Dầu tăng mạnh tuần qua bất chấp đà suy giảm trong phiên
Tuần qua, dầu WTI tăng 1.8%, dầu Brent vọt 2.3%
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu giảm nhẹ vào ngày thứ Sáu (17/05), với dầu WTI chứng kiến phiên suy giảm đầu tiên trong 4 phiên, nhưng vẫn tăng mạnh trong tuần qua, khi bất kỳ nỗi lo nào về nhu cầu liên quan đến biến động trên thị trường chứng khoán đều được bù đắp bởi lo ngại về nguồn cung do liên quan đến căng thẳng ở khu vực Trung Đông, MarketWatch đưa tin.
Giá dầu suy yếu trước khi cuộc họp của Ủy ban Giám sát chung các thành viên trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) diễn ra vào ngày Chủ nhật (19/05) ở Jeddah, Ả-rập Xê-út. Ủy ban này giám sát việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng do OPEC dẫn đầu.
Mặc dù cuộc họp vào cuối tuần này chỉ là cuộc họp quy mô nhỏ, nhưng đó có thể là một thử nghiệm mong muốn của các nhà sản xuất về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện tại sang nửa cuối năm nay, các chiến lược gia tại ING, cho hay.
OPEC cùng với các nhà sản xuất đồng minh sẽ nhóm họp ở Vienna ở ngày 25-26/06/2019, ngay trước khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng hết hạn.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 trên sàn Nymex lùi 11 xu (tương đương 0.2%) xuống 62.76 USD/thùng, sau khi tăng 3 phiên liên tiếp trước đó và khép phiên ngày thứ Năm (16/05) ở mức 62.87 USD/thùng – mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 01/05/2019. Tuần qua, hợp đồng này đã tăng 1.8%, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 7 trên sàn Luân Đôn mất 41 xu (tương đương 0.6%) còn 72.21 USD/thùng, nhưng vẫn vọt 2.3% trong tuần qua.
“Đối với tất cả sự tập trung vào tăng trưởng sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ, điều đáng chú ý là sản lượng của OPEC+ đã giảm mạnh, chỉ riêng Venezuela và Iran đã góp vào khoảng 840,000 thùng/ngày trong tổng số 2.3 triệu thùng/ngày sụt giảm nguồn cung của nhóm này từ tháng 11/2018 đến tháng 4/2019. Ngược lại, tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu đã giảm tốc mạnh mẽ trong những tháng gần đây”, các chuyên gia phân tích tại Bank of America, lưu ý trong một nghiên cứu.
“Giá dầu sẽ đi đâu tiếp theo? Theo quan điểm của chúng tôi, chu kỳ kinh doanh toàn cầu đang ở một giai đoạn chuyển giao quan trọng. Sự yếu kém trong sản xuất có thể làm giảm dịch vụ nếu các cuộc thương chiến cuối cùng làm ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng”, các chuyên gia phân tích nói.
Financial Times đưa tin trong ngày thứ Năm (16/05) liên minh do Ả-rập Xê-út dẫn đầu ở Yemen đã phát động một loạt cuộc không kích vào phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn. Báo cáo cho biết động thái này là đòn trả đũa cho các cuộc tấn công của Houthi hồi đầu tuần này vào các cơ sở dầu mỏ của Ả-rập Xê-út.
Hôm thứ Tư (15/05), Mỹ đã yêu cầu tất cả nhân viên Chính phủ không khẩn cấp rời khỏi Iraq ngay lập tức trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Iran về các cuộc tấn công gần đây đối với một số tàu chở dầu và các cơ sở dầu mỏ ở khu vực Vịnh Ba Tư. Động thái đe dọa được xem là có khả năng làm gián đoạn việc cung cấp dầu trong khu vực vào thị trường toàn cầu.
Hiện tại, căng thẳng đang cung cấp hỗ trợ cho dầu, nhưng James Hatzigiannis, Cộng tác viên hàng hóa cấp cao tại Long Leaf Trading Group, dự báo sẽ thấy đà sụt giảm của giá dầu trong ngắn hạn vì sự hỗ trợ này từ căng thẳng ở khu vực Vịnh Ba Tư “yếu dần” trong bối cảnh các hàng rào thuế quan mới được áp sẽ làm thu hẹp nhu cầu năng lượng.
Ngoài ra, dữ liệu gần đây cho thấy khả năng chậm lại trong hoạt động khai thác dầu tại Mỹ. Cụ thể, dữ liệu từ Baker Hughes vào ngày thứ Sáu cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động ở Mỹ giảm tuần thứ 2 liên tiếp, mất 3 giàn còn 802 giàn trong tuần này.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 6 lùi 0.7% xuống 2.047 USD/gallon, nhưng vẫn vọt 2.9% trong tuần qua. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 6 mất 1.3% còn 2.096 USD/gallon, dẫu vậy, hợp đồng này vẫn tăng 2.2% trong tuần qua.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 6 hạ 0.3% xuống 2.631 USD/MMBtu. Tuần qua, hợp đồng này đã tăng 0.5%.
An Trần
Fili
|