Thứ Năm, 13/06/2019 14:17

Phó Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế Trung Quốc

Các cơ quan điều hành Trung Quốc nên tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế và giữ thanh khoản dồi dào trong hệ thống tài chính, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cho biết trong ngày thứ Năm (13/06). Theo đó, Bắc Kinh có thể sớm tiết lộ thêm những chính sách để thúc đẩy tăng trưởng giữa lúc áp lực thương mại từ Mỹ gia tăng.

Bắc Kinh có nhiều công cụ chính sách và có khả năng đối phó với nhiều thách thức khác nhau, ông Lưu cho biết tại một diễn đàn tài chính ở Thượng Hải.

Bất chấp việc tung ra hàng loạt biện pháp hỗ trợ và nới lỏng chính sách kể từ năm 2018, nền kinh tế đang hạ nhiệt của Trung Quốc vẫn chưa thể trở về đà tăng trưởng mạnh mẽ trước đó. Chưa hết, động thái leo thang căng thẳng đột ngột của Mỹ trong tháng trước đã làm dấy lên nỗi lo sợ về một cuộc chiến thương mại toàn diện – một yếu tố có thể châm ngòi cho suy thoái toàn cầu.

Ông Lưu đưa ra những nhận định trên sau khi dữ liệu cho thấy tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc yếu hơn dự báo trong tháng 5/2019, củng cố thêm cho quan điểm rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cần phải tăng cường nới lỏng chính sách tiền tệ. Hoạt động sản xuất tại nhà máy cũng thu hẹp trong tháng 5/2019 và nhập khẩu giảm mạnh nhất trong gần 3 năm – một điều cho thấy nhu cầu đang suy yếu.

“Tại thời điểm này, chúng ta thực sự có một vài áp lực từ bên ngoài, nhưng những áp lực này sẽ giúp chúng ta thúc đẩy sự đổi mới của chính chúng ta và đẩy nhanh quá trình phát triển tốc độ cao”, ông Lưu cho hay. Được biết, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc là nhà đàm phán dẫn dắt trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Ông Lưu nói thêm, Chính phủ sẽ triển khai thêm các biện pháp mạnh mẽ để thúc đẩy cải cách và mở cửa.

Tuần trước, Thống đốc PBoC Yi Gang cho biết NHTW có khoảng trống to lớn để điều chỉnh chính sách nếu chiến tranh thương mại chuyển biến tệ hơn.

“Chúng tôi có nhiều khoảng trống về lãi suất, có nhiều khoảng trống về tỷ lệ dự trữ bắt buộc và về phần công cụ chính sách tiền tệ và tài khóa, tôi nghĩ khoảng trống để điều chỉnh là rất to lớn”, ông Yi cho biết trong cuộc phỏng vấn ở Bắc Kinh.

Trước đó trong ngày thứ Năm (13/06), tờ China Daily đã dẫn lại lời của các chuyên gia kinh tế cho biết, Trung Quốc được dự báo sẽ điều chỉnh cung tiền và cung tín dụng trong vài tuần tới, bao gồm hạ lãi suất hoặc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc để đối phó với “các rủi ro suy giảm” nếu căng thẳng thương mại leo thang.

Thị trường đang kỳ vọng PBoC sẽ tiếp tục hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong năm nay, nhất là sau khi xung đột thương mại leo thang trong tháng trước. Cả hai bên đều nâng thuế đối với hàng hóa của đối phương và Washington còn đe dọa áp thêm thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc chưa bị áp thuế trong các vòng trước.

Tháng trước, PBoC đẩy mạnh nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng khoản cho vay và hoạt động kinh doanh, thông báo giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng địa phương theo 3 giai đoạn với mục đích giảm chi phí tài trợ cho các công ty nhỏ và công ty tư nhân.

Tính từ đầu năm 2018, PBoC đã có 6 lần hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giải phóng thanh khoản tới hệ thống tài chính.

Không như những đợt suy yếu trước đó, PBoC cho tới nay vẫn do dự khi nói về việc hạ lãi suất chuẩn. Các chuyên viên phân tích tin rằng PBoC đang tạm ngưng sử dụng tới các biện pháp mang tính quyết liệt hơn, vì họ lo ngại những động thái này có thể làm gia tăng núi nợ khổng lồ từ các biện pháp kích thích trong quá khứ.

Việc nới lỏng chính sách mang tính cưỡng ép cũng có thể châm ngòi cho làn sóng thoái vốn và gia tăng áp lực lên đồng Nhân dân tệ - vốn đã giảm gần 3% so với đồng USD kể từ đợt leo thang căng thẳng thương mại trong tháng trước.

Reuters dẫn lại nguồn tin thân cận trong tháng 2/2019 rằng PBoC đã xem phương án hạ lãi suất là phương án cuối cùng. Thế nhưng, một số chuyên viên phân tích hiện nghĩ rằng có khả năng PBoC sẽ hạ lãi suất một hoặc hai đợt nếu xung đột thương mại Mỹ-Trung vượt ra khỏi tầm kiểm soát và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu giảm lãi suất.

Dẫn lại lời của các chuyên gia, China Daily cho biết các định chế tài chính đang đối mặt với tình trạng thanh khoản eo hẹp hơn trong tháng 6/2019 và cho biết các cơ quan chức trách muốn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng ở phạm vi 6-6.5% trong năm nay, giảm từ mức 6.6% trong năm 2018 – vốn đã là thấp nhất trong gần 30 năm.

Các chuyên viên phân tích tại Bank of America Merrill Lynch (BoAML) tin rằng tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể giảm xuống 5.8% trong năm nay và 5.6% trong năm 2020 nếu chiến tranh thương mại leo thang.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi

Các tin tức khác

>   Reuters: Huawei đòi Verizon hơn 1 tỷ USD tiền bản quyền (13/06/2019)

>   Chủ tịch ECB và Giám đốc IMF cảnh báo về chiến tranh thương mại (13/06/2019)

>   Phớt lờ đồng minh Mỹ, Philippines dang rộng vòng tay với Huawei (13/06/2019)

>   Nhu cầu sử dụng dầu giảm khi giá dầu chạm ngưỡng 50 USD/thùng (13/06/2019)

>   Ông Trump: Không có hạn chót về việc nối lại đàm phán với Trung Quốc (13/06/2019)

>   Căng thẳng trào dâng, Google chuyển dần hoạt động sản xuất phần cứng ra khỏi Trung Quốc (12/06/2019)

>   Chỉ số CPI của Trung Quốc tăng mạnh nhất trong 15 tháng (12/06/2019)

>   Ông Trump: Mỹ chỉ đồng ý với các điều khoản đã nhất trí trước đó  (12/06/2019)

>   Ông lớn Western Digital ngừng hợp tác với Huawei dù mới tuyên bố hợp tác chiến lược vào tháng 4/2019 (11/06/2019)

>   Đến lượt nhà cung ứng thiết bị sản xuất chip hàng đầu Nhật Bản “nghỉ chơi” Huawei (11/06/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật