Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Trọng trách đè nặng lên vai Steven Mnuchin
Vào cuối tuần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ có cơ hội để phá vỡ thế bế tắc trong cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, nếu các quan chức từ hai quốc gia quyết định họ muốn nối lại đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh quốc tế ở Nhật Bản.
Ông Mnuchin dự kiến gặp Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) Yi Gang tại cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính tại Fukuoka (Nhật Bản) từ ngày 07-09/06, dựa trên tuyên bố từ Bộ Tài chính Mỹ trong ngày thứ Ba (04/06).
* Bộ trưởng Tài chính Mỹ sẽ gặp Thống đốc NHTW Trung Quốc vào cuối tuần này
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin
|
Ngay cả một cuộc tán gẫu ngẫu nhiên giữa các quan chức Mỹ-Trung cũng có thể đặt nền móng quan trọng cho cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo này sẽ có mặt ở Nhật Bản vào cuối tháng này để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20. Kể từ khi các cuộc đàm phán thương mại đổ vỡ hồi đầu tháng 5/2019, Mỹ và Trung Quốc đã liên tục buông lời đe dọa và đỗ lỗi cho đối phương.
“Bất kỳ bằng chứng nào cho thấy ông Mnuchin bàn luận về thương mại hoặc tín hiệu đàm phán tốt đẹp cũng sẽ rất đáng khích lệ, nhưng tại thời điểm này, căng thẳng giữa đôi bên khó mà lắng xuống”, trừ khi Mỹ và Trung Quốc gỡ bỏ hàng rào thuế quan hoặc ít nhất là trì hoãn chúng, James Lucier, Giám đốc quản lý tại Capital Alpha Partners có trụ sở ở Washington, nhận định.
Cơ hội để đàm phán
Bên cạnh cuộc gặp riêng với ông Yi, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin và Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Liu Kun cũng sẽ tham gia vào hội nghị bàn tròn về chính sách thuế vào đầu ngày thứ Bảy (08/06), cùng với 4 người đồng cấp khác. Ông Yi đã tham gia vào một số cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, mặc dù không phải là nhà đàm phán thương mại hàng đầu của phía Trung Quốc.
Mỹ và Trung Quốc rơi vào thế bế tắc trong tháng 5/2019 sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc “lật kèo” trong các cuộc đàm phán thương mại. Kết quả là ông Trump đã nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đáp trả lại, Trung Quốc cũng quyết định nâng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Gây chấn động trong thời gian gần đây là việc Mỹ thêm Huawei vào danh sách đen về thương mại vì vấn đề an ninh quốc gia, tức cấm các công ty Mỹ làm ăn với gã khổng lồ thương mại Trung Quốc. Chưa hết, Mỹ còn đang tính thêm ít nhất 5 công ty chuyên về thiết bị giám sát của Trung Quốc vào danh sách đen.
Đất hiếm
Trung Quốc cho rằng Mỹ chính là nguyên nhân dẫn tới sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán, cáo buộc Mỹ đưa ra những đòi hỏi vô lý. Bắc Kinh báo hiệu sẽ cắt nguồn cung ứng khoáng sản đất hiếm cho Mỹ và các tờ báo – có sự kiểm soát của Nhà nước Trung Quốc – lên tiếng chỉ trích các chính sách của Mỹ vì những điều khoản mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc.
Trong ngày thứ Hai (03/05), Mỹ cho biết họ cảm thấy thất vọng khi Trung Quốc sử dụng Giấy Trắng và các tuyên bố công khai “để chơi trò đổ lỗi, đồng thời gây hiểu nhầm về bản chất và lịch sử đàm phán thương mại giữa hai quốc gia”, theo tuyên bố từ Bộ Tài chính - Đại diện Thương mại Mỹ.
Tình trạng bế tắc trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã khiến chứng khoán Mỹ ghi nhận tháng giảm đầu tiên trong năm 2019. Trong đó, chỉ số S&P 500 mất 6.6% trong tháng 5/2019. Thị trường rơi vào vòng xoáy suy giảm sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế lên toàn bộ hàng hóa Mexico vì vấn đề nhập cư trong tuần trước.
Xung đột kéo dài
“Chúng ta có thể rơi vào trạng thái xung đột thương mại kéo dài với Trung Quốc”, Michael Feroli, Chuyên gia kinh tế trưởng tại JPMorgan Chase & Co., chia sẻ.
Trước tình cảnh đó, nhà đầu tư đã đổ xô vào các tài sản an toàn hơn. Giá trái phiếu leo dốc trong tháng 5/2019, qua đó đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm nhanh nhất kể từ năm 2016.
Nhóm đàm phán của ông Trump và ông Tập đã tổ chức hơn 10 vòng đàm phán thương mại, nhưng vẫn chưa tiến tới một thỏa thuận thương mại toàn diện. Ông Mnuchin nhớ lại, hồi đầu tháng 5/2019, Mỹ và Trung Quốc đã tính tổ chức một buổi lễ ký kết thảo thuận trước khi các cuộc đàm phán đổ vỡ.
Bất chấp những lo ngại về chiến tranh thương mại, nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục nới dài đà tăng trưởng. Tỷ lệ thất nghiệp rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1969 và cho tới nay, dữ liệu lạm phát cho thấy người tiêu dùng vẫn chưa cảm thấy áp lực từ đà tăng của giá hàng hóa.
Dẫu vậy, trong tháng trước, hoạt động sản xuất công nghiệp trên toàn cầu – một chỉ báo quan trọng về suy thoái – rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012, trong đó đà suy yếu đến từ Đức, Nhật Bản và Anh, dựa trên một báo cáo từ IHS Markit. Hoạt động sản xuất của Mỹ cũng rơi xuống mức yếu nhất trong 1 thập kỷ.
Hôm thứ Ba (04/06), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thể hiện sự sẵn lòng hạ lãi suất nếu cần thiết, cam kết sẽ theo dõi sát sao diễn biến của cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn nhất.
Chiến tranh thương mại đang hủy hoại “chuỗi cung ứng toàn cầu và góp phần làm gia tăng thêm sự bất ổn – vốn đã làm giảm hoạt động đầu tư của doanh nghiệp”, Jonathan Millar, Chuyên gia kinh tế Mỹ cấp cao tại Barclays Plc, cho hay.
Tại cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính, ông Mnuchin sẽ gặp hơn 10 người đồng cấp từ các quốc gia khác, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Đức và Nhật Bản. Ông Trump đã dọa áp thuế lên xe hơi nhập khẩu từ Đức và Nhật Bản trừ khi họ tiến tới một thỏa thuận với Mỹ.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|