Phải chăng lãi suất toàn cầu đã đạt đỉnh?
Lãi suất toàn cầu đã đạt tới đỉnh là kết luận mà các nhà đầu tư đang đưa ra khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các NHTW ở Nhật Bản và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sắp tổ chức các cuộc họp chính sách quan trọng vào tuần tới, giữa lúc xuất hiện các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế thế giới đang cần tới một giai đoạn nới lỏng chính sách tiền tệ.
“Chúng tôi đều lo ngại về đà giảm tốc của nền kinh tế”, Tony Crescenzi, Chiến lược gia thị trường tại Pacific Investment Management Co. (Pimco), nói với Bloomberg Television trong ngày thứ Sáu (14/06). “Chúng tôi dự báo lãi suất của các ngân hàng trung ương sẽ ở mức thấp trong ít nhất 5 năm tới”.
Những gì mà Pimco từ lâu đã gọi là “những tiêu chuẩn mới” đã được phản ánh qua những tính toán của các chuyên gia kinh tế của JPMorgan. Thước đo lãi suất trung bình toàn cầu của JPMorgan đã chạm mức 2.82% vào đầu tháng 2/2019.
Sau khi dự báo lãi suất trung bình toàn cầu sẽ khép lại năm 2019 ở mức 3%, họ giờ dự báo lãi suất này sẽ giảm xuống 2.5% trong tháng 12/2019, bị dẫn dắt bởi các đợt giảm lãi suất từ Fed. Nga, Ấn Độ, Chile và Úc nằm trong số những ngân hàng trung ương đã nới lỏng chính sách.
Đằng sau sự thay đổi quan điểm này là cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang, sự chao đảo trên thị trường tài chính, đà suy yếu của nhu cầu và lạm phát thấp kéo dài. Chuyên gia kinh tế của Bloomberg Dan Hanson dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ ở mức 2.6% trong quý 2/2019, giảm từ mức 4.7% vào đầu năm 2018. Xu hướng mang tính cấu trúc như nợ ngày càng tăng và dân số già hóa cũng sẽ kìm hãm chi phí đi vay.
Các câu hỏi quan trọng đối với các ngân hàng trung ương là khi nào họ sẽ bắt đầu cắt giảm và họ thực sự có thể đi sâu đến mức nào trong lúc họ một lần nữa tìm cách giải cứu các nền kinh tế với ít “đạn dược” hơn trước đây và khi các Chính phủ bận tâm về xung đột thương mại và không sẵn sàng nới lỏng ngân sách.
Những thông tin đáng đợi chờ sẽ được đưa ra vào ngày thứ Tư tuần tới (19/06) khi Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ. Nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ báo hiệu sẵn sàng hạ lãi suất trong vài tháng tới.
Dù vậy, vẫn còn có sự chia rẽ sâu sắc trong dự báo về lãi suất. Deutsche Bank AG dự báo Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 7/2019, còn JPMorgan dự báo sẽ xảy ra vào tháng 9/2019. Goldman Sachs Group cùng với Bloomberg Economics và Citigroup Inc. thì dự báo Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong năm 2019.
Ít nhất là Fed đã tạo khoảng trống để thực hiện các đợt kích thích kinh tế khi đã nâng lãi suất trong vài năm gần đây. Khoảng trống lãi suất của Fed còn lớn hơn so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vì lãi suất chuẩn của họ đang ở mức âm.
Chủ tịch ECB Mario Draghi và các đồng nghiệp sẽ tụ họp vào ngày 17/06/2019 để tham gia một hội nghị ở thị trấn Sintra của Bồ Đào Nha, trong khi Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda và các đồng nghiệp sẽ gặp mặt vào ngày thứ Năm (20/06) – nhà đầu tư cho rằng sẽ không có sự thay đổi về chính sách tại cuộc họp này của BoJ.
Các cuộc họp ngân hàng chính sách khác sẽ diễn ra vào tuần tới bao gồm NHTW Anh, Brazil, Indonesia và Philippines. Thú vị hơn, Ngân hàng Trung ương Na Uy có thể đi ngược với xu hướng với khả năng nâng lãi suất vào ngày thứ Năm (20/06).
Sau đây, Bloomberg cũng đưa ra cái nhìn về những sự kiện kinh tế quan trọng khác:
Mỹ
Nhà đầu tư đang hướng mắt tới Fed khi họ mong chờ cơ quan này nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh chiến tranh thương mại ngày càng căng thẳng, dữ liệu kinh tế yếu ớt và Tổng thống Mỹ Donald Trump tweet rằng Fed nên hoạt động giống như Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (Pboc). Mặc dù không quá kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất tại cuộc họp tuần tới, nhưng các nhà đầu tư sẽ theo dõi tuyên bố chính sách của Fed, liệu có sự thay đổi trong lập trường từ “kiên nhẫn” sang một điều gì đó như “giám sát chặt chẽ” hay không. Điều này sẽ giúp Fed có cơ hội hạ lãi suất ngày trong tháng 7/2019, nếu triển vọng xấu đi thêm. Về phần sự suy yếu của dữ liệu kinh tế, tuần này, nhà đầu tư nên chú ý tới dữ liệu nhà ở. Về phần thương mại, Quốc hội Mỹ bắt đầu thực hiện điều trần công khai về hàng rào thuế quan từ ngày thứ Hai (17/06) và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer điều trần vào ngày thứ Ba (18/06).
Châu Âu, Trung Đông và châu Phi
Cuộc họp ở thị trấn Sintra của Bồ Đào Nha có thể là thời khắc để các quan chức ECB đối mặt với một thực tế đầy u sầu bao gồm tăng trưởng suy yếu, xung đột thương mại và ít “đạn dược” để đối phó với những tác động tiêu cực. Hội nghị thượng đỉnh giữa các chính trị gia trong ngày thứ Năm (20/06) có thể đưa ra tín hiệu về ai sẽ thay thế ông Draghi. Ở Anh, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ ra quyết định trong ngày thứ Năm (20/06) và khó có thể nâng lãi suất. Tại cuộc họp này, có thể xuất hiện sự chia rẽ sâu sắc giữa các nhà hoạch định chính sách. Thống đốc BoE Mark Carney và Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammod sẽ phát biểu ở Luân Đôn. Một ngân hàng trung ương có thể nâng lãi suất là Na Uy trong ngày thứ Năm (20/06).
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa có thể phát biểu trong ngày thứ Năm (20/06) để công bố chi tiết về gói giải cứu cho công ty điện lực đang gặp khó khăn Eskom. Dữ liệu ngân sách của Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Hai sẽ cho thấy Chính phủ đã chi bao nhiêu trước cuộc bầu cử vào ngày Chủ nhật tuần tới (23/06), trong khi sự sụt giảm trong dữ liệu sản lượng công nghiệp vào ngày thứ Ba (18/06) có thể là dấu hiệu đầu tiên của sự co lại kinh tế trong quý 2/2019. Các ngân hàng trung ương ở Morocco, Uganda và Mozambique đều được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất.
Châu Á
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Bloomberg TV vào ngày 10/06, Thống đốc BoJ Kuroda cho biết ông có thể cung cấp thêm gói kích thích tiền tệ hơn nếu cần thiết, nhưng cần phải quan tâm đến các tác dụng phụ của nó đối với hệ thống tài chính. Nhưng đừng kỳ vọng điều đó sẽ diễn ra vào ngày thứ Năm (20/06), mặc dù dữ liệu lạm phát vào ngày thứ Sáu (21/06) có thể sẽ tăng chậm lại nếu chỉ số giá đã loại trừ giá thực phẩm và năng lượng vẫn còn thấp hơn mục tiêu của BOJ. Đài Loan cũng được dự báo giữ nguyên lãi suất trong khi Indonesia và Philippines có thể nới lỏng chính sách tiền tệ vào ngày thứ Năm (20/06).
Mỹ Latinh
Ngân hàng Trung ương Brazil được dự báo sẽ giữ lãi suất chính ở mức thấp nhất mọi thời đại là 6.5% vào ngày thứ Tư (19/06), nhưng có thể báo hiệu cắt giảm trong vài tháng tới. Điều đó sẽ cần phải có sự điều chỉnh trong việc truyền tải thông tin về chính sách. Cũng trong ngày thứ Tư (19/06), dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 1 của Argentina có thể sẽ cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai của Nam Mỹ đã bị thu hẹp trong 5 quý liên tiếp, qua đó tạo ra thách thức các kế hoạch tái tranh cử của Tổng thống Mauricio Macri. Vào ngày thứ Sáu (21/06), Ngân hàng Trung ương Colombia được dự báo sẽ giữ chi phí đi vay ở mức 4.25% trong 9 cuộc họp chính sách liên tiếp.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|