Dầu vọt hơn 1% do căng thẳng ở Trung Đông
Giá dầu tăng hơn 1% vào ngày thứ Hai (27/09), nhận được hỗ trợ bởi căng thẳng ở khu vực Trung Đông và động thái cắt giảm nguồn cung do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dẫn đầu cũng như sự gián đoạn dầu thô từ Nga sau khi xảy ra sự cố ô nhiễm vào tháng trước, CNBC đưa tin.
Việc cắt giảm sản lượng – một cách tự nguyện từ OPEC cùng các đồng minh, và cộng với ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ - đã giúp giá dầu Brent “bứt phá” 29% trong năm nay.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7 trên sàn Nymex tiến 59 xu (tương đương 1%) lên 59.24 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 7 trên sàn Luân Đôn vọt 1.42 USD (tương đương 2.07%) lên 70.11 USD/thùng.
Các ngày lễ ở Mỹ và Anh vào ngày thứ Hai đã kìm hãm sự tham gia, dẫn đến khối lượng giao dịch thấp.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran, với thông báo từ Washington vào hôm thứ Sáu (24/05) rằng nước này sẽ triển khai thêm quân đội đến Trung Đông, qua đó làm tăng triển vọng gián đoạn nguồn cung và hỗ trợ giá dầu.
Một số chuyên gia phân tích cho biết tác động này có thể bị hạn chế.
“Động thái này có thể làm leo thang căng thẳng ở khu vực, nhưng với các thị trường Mỹ và Anh tạm ngừng hoạt động vào ngày hôm nay và hầu hết các căng thẳng địa chính trị có thể đã được định giá trên thị trường, tác động lên giá dầu có thể vẫn ảm đạm”, JBC Energy nhận địn trong một báo cáo.
Reuters đưa tin vào ngày thứ Hai rằng sản lượng dầu của Nga tiếp tục giảm trong tháng này, chịu sức ép từ việc xuất khẩu sụt giảm sau khi các chuyến hàng qua đường ống dẫn dầu Druzhba đến châu Âu bị phát hiện bị ô nhiễm vào tháng 4/2019.
Sản lượng sụt giảm do ô nhiễm đã giúp thắt chặt thị trường và hỗ trợ giá dầu.
Việc cắt giảm nguồn cung do OPEC dẫn đầu cũng giúp các hợp đồng dầu thô tương lai nhảy vọt.
Trong những nhận định cho thấy OPEC không vội vã nới lỏng cắt giảm sản lượng trước khi cuộc họp giữa năm diễn ra để xem xét lại chính sách, Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait, Khaled al-Fadhel, cho biết thị trường kỳ vọng sẽ cân bằng.
Ngoài việc OPEC cắt giảm nguồn cung, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela đã làm giảm xuất khẩu dầu thô của các nước này, góp phần làm giảm thêm nguồn cung.
Tuy nhiên, nỗi lo về nhu cầu dầu thô đã kìm hãm đà tăng của giá dầu.
“Yếu tố chính ngăn chặn thị trường leo cao nhờ các thông tin địa chính trị thật sự là những nỗi lo về nền kinh tế toàn cầu”, Olivier Jakob, Chuyên gia phân tích dầu mỏ tại Petromatrix, cho hay.
Dữ liệu vào ngày thứ Hai cho thấy lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc đã lao dốc trong tháng 4, trong khi dữ liệu công bố hôm thứ Sáu (24/05) cho biết số đơn đặt hàng mới các hàng hóa tư liệu sản xuất từ Mỹ giảm mạnh hơn dự báo vào tháng trước.
An Trần
Fili
|