Mỹ-Trung "choảng nhau", Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất
Sau hơn 1 năm kể từ lúc Mỹ khởi đầu trận chiến thương mại với Trung Quốc, các chuyên gia kinh tế từ ngân hàng đầu tư Nomura tại Nhật Bản phát hiện ra bằng chứng cho thấy Mỹ và Trung Quốc đã giảm bớt nhập khẩu một số hàng hóa nhất định từ đối phương nhằm tránh hàng rào thuế quan.
Thay vào đó, các nhà nhập khẩu ở hai quốc gia đã tìm kiếm nguồn cung ứng từ một nơi khác không bị áp hàng rào thuế quan, các chuyên gia kinh tế cho biết trong báo cáo. Cho tới nay, Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ sự chuyển hướng của dòng chảy thương mại, Nomura ước tính phần xuất khẩu bổ sung tới Mỹ và Trung Quốc của Việt Nam chiếm tới 7.9% GDP. Trong đó, những mặt hàng Việt hưởng lợi nhiều nhất là kinh kiện điện thoại, nội thất và máy xử lý dữ liệu tự động.
“Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc nâng thuế lên hàng hóa lẫn nhau, chi phí nhập khẩu hàng hóa từ đối phương cũng tăng lên”, các chuyên gia kinh tế tại Nomura viết trong báo cáo công bố ngày 03/06/2019.
“Một số nhà xuất khẩu ở Mỹ và Trung Quốc có lẽ sẵn lòng hấp thụ phần chi phí tăng thêm vì thuế quan trong biên lợi nhuận của họ và một số công ty đa quốc gia sẽ chọn chuyển hoạt động sản xuất sang nơi khác, nhưng phân tích thương mại mới đây cho thấy theo thời gian, phản ứng lớn nhất từ thương chiến Mỹ-Trung có thể là sự chuyển hướng của dòng chảy thương mại”, ông nói.
Cho tới nay, Mỹ đã áp thêm thuế 25% lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa áp thêm thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa chưa bị áp thuế từ Trung Quốc. Đáp trả lại, Bắc Kinh cũng nâng thuế đối hàng tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Chịu áp lực chi phí từ cuộc chiến thuế quan, Mỹ và Trung Quốc giảm nhập khẩu hàng hóa từ đối phương, nhất là những sản phẩm chịu thuế cao, Nomura cho biết. Bên cạnh Việt Nam, những quốc gia hưởng lợi từ thương chiến Mỹ-Trung là Đài Loan, Chile, Malaysia và Argentina.
Trong đó, Việt Nam và Đài Loan hưởng lợi nhiều nhất từ việc xuất khẩu thêm tới Mỹ, còn Chile, Malaysia và Argentina hưởng lợi từ việc bán thêm hàng hóa cho Trung Quốc, theo Nomura.
Bức tranh tổng thể
Xem xét các sản phẩm bị áp thuế cao hơn, các chuyên gia kinh tế từ Nomura phát hiện ra, việc Mỹ áp hàng rào thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc đã thôi thúc các công ty có trụ sở ở Mỹ tìm kiếm nguồn cung ứng thay thế cho nhiều sản phẩm, bao gồm thiết bị cho điện thoại, các bộ phận của máy móc văn phòng, máy xử lý dữ liệu tự động, nội thất và hàng du lịch.
Mặt khác, hàng rào thuế quan mà Trung Quốc áp lên hàng hóa Mỹ khiến các nhà nhập khẩu muốn mua đậu nành, máy bay, ngũ cốc và vải cotton phải tìm nguồn hàng từ các quốc gia khác.
Có một số sản phẩm mà Nomura cho là hưởng lợi nhiều nhất từ thương chiến Mỹ-Trung:
- Việt Nam: Linh kiện điện thoại, nội thất và máy xử lý dữ liệu tự động.
- Đài Loan: Bộ phận của máy đánh chữ, máy văn phòng, các bộ phận của điện thoại.
- Chile: Quặng đồng và đậu nành.
- Malaysia: Vi mạch tích hợp điện tử, thiết bị bán dẫn.
- Argentina: Đậu nành.
Mặc dù nghiên cứu của Nomura cho thấy, các nền kinh tế thuộc bên thứ ba có thể hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khi trở thành nguồn thay thế cho các sản phẩm chịu thuế cao hơn, nhưng các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng nghiên cứu này không thể vẽ ra bức tranh tổng thể của cuộc chiến thương mại.
“Có nhiều lực lượng khác gây ảnh hưởng tới bức tranh chung và tổng tác động về kinh tế lên hầu hết các quốc gia thuộc bên thứ ba sẽ là tiêu cực”, họ cho hay.
Các tác động bất lợi có thể bao gồm các công ty trì hoãn kế hoạch đầu tư vì không chắc chắn về thương mại và nhu cầu từ Mỹ và Trung Quốc ngày càng giảm vì các công ty và người tiêu dùng ở cả hai nước phải đối mặt với chi phí cao hơn do thuế quan.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|