Huawei gửi thông điệp tới các quốc gia: “Chào đón chúng tôi thì chúng tôi sẽ đầu tư mạnh”
Huawei Technologies biết rằng hợp tác với Huawei không phải là điều dễ dàng gì tại thời điểm này.
Thế nhưng, những quốc gia hợp tác với Huawei sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng, Phó Chủ tịch phụ trách bộ phận tiếp thị của Huawei, Andrew Williamson, cho biết trong một cuộc phỏng vấn ở Mexico City.
“Huawei sẽ đầu tư mạnh vào những quốc gia chào đón chúng tôi”, ông nói, đồng thời cho biết thêm việc triển khai công nghệ 5G trên khắp thế giới sẽ gặp nhiều thách thức nếu Mỹ triển khai lệnh cấm.
“Việc hạn chế cạnh tranh về cơ sở hạ tầng 5G sẽ tạo ra tổn thất khổng lồ. Các chính quyền và công ty trên thế giới sẽ phải đối mặt với những tổn thất đó vì rủi ro an ninh quốc gia”, ông nói.
Tháng trước, chính quyền Mỹ đã thêm Huawei vào danh sách đen, cấm các công ty Mỹ bán linh kiện, phần cứng, phần mềm và công nghệ khác cho Huawei. Và thế là nhiều công ty công nghệ đồng loạt cắt đứt mối quan hệ với Huawei, gần đây như Western Digital.
Williamson cho biết, vẫn còn quá sớm để nói rằng những thông tin tiêu cực về công ty trong thời gian gần đây sẽ có tác động tới những khách hàng ở Mexico và báo cáo quý 2/2019 sẽ làm sáng tỏ tình hình hiện nay. Tại châu Âu, hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của Huawei dường như đang đánh mất vị thế. Người tiêu dùng sợ rằng những chiếc điện thoại Huawie sẽ nhanh chóng trở nên lỗi thời và điều đó khiến nhu cầu đối với thiết bị Huawei giảm mạnh, Ben Stanton, Chuyên viên phân tích tại Canalys, cho hay.
“Chúng tôi tin rằng cần phải thiết lập các tiêu chuẩn an ninh mạng toàn cầu”, ông Williamson cho biết, đồng thời nói thêm Huawei sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các Chính phủ để giải quyết các mối quan ngại về an ninh quốc gia. “Chúng tôi phải quay trở lại thực tế, quay trở lại việc hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng có thật”.
Tại Mexico, Huawei đang cung cấp công nghệ cho mạng không dây của đất nước này, Red Compartida. Họ cũng làm việc với tất cả các nhà mạng lớn, bao gồm AT&T và America Movil SAB, ông nói.
Mỹ đang kiên quyết với quyết định cấm Huawei khỏi các mạng viễn thông thế hệ tiếp theo ở Mỹ mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nâng cao khả năng đưa công ty vào một thỏa thuận thương mại trong tương lai với Trung Quốc, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong ngày thứ Năm (13/06) tại Brussels.
Huawei đã đăng ký thương hiệu cho hệ điều hành mang tên Hongmeng tại một loạt quốc gia - một dấu hiệu cho thấy "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc có thể đang triển khai một kế hoạch dự phòng tại các thị trường chủ chốt trong bối cảnh bị lệnh trừng phạt của Mỹ đe dọa mô hình kinh doanh.
Động thái trên diễn ra sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa Huawei vào một "danh sách đen" nhằm cấm công ty này hợp tác với các công ty công nghệ Mỹ như Alphabet - nhà sở hữu hệ điều hành Android sử dụng trong điện thoại thông minh (smartphone) do Huawei sản xuất.
Hãng tin Reuters dẫn dữ liệu từ Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) thuộc Liên hiệp quốc cho biết, kể từ khi bị Mỹ áp lệnh cấm, Huawei đã đăng ký thương hiệu Hongmeng ở châu Âu và ít nhất 9 nước khác gồm Campuchia, Canada, Hàn Quốc và New Zealand.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo Đức Die Welt hồi đầu năm nay, ông Richard Yu, Giám đốc điều hành (CEO) mảng thiết bị tiêu dùng của Huawei, tiết lộ rằng công ty có một hệ điều hành dự bị để phòng trường hợp bị cắt quyền sử dụng phần mềm Mỹ. Tuy nhiên, Huawei - nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) lớn thứ nhì thế giới - vẫn chưa công bố chi tiết về hệ điều hành riêng của hãng.
* Huawei hoãn ra mắt điện thoại gập màn hình tới tháng 9/2019
* Huawei âm thầm đăng ký thương hiệu cho hệ điều hành riêng
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|