Dầu sụt hơn 4% xuống đáy 2 tuần trước lo ngại về nhu cầu năng lượng
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu giảm mạnh vào ngày thứ Ba (02/07), xóa sạch đà tăng trong phiên trước đó nhờ quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC, khi nhà đầu tư không thể rũ bỏ những nỗi lo về nhu cầu gắn với biến động kinh tế toàn cầu và các cuộc đàm phán thương mại, MarketWatch đưa tin.
Các nhà phân tích cho biết việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng như kỳ vọng đã không thể bù đắp những đám mây đang dần hình thành ở phía nhu cầu.
“Nỗi lo về nhu cầu ngày càng tăng. Dữ liệu kinh tế toàn cầu tiếp tục xấu đi, với dữ liệu về PMI sản xuất trong ngày thứ Hai (01/07) cho thấy sự suy yếu, điều này rất tệ khi bao gồm cả các chi tiết”, Tyler Richey, Đồng biên tập tại Sevens Report Research, nhận định.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8 trên sàn Nymex sụt 2.84 USD (tương đương 4.8%) xuống 56.25 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 9 trên sàn Luân Đôn mất 2.66 USD (tương đương 4.1%) còn 62.40 USD/thùng.
Cả hợp đồng dầu Brent và dầu WTI đều ghi nhận mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 19/06/2019, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Các hợp đồng dầu thô tương lai đã tăng giá vào ngày thứ Hai (01/07), rồi sau đó nắm giữ phần lớn đà tăng trong phiên giao dịch điện tử, sau khi Bộ trưởng dầu mỏ Venezuela, Manuel Fernandez, cho biết Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm 9 tháng cho đến tháng 3/2020. Tổ chức này cũng hỗ trợ đầy đủ một điều lệ để hợp thức hóa liên minh với các nhà sản xuất ngoài OPEC.
Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út, Khalid al-Falih, cho biết OPEC và các đồng minh “đã nhiệt tình hợp tác” để hỗ trợ hoàn thành một điều lệ nhằm hợp thức hóa liên minh. Các thông báo được đưa ra sau khi cuộc họp báo dự kiến của Tổ chức này bị hoãn gần 5 giờ. Các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC đã tổ chức một cuộc họp riêng ở Vienna vào ngày thứ Ba, xác nhận quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến ngày 31/03/2020.
Về phía nhu cầu, Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý nối lại các vòng đàm phán thương mại tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 hồi cuối tuần trước, điều này trước hết đã giúp xoa dịu những lo ngại rằng cuộc chiến thương mại có thể làm giảm tiêu thụ năng lượng. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm dấy lên những lo ngại mới về con đường thương mại đầy gập ghềnh phía trước khi ông nói bất kỳ thỏa thuận nào với Trung Quốc sẽ cần phải được nghiêng về lợi ích của Washington.
Các cuộc đàm phán thương mại diễn ra trong bối cảnh dữ liệu gần đây cho thấy biến động trong tăng trưởng toàn cầu. Hoạt động sản xuất của các nhà máy đã chậm lại ở hầu hết châu Âu, châu Á và Mỹ trong tháng 6.
Bên cạnh đó, “thị trường nên theo dõi chặt chẽ dữ liệu định kỳ về nguồn cung xăng dầu tại Mỹ, đặc biệt sau khi dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu tại Mỹ đã bất ngờ giảm mạnh trong 2 tuần qua”, Robbie Fraser, Chuyên gia phân tích hàng hóa cấp cao tại Schneider Electric, lưu ý. Dữ liệu về nguồn cung từ Viện Xăng dầu Mỹ (API) sẽ được công bố vào cuối ngày thứ Ba (02/07), còn báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ được đưa ra trong ngày thứ Tư (03/07).
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng xăng giao tháng 8 sụt 3.1% xuống 1.870 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 8 rớt 3.5% xuống 1.886 USD/gallon.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 8 mất 1.2% còn 2.24 USD/MMBtu.
An Trần
Fili
|