Thứ Tư, 05/06/2019 15:15

Sau FedEx, Trung Quốc nhắm tới liên doanh Ford

Bắc Kinh quyết định phạt doanh nghiệp liên doanh chính của Ford Motor tại Trung Quốc vì vi phạm luật chống độc quyền, đánh dấu động thái mới nhất nhắm tới một công ty Mỹ giữa lúc căng thẳng thương mại giữa hai nước leo thang.

Changan Ford Automobile Co. sẽ bị phạt 162.8 triệu Nhân dân tệ (tương đương 23.6 triệu USD) vì đã tác động tới giá bán của các nhà bán lẻ ở thành phố Trùng Khánh kể từ năm 2013, theo tuyên bố trên trang web của Cơ quan Điều tiết Thị trường Nhà nước Trung Quốc (SAMR). Số tiền phạt này tương đương với 4% doanh thu hàng năm của Changan Ford ở Trùng Khánh.

Tuần trước, Trung Quốc cho biết họ đang điều tra “vụ chuyển giao sai gói hàng” của FedEx, được xem là lời cảnh báo từ Bắc Kinh sau khi chính quyền Trump thêm gã khổng lồ viễn thông Huawei Technologies vào danh sách đen, cấm các doanh nghiệp Mỹ làm ăn với Huawei.

Trung Quốc đặt tầm ngắm vào Tập đoàn FedEx trong cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang với Mỹ, đưa ra dấu hiệu về loại doanh nghiệp nước ngoài có thể bị thêm vào danh sách “không đáng tin” của Bắc Kinh.

* Trung Quốc phát động điều tra FedEx để răn đe Mỹ

Mặc dù Trung Quốc không cho biết mối liên kết giữa vụ phạt công ty liên doanh Ford và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, “nhưng khó mà nói là nó không liên quan”, Andrew Polk, đồng sáng lập của công ty nghiên cứu Trivium China ở Bắc Kinh, cho hay. “Tại giai đoạn này, tôi nghĩ giả định cơ sở của chúng tôi là: Không có gì là ngẫu nhiên cả”.

Trong một tuyên bố, Ford cho biết họ tôn trọng quyết định của chính quyền Trung Quốc và liên doanh sẽ kiểm soát hoạt động ở nước này. Đại diện của Changa Ford không lập tức phản hồi về thông tin trên.

Trong bối cảnh xung đột về thương mại và công nghệ leo thang, ngày càng nhiều công ty có nguy cơ bị mắc kẹt trong “bão lửa” chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Trung Quốc đã lập ra danh sách “thực thể không đáng tin”, mở ra cánh cửa để nhắm tới hàng loạt ông lớn trong ngành công nghệ toàn cầu, từ những gã khổng lồ của Mỹ như Google, Qualcomm và Intel, cho tới những nhà cung ứng bên ngoài đã cắt quan hệ với Huawei như Toshiba và ARM Holdings.

Hôm Chủ nhật (02/06), một quan chức Trung Quốc cho biết Chính phủ kịch liệt phản đối phán quyết của Mỹ, đồng thời xoa dịu nỗi lo rằng danh sách thực thể không đáng tin cậy của Trung Quốc sẽ được sử dụng để nhắm tới các công ty nước ngoài như là một công cụ để đáp trả lại Mỹ trong cuộc chiến thương mại.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc nhắm tới một nhà sản xuất xe hơi Mỹ giữa lúc căng thẳng địa chính trị. Trong năm 2016, Trung Quốc đã phạt General Motors (GM) khoảng 201 triệu Nhân dân tệ vì vi phạm luật chống độc quyền. Tại thời điểm đó, quan hệ Mỹ-Trung cũng căng thẳng sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump đề xuất áp hàng rào thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc.

Lệnh phạt trên càng tạo thêm khó khăn cho Ford ở trung Quốc khi doanh thu của liên doanh Changan Ford rớt 54% trong năm 2018. Thế nhưng, việc nhắm tới những công ty sản xuất xe hơi đẩy Trung Quốc vào thế khó xử vì các công ty nước ngoài thường liên doanh với đối tác Trung Quốc. Chẳng hạn, ông lớn xe hơi SAIC của Trung Quốc hợp tác sản xuất xe hơi với GM.

Sau nhiều tháng đình chiến thương mại, ông Trump lại “thổi bùng” cuộc chiến thương mại khi cáo buộc Trung Quốc “trở mặt” trong các cuộc đàm phán. Trong tháng 5/2019, ông Trump đã nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và còn thêm Huawei vào danh sách đen. Rủi ro leo thang thương mại thôi thúc Trung Quốc sử dụng các công cụ khác để gây áp lực lên Mỹ, từ tẩy chay cho tới gây khó khăn cho các công ty Mỹ tại Trung Quốc.

Về phần của FedEx, họ đã cảm nhận thấy nỗi đau từ đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc vì căng thẳng thương mại và lên tiếng xin lỗi về vụ chuyển nhầm gói hàng của Huawei tới Mỹ. Huawei cho biết sẽ đánh giá lại mối quan hệ với FedEx. Hai gói hàng này – vốn chứa những tài liệu đang được chuyển từ Nhật Bản tới Huawei ở Trung Quốc – lại bị chuyển hướng tới Mỹ mà chưa có sự cho phép, Reuters đưa tin.

Trung Quốc đã khởi động cuộc điều tra vì FedEx vi phạm luật và quy định của Trung Quốc, đồng thời gây tổn hại tới các khách hàng khi chuyển giao sai tới Mỹ, Tân Hoa Xã cho hay.

Tân Hoa Xã sử dụng hai hashtag trong bài đăng về cuộc điều tra FedEx trên mạng xã hội Weibo: #ChinaUSTrade (Thương mại Mỹ-Trung) và #RetaliateAgainstUSTradeBullying (đáp trả lại hành vi bắt nạt thương mại của Mỹ).

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi

Các tin tức khác

>   Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Trọng trách đè nặng lên vai Steven Mnuchin (05/06/2019)

>   Mỹ-Trung xung đột, Australia hạ lãi suất về mức thấp kỷ lục (05/06/2019)

>   Mặc cho thương chiến Mỹ-Trung, Tập Cận Bình vẫn lạc quan về kinh tế Trung Quốc (05/06/2019)

>   Mastercard đang cố gắng loại bỏ tiền mặt khỏi kinh doanh như thế nào? (05/06/2019)

>   Cựu Thống đốc Fed: NHTW phát tín hiệu sắp giảm lãi suất (05/06/2019)

>   Bộ trưởng Tài chính Mỹ sẽ gặp Thống đốc NHTW Trung Quốc vào cuối tuần này (05/06/2019)

>   Mỹ-Trung "choảng nhau", Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất (05/06/2019)

>   Phó Chủ tịch Fed: Nếu kinh tế Mỹ giảm tốc, Fed sẽ hành động (05/06/2019)

>   Fed để ngỏ khả năng giảm lãi suất (04/06/2019)

>   Trung Quốc hạ giọng, muốn giải quyết xung đột thương mại qua đàm phán (04/06/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật