Fed để ngỏ khả năng giảm lãi suất
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, Fed đang dõi theo các diễn biến kinh tế và sẽ làm những gì phải làm để duy trì đà tăng trưởng hiện nay.
Gần đây, các thị trường tài chính tỏ ra lo ngại về cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang – vốn đã lan rộng từ Trung Quốc cho tới Mexico. Cùng lúc đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ đang phát tín hiệu đáng sợ về suy thoái.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell
|
Mở đầu bài phát biểu ở Chicago trong ngày thứ Ba (04/06), ông Powell đề cập tới những diễn biến gần đây về các cuộc đàm phán thương mại và các vấn đề khác.
“Chúng tôi không biết bằng cách nào và khi nào thì các vấn đề đó sẽ được giải quyết”, ông nói trong những nhận định đã chuẩn bị từ trước. “Chúng tôi đang theo dõi sát sao tác động từ những diễn biến đó tới triển vọng kinh tế Mỹ và như mọi khi, chúng tôi sẽ hành động một cách hợp lý để duy trì đà tăng trưởng, cùng với thị trường lao động mạnh và lạm phát gần mức mục tiêu cân xứng 2% của chúng tôi”.
Chủ tịch Fed đã đưa ra nhận định trên tại “Hội nghị về Chiến lược, Công cụ và Thông lệ Truyền tải thông tin Tiền tệ”.
Ông ấy không đề cập tới các vấn đề cụ thể khác có liên quan tới các điều kiện hiện nay. Thị trường đang mong chờ Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) hạ lãi suất hai lần trước khi kết thúc năm 2019 nhằm đối phó với tình hình hiện nay.
Về phần mình, ông Powell nhấn mạnh tới quan điểm cho rằng Fed vẫn phụ thuộc vào dữ liệu trước khi đưa ra hành động. Tuyên bố gần nhất từ FOMC (tháng 5/2019) cho thấy Ủy ban đang “kiên nhẫn” trước khi đưa ra bất kỳ điều chỉnh chính sách tiền tệ nào.
Nhìn về phía trước
Trong bài phát biểu ngày thứ Ba (04/06), ông Powell đưa ra cái nhìn dài hơn, trình bày về những thách thức mà Fed phải đối mặt khi cuộc khủng hoảng kế tiếp diễn ra. Trong môi trường lãi suất thấp hiện nay, Fed có ít khoảng trống để hạ lãi suất quá nhiều (hiện phạm vi đang là 2.25-2.5%).
“Nói ngắn gọn, việc lãi suất danh nghĩa gần mức ELB dần trở thành thách thức lớn về chính sách tiền tệ của chúng ta, lấn át tất cả vấn đề với rủi ro về ELB và làm trầm trọng hóa nhiều thách thức trước đó”.
Được biết, ELB là một hằng số tương ứng với giới hạn dưới của lãi suất quỹ liên bang (Fed Fund rate).
Fed đang đối mặt với vấn đề lạm phát – vốn chưa đạt được mục tiêu 2% trong thời gian dài. Ông Powell cho biết lạm phát thấp kéo dài có thể dẫn tới “sự suy giảm” của kỳ vọng về lạm phát và điều này khó mà ngăn chặn được.
Về các vấn đề của tương lai, ông đề cập tới 3 cân nhắc chính: Chính sách phải ra sao để đủ giải quyết vấn đề về lạm phát; liệu bộ công cụ về lãi suất và mua tài sản của Fed có đủ để đạt mục tiêu toàn dụng nhân công (full employment) và ổn định giá cả và làm thế nào để truyền tải thông tin chính sách tới công chúng một cách tốt nhất.
Fed còn lo ngại, liệu việc đưa ra dự báo lãi suất thông qua biểu đồ “dot-plot” có hữu ích hay không. Ông Powell cho rằng trong những giai đoạn căng thẳng, mức lãi suất dự báo từ biểu đồ “dot-plot” – vốn được rất nhiều người theo dõi sát sao – có thể trở thành những kịch bản “ít có khả năng xảy ra nhất”.
Ông Powell cho biết, các công cụ sử dụng trong cuộc khủng hoảng – lãi suất gần mức 0 và chương trình mua tài sản – có thể được sử dụng một lần nữa.
“Có lẽ đây là thời điểm để bỏ lại thuật ngữ ‘bất thường’ khi nhắc tới những công cụ được sử dụng trong cuộc khủng hoảng. Chúng tôi biết rằng các công cụ bất thường có thể cần thiết dưới một hình thức nào đó trong các biện pháp về ELB trong tương lai – một điều chúng tôi mong là sẽ hiếm xảy ra”, ông nói.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|