây sức ép đến các hàng hóa được neo giá theo đồng bạc xanh, và không hoàn toàn dập tắt những lo ngại về kinh tế đang đè nặng lên kỳ vọng nhu cầu năng lượng. Theo các nhà phân tích, báo cáo này củng cố dự báo về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trong năm nay, nhưng loại bỏ một số áp lực để Fed phải hành động sớm hơn.
Theo đó, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 224,000 việc làm trong tháng 6, phục hồi so với tháng trước và mạnh hơn dự báo. Tỷ lệ tăng trưởng tiền lương theo giờ trong 12 tháng không đổi ở mức 3.1% và chi tiết này của báo cáo tiếp tục là phần bị tụt lại bất chấp môi trường tuyển dụng mạnh mẽ như vậy.
Nỗi lo về kinh tế toàn cầu đã dẫn đến biến động trong giao dịch trên các thị trường dầu mỏ vào tuần này. Quyết định của OPEC hôm thứ Hai (01/07) được đưa ra khi các quan chức kiểm soát chặt chẽ rủi ro đối với nhu cầu do các xung đột thương mại toàn cầu và căng thẳng leo thang giữa Iran và phương Tây.
Trong khi đó, sản lượng dầu của OPEC đã chạm đáy mới trong 5 năm vào tháng 6 khi sự gia tăng nguồn cung của Ả-rập Xê-út không thể bù đắp đà sụt giảm ở Iran và Venezuela do các lệnh trừng phạt của Mỹ và việc ngừng hoạt động ở các nơi khác, một cuộc thăm dò của Reuters cho hay.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 8 tiến 0.7% lên 1.930 USD/gallon và tăng 1.7% trong tuần qua. Trong khi đó, hợp đồng dầu sưởi giao tháng 8 lùi 0.3% xuống 1.905 USD/gallon, qua đó góp phần nâng tổng mức giảm trong tuần lên 1.8%.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 8 vọt 5.6% lên 2.418 USD/MMBtu – mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 31/05/2019. Tuần qua, hợp đồng này đã tăng 4.8%.
An Trần
Fili
|