“Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung đã đạt 90%”
Các quan chức hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đã giải quyết phần lớn các vấn đề đang ngáng đường tiến tới một thỏa thuận thương mại, nhưng vẫn còn đó những rắc rối liên quan tới cách thức triển khai và thực thi thỏa thuận, dựa trên nguồn tin từ Financial Times.
Lưu Hạc, Phó Thủ tướng Trung Quốc, sắp gặp lại Robert Lighthizer, Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), và Steven Mnuchin, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, để tổ chức đàm phán ở Washington, dự kiến bắt đầu từ ngày thứ Tư (03/04). Đây là những cuộc đàm phán mới nhất trong một chuỗi cuộc đàm phán trong hơn 4 tháng qua.
Mặc dù hai bên đã gần tiến tới một thỏa thuận, nhưng vẫn còn đó hai vấn đề rất quan trọng – số phận của những hàng rào thuế quan mà Mỹ đã áp bổ sung lên hàng hóa Trung Quốc (phía Bắc Kinh muốn gỡ bỏ) và các điều khoản của một cơ chế triển khai (do Washington muốn có để đảm bảo Bắc Kinh tuân thủ theo thỏa thuận).
“Chúng ta đang bước tới giai đoạn cuối cùng”, Myron Brilliant, Phó Chủ tịch điều hành phụ trách vấn đề quốc tế tại Phòng Thương mại Mỹ, cho hay. “Thỏa thuận thương mại đã đạt 90%, nhưng 10% cuối cùng là phần khó nhất, đó là phần căn go nhất và đòi hỏi sự đánh đổi giữa hai bên”, ông nói với các phóng viên.
Nếu vòng đàm phán tuần này thành công thì có thể dọn đường cho hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tháng này với mục đích ký kết một thỏa thuận và nhờ đó sẽ xóa bỏ bớt một đám mây u ám đã đeo bám nền kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính trong nhiều tháng qua.
Thế nhưng, nếu không có bước đột phá trong tuần này, Trung Quốc và Mỹ có thể quyết định gia hạn đàm phán thương mại, có khả năng là tới khi hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Nhật Bản vào cuối tháng 6/2019. Trong kịch bản bất ổn nhất, các cuộc đàm phán có thể chấm dứt đột ngột, dẫn tới sự leo thang thuế quan và căng thẳng mới cho thị trường.
“Buộc phải ra quyết định: Liệu chúng ta có một thỏa thuận này hay không?”, Derek Scissors, Học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), cho hay. “Vẫn luôn có khả năng là chẳng có thỏa thuận nào cả, cho tới khi Tổng thống Trump xem xét phiên bản cuối cùng và lắng nghe các đề xuất của ông Lighthizer, từ đó quyết định ủng hộ thỏa thuận này”.
Thỏa thuận đang được cân nhắc sẽ bao gồm Trung Quốc tăng cường mua hàng hóa Mỹ để thu hẹp thâm hụt thương mại song phương và bắc Kinh thực hiện chuỗi biện pháp để mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm kỹ thuật số. Ngoài ra, thỏa thuận này có thẻ còn bao gồm một số cam kết của Trung Quốc trong việc kiểm soát các hành vi bắt buộc chuyển giao công nghệ và đánh cắp sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, mức độ nhượng bộ của Trung Quốc về các vấn đề này thì còn chưa rõ.
Ngọn nguồn căng thẳng lớn nhất giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan tới việc điều gì sẽ xảy ra vào ngày sau khi thỏa thuận được ký kết. Trung Quốc muốn chính quyền Mỹ lập tức gỡ bỏ hàng rào thuế quan đã áp bổ sung lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, còn phía Mỹ muốn giữ lại một số hàng rào thuế quan để làm đòn bẩy nhằm buộc Bắc Kinh tuân thủ theo thỏa thuận.
Trong khi đó, ông Lighthizer khăng khăng giữ lại quyền đơn phương áp thuế quan lên Trung Quốc nếu họ vi phảm thỏa thuận và một cam kết Trung Quốc sẽ không trả đũa lại hàng rào thuế quan của Mỹ hoặc thực hiện động thái tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Một bước thỏa hiệp khả dĩ có thể bao gồm dần dần gỡ vỏ hàng rào thuế quan dựa trên những yếu tố kích hoạt cụ thể và ngày triển khai, dựa trên nguồn tin thân cận.
Larry Kudlow, Giám đốc của Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng, dường như chẳng đưa ra gợi ý nào về những gì có thể diễn ra trong cuộc đàm phán tuần này, cho rằng ông hy vọng hai bên sẽ “đạt thêm tiến triển”, nhưng nói thêm vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Kể từ khi ông Trump và ông Tập đồng ý khởi động đàm phán để chấm dứt chiến tranh thương mại tại bữa ăn bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires trong tháng 12/2018, hy vọng về một thỏa thuận lúc lên lúc xuống. Vào cuối tháng 2/2019, sau chuyến viếng thăm của ông Lưu Hạc tới Washington, hai bên có vẻ tiến cực gần tới một thỏa thuận, nhưng các cuộc đàm phán đã diễn ra chậm lại trong tháng 3/2019. Tuần trước, ông Mnuchin và ông Lighthizer đã trở lại Bắc Kinh và tình hình cũng được cải thiện.
Vũ Hạo (Theo Financial Times)
FiLi
|