Dầu trái chiều vì không chắc chắn về cung cầu
Các hợp đồng dầu thô tương lai diễn biến trái chiều vào ngày thứ Hai (20/05), trong đó dầu WTI khởi sắc còn dầu Brent xóa hết đà tăng đầu phiên và khép phiên với sắc đỏ, MarketWatch đưa tin.
Nhà đầu tư đang cân nhắc những dấu hiệu cho thấy Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng sau một cuộc họp của Ủy ban vào cuối tuần qua giữa các thành viên trong và ngoài OPEC. Tuy nhiên, nỗi lo về sự suy giảm nhu cầu tăng lượng tiếp tục gây sức ép lên thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 trên sàn Nymex tiến 34 xu (tương đương 0.5%) lên 63.10 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 01/05/2019, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy. Hợp đồng này sẽ hết hạn vào cuối ngày thứ Ba (21/05).
Trong khi đó, hợp đồng dầu Brent giao tháng 7 trên sàn Luân Đôn lùi 24 xu (tương đương 0.3%) xuống 71.97 USD/thùng, giảm phiên thứ 2 liên tiếp.
Các thành viên trong và ngoài OPEC, bao gồm Nga, đã nhóm họp ở Jeddah, Ả-rập Xê-út, hôm Chủ nhật (19/05) để nghiên cứu các lựa chọn sản lượng mà nhóm này sẽ quyết định tại hội nghị thượng đỉnh tháng 6 tới ở Vienna. Tháng 12/2018, OPEC đã đồng ý cắt giảm sản lượng 1.2 triệu thùng/ngày, một động thái thúc đẩy đà tăng của giá dầu trong năm nay, mặc dù thỏa thuận này sẽ hết hạn vào cuối tháng 6/2019.
Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út, Khalid al-Falih, nói với các phóng viên rằng có sự hỗ trợ trong việc thay đổi các mục tiêu giữa những bộ trưởng, Wall Street Journal (WSJ) đưa tin.
“Nửa cuối năm nay, ưu tiên của chúng tôi là duy trì việc quản lý sản lượng để giữ dự trữ dầu theo hướng giảm dần, một cách nhẹ nhàng nhưng chắc chắn đang giảm xuống mức bình thường”, ông al-Falih nói trong cuộc họp báo, theo tin từ CNBC.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Nga về việc gia hạn cắt giảm vẫn chưa rõ ràng sau khi Bộ trưởng Năng lượng nước này, Alexander Novak, cho biết các nhà sản xuất dầu đang xem xét “các lựa chọn khác nhau”, tin từ WSJ cho hay.
“Dầu đã ‘bứt phá’ 40% kể từ đầu năm nay, chủ yếu nhờ vào việc OPEC hạn chế nguồn cung. Nhà đầu tư đang ngày càng lo ngại rằng OPEC có thể tìm cách loại bỏ giới hạn sản lượng tại cuộc họp sắp tới vào tháng 6, trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt và giá cả leo cao”, Jasper Lawler, Giám đốc nghiên cứu tại London Capital Group, nhận định.
Trong khi đó, Robbie Fraser, Chuyên gia phân tích hàng hóa cấp cao tại Schneider Electric, chỉ ra rằng “căng thẳng thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là rào cản lớn đối với đà tăng khác của thị trường, với mối đe dọa đà giảm tốc của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới làm tăng lo ngại về khía cạnh nhu cầu của thị trường”.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng tiếp tục chú ý đến căng thẳng ở khu vực Trung Đông, vốn đang leo thang sau khi Nhà Trắng chuyển một số tàu chiến và máy bay ném bom đến Vịnh Ba Tư cách đây 2 tuần.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng xăng giao tháng 6 mất 1.8% còn 2.010 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 6 lùi 1.1% xuống 2.074 USD/gallon.
Trong khi đó, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 6 tăng 1.6% lên 2.763 USD/MMBtu.
An Trần
Fili
|