Trước cuộc gặp Trump-Tập, Trung Quốc dập tắt kỳ vọng về bước đột phá
Bắc Kinh tìm cách hạ thấp kỳ vọng của công chúng về một bước đột phá trong cuộc chiến thương mại, trước khi hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc gặp nhau trong ngày thứ Bảy (29/06) nhằm nâng cao sự cần thiết của việc thỏa hiệp, đồng thời hạ thấp tác động tiềm ẩn từ cuộc xung đột Mỹ-Trung tới nền kinh tế Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp bắt đầu cuộc họp với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Osaka (Nhật Bản), giữa lúc nhà đầu tư kỳ vọng hai bên sẽ tiến tới thỏa thuận đình chiến thương mại tại cuộc họp này.
Trong vài tuần trước cuộc gặp quan trọng này, ông Trump dường như đe dọa áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc nếu ông Tập không đồng ý đàm phán song phương.
Trong khi đó, Trung Quốc lại khá im hơi lặng tiếng.
Khi ông Trump tuyên bố vào giữa tháng 6/2019 rằng sẽ tổ chức cuộc họp với ông Tập, Bắc Kinh dường như không lập tức phản hồi trước thông tin trên. Mãi cho đến tuần này, Trung Quốc mới xác nhận ông Tập sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20. Ngay cả sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không hề công khai hai nhà lãnh đạo sẽ đàm phán, chỉ đề cập là sẽ tổ chức “các cuộc họp song phương với nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia”.
Các nhà quan sát cho rằng các nhà đàm phán Trung Quốc bị mắc kẹt giữa thế khó và thế khó hơn – có khả năng bị chỉ trích nếu rời cuộc họp mà không có thỏa thuận và bị cáo buộc đầu hàng nếu họ nhượng bộ để tiến tới một thỏa thuận.
“Kết quả tốt nhất sẽ là một thỏa thuận đình chiến thương mại và nối lại đàm phán, trong khi kịch bản tồi tệ nhất sẽ là hai bên tách rời và chìm sâu vào cuộc chiến thương mại, cuộc chiến công nghệ và cuộc chiến tài chính sau đó”, Chen Daoyin, Chuyên viên phân tích chính trị ở Thượng Hải, cho hay.
Để giảm bớt khả năng gây thất vọng, Bắc Kinh đã huy động bộ máy tuyên truyền của họ để tăng cường niềm tin của công chúng vào nền kinh tế của đất nước.
Vào ngày thứ Sáu (28/06), Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc – đã đưa ra loạt báo cáo về tác động của các xung đột thương mại đối với nền kinh tế Trung Quốc, với phần đầu tiên dự báo một tương lai tươi sáng bất chấp những khó khăn.
“Một từ quan trọng trong chiến dịch tuyên truyền là ‘mạnh’ (strong)”, nguồn tin truyền thông Nhà nước cho biết. “Nền kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn mạnh. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc mạnh mẽ và sẽ không cúi mình trước các áp lực bên ngoài để đưa ra những nhượng bộ mà phải đánh đổi với chủ quyền Trung Quốc”.
Thế nhưng, những con số thống kê lại đưa ra một triển vọng trái chiều.
Nền kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại trong 5 tháng đầu năm 2019, gần với mức thấp nhất 6% của phạm vi tăng trưởng mục tiêu, trong khi trong tháng 5/2019, sản lượng công nghiệp tăng 5% và doanh số bán lẻ tăng 8.6% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Chen cho biết, chiến thuật của Chính phủ Trung Quốc có thể câu giờ.
“Người dân không tập trung quá nhiều vào căng thẳng thương mại, vì số liệu chính thức vẫn cho thấy một nền kinh tế vững chãi và sẽ cần thêm thời gian để các hàng rào thuế quan tác động tới doanh thu hoặc làm mất việc làm”, ông nói.
Vũ Hạo (Theo SCMP)
FiLi
|