MSCI: Việt Nam lại lỡ hẹn với danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi
Nhà đầu tư Việt lại thêm một lần hụt hẫng khi Morgan Stanley Capital International (MSCI) vẫn chưa thêm thị trường chứng khoán Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Vào rạng sáng ngày thứ Tư (26/06), MSCI đã công bố kết quả phân loại thị trường định kỳ dành cho 84 thị trường chứng khoán trên thế giới. Theo kết quả vừa công bố, Việt Nam lại lỡ hẹn với danh sách xem xét để được nâng hạng từ thị trường cận biên (frontier market) sang thị trường mới nổi (emerging market).
Nhà đầu tư có thể không khỏi thất vọng với kết quả như thế này vì trước đó, trong một hội nghị đầu tư tại TP.HCM vào tháng 10/2018, ông Valentin Laiseca – Phụ trách thị trường Đông Nam Á của MSCI – dự báo, với trường hợp tốt nhất thì Việt Nam có thể được vào danh sách xem xét vào tháng 6/2019 và năm 2020 được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Tuy vậy, kịch bản Việt Nam chưa được thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng đã được nhiều chuyên gia dự báo từ trước.
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (HOSE: VDS) và ông Lê Hoàng Phương, Chuyên viên Vĩ Mô và Chiến lược Thị Trường của CTCP Chứng Khoán Bảo Việt (BVSC), cho biết khả năng Việt Nam được vào danh sách theo dõi trong năm nay hoặc được nâng hạng trong năm 2020 là rất thấp.
* VDSC: Khả năng Việt Nam được thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng trong tháng 6 là rất thấp
* MSCI rất khó thêm Việt Nam thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi
Theo VDS, các nhà đầu tư đang kỳ vọng luật chứng khoán sửa đổi sẽ là nền tảng để chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) ra đời, công cụ mà các nhà quản lý hy vọng giải quyết bài toán giới hạn sở hữu nước ngoài – một trong những trở ngại trên con đường nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thêm vào đó, giới hạn sở hữu nước ngoài chỉ là một trong những vướng mắc của Việt Nam. Trong 9 tiêu chí mà Việt Nam chưa đạt trong kỳ đánh giá năm 2018, có tới 6 tiêu chí không liên quan đến giới hạn sở hữu nước ngoài. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.
Ông Lê Hoàng Phương, Chuyên viên Vĩ Mô và Chiến lược Thị Trường của CTCP Chứng Khoán Bảo Việt (BVSC), cũng chỉ ra hai trở ngại trong quá trình xem xét nâng hạng. Thứ nhất, Việt Nam cần phải thiết lập một trung tâm thanh toán bù trừ riêng biệt và độc lập. Hiện tại, chức năng này đang được Trung tâm lưu ký chứng khoán đảm nhiệm. Theo Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, sau khi luật được Quốc hội thông qua, thì trung tâm lưu ký chứng khoán sẽ được tái tổ chức lại theo mô hình công ty mẹ-con. Trong đó sẽ thành lập Tổng công ty Lưu ký và Thanh Toán bù trừ Việt Nam, trong đó có 2 công ty thành viên là Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam và Trung tâm thanh toán bù trừ Việt Nam. Điều này được kỳ vọng sẽ khắc phục được thiếu sót này của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thứ hai là vấn đề liên quan đến giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời đảm bảo tính nhanh gọn và đơn giản trong việc mở tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài. Về vấn đề này, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi có quy định tự động mở giới hạn sở hữu cho các doanh nghiệp không kinh doanh trong ngành nghề điều kiện lên 100%.
MSCI nâng hạng cho chứng khoán Kuwait
Đúng như kỳ vọng của thị trường, MSCI thông báo sẽ chính thức nâng bậc xếp hạng của chỉ số MSCI Kuwait Index lên thị trường mới nổi, tùy theo việc cấu trúc của tài khoản tổng (omnibus account) và khả năng giao dịch chéo theo Mã số Nhà đầu tư Quốc gia (NIN) có được cung cấp cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài trước khi kết thúc tháng 11/2019 hay không. MSCI sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày 31/12/2019.
Việc Kuwait được MSCI thông báo nâng hạng lên thị trường mới nổi đã được các chuyên gia chứng khoán dự báo từ trước và cũng là một sự an ủi cho nhiều nhà đầu tư cho dù Việt Nam không được nâng hạng lên mới nổi, vì khi Kuwait được nâng hạng thì tỷ trọng cổ phiếu Việt trong rổ thị trường cận biên sẽ tăng rất mạnh.
“Dự án Phát triển Thị trường của Kuwait đã đặt ra lộ trình cho việc thực hiện liền mạch nhiều cải tiến về quy định và hoạt động trong thị trường chứng khoán Kuwait. Những cải tiến này đã làm tăng đáng kể mức độ tiếp cận của thị trường vốn Kuwaiti dành cho các nhà đầu tư tổ chức quốc tế và từ đó, tạo ra những phản hồi tích cực từ các nhà đầu tư này về đề xuất phân loại lại bậc xếp hạng thị trường của chúng tôi”, ông Sebastien Lieblich, Trưởng phòng Giải pháp Công bằng Toàn cầu và là Chủ tịch của Ủy ban Chỉ số Công bằng tại MSCI, cho hay.
Ông Lieblich cho biết thêm: “Trong quá trình tham vấn, các nhà đầu tư tổ chức quốc tế nhấn mạnh sự quan trọng của cấu trúc tài khoản tổng và khả năng giao dịch chéo theo NIN để tránh sự mâu thuẫn trong quá trình đầu tư của họ. Chúng tôi hoan nghênh cam kết công khai của Cơ quan Thị trường Vốn Kuwait trong việc cung cấp các tính năng thị trường này vào tháng 11/2019. Chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ việc triển khai của họ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng”.
Giả sử các tính năng thị trường được đề cập ở trên được triển khai trong tháng 11/2019, MSCI sẽ đưa chỉ số MSCI Kuwait vào MSCI Emerging Market Index trong một bước, trùng với đợt Đánh giá chỉ số bán niên vào tháng 5/2020. Điều này sẽ dẫn đến việc bao gồm 9 cổ phiếu Kuwait trong MSCI Emerging Market Index với tỷ trọng xấp xỉ 0.5%.
Ngoài ra, tại đợt review lần này, MSCI cũng khởi động quá trình tham vấn để phân loại lại chỉ số MSCI Iceland từ “thị trường độc lập” (Standalone Markets) sang “thị trường cận biên”. MSCI sẽ nhận các phản hồi từ các thành phần tham gia thị trường về đề xuất này trước ngày 31/10/2019 và sẽ công bố kết quả tham vấn vào hoặc trước ngày 29/11/2019.
Cuối cùng, MSCI thông báo nếu chỉ số MSCI Peru không thể đáp ứng yêu cầu về 3 thành phần bắt buộc cho rổ thị trường mới nổi, họ sẽ khởi động quá trình tham vấn để đưa chỉ số này từ “thị trường mới nổi” về “thị trường cận biên”.
* MSCI thấy điểm tích cực gì ở chứng khoán Việt Nam?
Tuấn Kiệt
FiLi
|