Dầu WTI sụt gần 6% xuống thấp nhất trong 2 tháng
Các hợp đồng dầu thô tương lai chứng kiến phiên giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay vào ngày thứ Năm (23/05), rớt xuống mức đóng cửa thấp nhất trong 2 tháng, khi khả năng xung đột thương mại Mỹ - Trung kéo dài dẫn đến tâm lý né tránh các tài sản rủi ro trên diện rộng, qua đó đẩy lùi chứng khoán toàn cầu, MarketWatch đưa tin.
“Đây là một ngày né tránh rủi ro với các thị trường chứng khoán nhanh chóng lao dốc”, Marshall Steeves, Chuyên gia phân tích thị trường năng lượng tại Informa Economics, cho hay.
“Sự không chắc chắn xung quanh các cuộc đàm phán thương mại đang gây tác động bất lợi đối với các thị trường tài chính thuộc mọi loại bao gồm chứng khoán và chắc chắn có các hợp đồng dầu tương lai”, ông Steeves nói với MarketWatch.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7 trên sàn Nymex sụt 3.51 USD (tương đương 5.7%) xuống 57.91 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 12/03/2019, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Đà sụt giảm cũng đưa hợp đồng này rớt mốc bình quân động 200 ngày, một thước đo động lực trong dài hạn, tại mức 60.55 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 7 trên sàn Luân Đôn mất 3.23 USD (tương đương 4.6%) còn 67.76 USD/thùng, đánh dấu mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 25/03/2019.
Cả dầu WTI và dầu Brent đều chứng kiến phiên giảm mạnh nhất cả về phương diện đồng USD lẫn phần trăm từ đầu năm đến nay.
Những người tham gia thị trường cho biết sự leo thang căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc, đã làm dấy lên nghi ngờ về nhu cầu trong ngắn hạn của dầu thô nếu xung đột thuế quan vẫn chưa được giải quyết trong giai đoạn dài.
Các nhà đầu tư hàng hóa lo ngại rằng căng thẳng thuế quan có thể đẩy nhanh tốc độ suy yếu của nền kinh tế toàn cầu, vốn dường như đã xảy ra ở châu Âu. Các chỉ số chứng khoán Mỹ, Dow Jones và S&P 500, giảm mạnh vào ngày thứ Năm. Chứng khoán châu Âu và châu Á cũng chìm trong sắc đỏ.
Bên cạnh đó, về phía cung cầu, dầu đã sụt giảm vào ngày thứ Tư (22/05) khi báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa vot 4.7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 17/05/2019, đánh dấu 2 tuần tăng liên tiếp. Báo cáo cũng cho biết dự trữ xăng tăng 3.7 triệu thùng, trong khi dự trữ các sản phẩm chưng cất giảm 800,000 thùng.
Căng thẳng ở khu vực Trung Đông, tập trung vào xung đột liên quan đến các lệnh trừng phạt giữa Mỹ và Iran, là một yếu tố quan trọng hỗ trợ giá dầu. “Nếu không có thêm sự gián đoạn nguồn cung ở Vịnh Ba Tư, thì dầu WTI chắc chắn sẽ giảm với dự trữ tại Mỹ vượt quá mốc bình quân 5 năm”, ông Steeves cho hay.
Tuy nhiên, một số chiến lược gia hàng hóa vẫn duy trì triển vọng tương đối lạc quan đối với dầu Brent.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng xăng giao tháng 6 lùi 3.9% xuống 1.913 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 6 mất 4.2% còn 1.962 USD/gallon.
Trong khi đó, các hợp đồng khí thiên nhiên khởi sắc trong ngày thứ Năm khi EIA ghi nhận rằng nguồn cung khí thiên nhiên tại Mỹ tăng 100 tỷ feet khối trong tuần kết thúc vào 17/05/2019, gần khớp với dự báo tăng 103 tỷ feet khối từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 6 tiến 1.4% lên 2.578 USD/MMBtu.
An Trần
FIli
|