Bộ trưởng Tài chính Mỹ thúc các công ty xin giấy phép để cung cấp hàng cho Huawei
Những ngày gần đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã thúc giục các nhà cung ứng Mỹ xin giấy phép để tiếp tục cung ứng hàng hóa cho Huawei Technologies, dựa trên nguồn tin thân cận từ Wall Street Journal (WSJ).
Diễn biến trên phản ánh sự quay ngoắt về lập trường của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về Huawei, giữa lúc các quan chức ngày càng bất đồng về việc Mỹ chỉ được nhún nhường tới mức nào trong việc cố gắng tiến tới thỏa thuận với Trung Quốc. Sự bất đồng nội bộ sâu sắc về Huawei đã trở thành “tảng đá” ngáng đường trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin
|
Ông Mnuchin lên tiếng kêu gọi các công ty xin giấy phép sau khi Tổng thống Trump đồng ý cho phép các công ty Mỹ tiếp tục bán hàng cho Huawei miễn là các mặt hàng đó không gây tổn hại tới an ninh quốc gia – một bước nhượng bộ trước Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Các động thái của ông Mnuchin khá đáng chú ý vì Bộ Tài chính Mỹ không trực tiếp tham gia vào việc xác định các tiêu chuẩn của danh sách đen. Quá trình này do Bộ Thương mại Mỹ đảm nhiệm.
Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung rơi vào thế bế tắc vào đầu tháng 5/2019. Vài ngày sau đó, Bộ Thương mại Mỹ thêm Huawei vào danh sách đen vì lý do an ninh quốc gia, qua đó cấm các công ty Mỹ làm ăn với Huawei mà chưa có sự chấp thuận của Chính phủ. Tháng trước, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi cho biết lệnh cấm của Mỹ có khả năng khiến doanh thu của Huawei giảm 30 tỷ USD trong năm nay và năm 2020. Việc thêm Huawei vào danh sách đen khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc “đứng ngồi không yên”. Các quan chức Trung Quốc từng cho biết việc rút lại lệnh cấm đối với Huawei là điều kiện để tiến tới thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Động thái thêm Huawei vào danh sách đen cũng ảnh hưởng tới hàng loạt ông lớn công nghệ Mỹ có cung ứng hàng hóa cho Huawei, bao gồm các công ty sản xuất chip và các ông lớn như Google – vốn cung cấp các dịch vụ của hệ điều hành Android cho những chiếc điện thoại Huawei.
Nhiều nhà cung ứng Mỹ cho rằng lệnh cấm Huawei có thể phản tác dụng vì nó sẽ thôi thúc Huawei mua hàng hóa từ các quốc gia khác. Các quan chức an ninh quốc gia Mỹ cho rằng động thái này là cần thiết để giảm thiểu rủi ro từ Huawei, họ tin rằng những thiết bị của Huawei có thể được Bắc Kinh sử dụng cho hoạt động gián điệp hoặc gây gián đoạn các mạng lưới. Huawei đã phủ nhận các cáo buộc này.
Bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng trước, ông Trump báo hiệu sẵn sàng thỏa hiệp với Trung Quốc về Huawei.
Tại thời điểm đó, ông Trump cho biết Trung Quốc sẽ sớm mua nông sản Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc lại không đề cập chính thức tới cam kết mua thêm nông sản Mỹ. Một nguồn tin thân cận cho biết ông Tập không hề hứa hẹn điều đó trong cuộc họp với ông Trump.
Trong ngày thứ Ba (09/07), Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross lặp lại cam kết của ông Trump về Huawei, cho biết Bộ Thương mại sẽ cấp giấy phép để các công ty Mỹ tiếp tục bán hàng hóa Huawei, miễn là mặt hàng đó không gây hại tới an ninh quốc gia.
* Mỹ cho phép bán một số hàng hóa cho Huawei
Tuy nhiên, điều này khiến các chuyên gia đặt câu hỏi về những sản phẩm nào sẽ được cho phép.
Những chuyên gia quan sát ngành cho biết nhận định của ông Ross thiếu sự rõ ràng.
“Chính sách thực tế về những gì không gây nguy hiểm cho an ninh Mỹ vẫn chưa rõ ràng”, Doug Jacobson, Luật sư thương mại tại Washington, cho hay. “Cách duy nhất để ngành có thể xác định nhận định trên là nộp đơn đăng ký giấy phép và rồi họ sẽ biết những dạng hàng hóa nào được cho phép và những mặt hàng nào bị từ chối”.
Việc ông Mnuchin thôi thúc các công ty công nghệ xin giấy phép để bán hàng cho Huawei có thể gia tăng áp lực để ông Ross cấp giấy phép trong một nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán Mỹ-Trung. Trong ngày thứ Ba (09/07), ông Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã điện đàm với những người đồng cấp ở Trung Quốc, nhưng không lên kế hoạch cho các cuộc đàm phán trực tiếp.
Trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc trong năm nay, ông Mnuchin thường xuyên đưa ra nhận định lạc quan sau khi ông được giao trọng trách lớn hơn trong các cuộc đàm phán vào tháng 12/2018.
Trong khi đó, các quan chức khác của Mỹ lại hạ thấp khả năng tiến tới thỏa thuận với Trung Quốc trong ngắn hạn. Tuần trước, Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho biết các công ty Mỹ có thể nhận được giấy phép, nhưng chỉ được bán dưới 1 tỷ USD hàng hóa cho Huawei.
Vũ Hạo (Theo WSJ)
FiLi
|