Thiếu nhưng còn để phí điện
Theo quyết định của Thủ tướng, Tập đoàn điện lực VN có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện sản xuất từ các dự án điện mặt trời để hòa lưới điện có ngày vận hành trước 30.6 trong vòng 20 năm, với giá mua ưu đãi.
Ngành điện cần đẩy mạnh phát triển đường truyền tải để khắc phục tình trạng quá tải lưới điện hiện nay. Ảnh: Ngọc Thắng
|
Vì vậy, từ đầu năm tới nay, các nhà máy điện mặt trời (ĐMT) đang tăng tốc để có thể phát điện trước ngày 30.6.
Ông Nguyễn Đức Ninh, Phó giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), thừa nhận: Trong 65 năm xây dựng và phát triển của ngành điện, tổng số có 147 nhà máy có công suất đạt từ 30 MW trở lên đã hòa lưới và vận hành.
Nhưng chỉ trong vỏn vẹn 3 tháng 4, 5, 6 của năm 2019 sẽ dự kiến đóng điện hòa lưới tới 88 nhà máy điện mới nếu đủ điều kiện vận hành theo quy định. Đây là một kỷ lục trong lịch sử ngành điện lực VN. Thậm chí ngành phải thuê mướn cán bộ về hưu làm việc, huy động nhân lực thực hiện 3 ca, 5 kíp, làm việc không kể cuối tuần, ngày lễ.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét: Tập đoàn điện lực VN (EVN) và Bộ Công thương là người xây dựng quy hoạch, đề xuất các chính sách cho Chính phủ. Nhưng khi chính sách đi vào thực tế lại không phát huy hết giá trị thì họ lại kêu vướng.
Đúng ra, các đơn vị này là người dự thảo chính sách, đứng trên cao phải nhìn xa trông rộng và nhìn tổng thể cũng như lâu dài để thấy được rằng việc truyền tải là cần thiết. Điện là mặt hàng đặc biệt nếu không truyền tải, EVN không mua thì chỉ có bỏ chứ làm gì còn cách nào khác để chuyển đến tay người tiêu dùng.
Trong khi hiện nay nhu cầu của các tỉnh thành phía nam đang tăng cao, xu hướng vẫn phải truyền tải điện từ phía bắc vào.
Sự kêu ca của ngành điện là điều làm chúng ta cảm thấy rất đáng tiếc vì nhu cầu điện của VN đang tăng trung bình 10%/năm nhưng chúng ta lại đang lãng phí tài nguyên, tiền của của xã hội, niềm tin của người dân và doanh nghiệp bằng các rào cản kỹ thuật và sự độc quyền”, bà Lan nói.
Chí Nhân
THANH NIÊN
|