Moody’s: Suy thoái toàn cầu có thể xảy ra nếu không có thỏa thuận Mỹ-Trung trong vài tháng tới
Nền kinh tế toàn cầu nhiều khả năng rơi vào suy thoái nếu Mỹ và Trung Quốc không tiến tới một thỏa thuận thương mại trong vòng 3 tháng tới, theo Mark Zandi, Chuyên gia kinh tế trưởng của Moody's Analytics.
Dự báo của ông được dựa trên tâm lý doanh nghiệp hiện “vô cùng mong manh” vì cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mỹ và Trung Quốc đang đàm phán một thỏa thuận, trong đó các đại diện từ hai quốc gia dự kiến gặp ở Washington trong tuần này.
“Tâm lý doanh nghiệp trên toàn cầu đang cực kỳ mong manh”, Chuyên gia kinh tế nói trên chương trình “Squawk Box” trong ngày thứ Ba (02/04). Ông nói thêm một cuộc thăm dò của Moody’s gần đây cho thấy niềm tin của các công ty đang ở mức thấp nhất kể từ cuối cuộc khủng hoảng tài chính từ 10 năm về trước.
“Các doanh nghiệp thực sự rơi vào thế khó và tôi nghĩ điều này là do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Và nếu nó không được giải quyết ổn thỏa trong vòng 2-3 tháng tới, tôi nghĩ khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu là rất cao”, ông Zandi nói.
Nếu các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc đổ vỡ và kết thúc mà không có thỏa thuận thương mại thì điều đó sẽ tác động cực mạnh tới tâm lý doanh nghiệp và dẫn tới việc các công ty giảm bớt tuyển dụng, ông nói. Khi điều đó diễn ra, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng, khiến người tiêu dùng đánh mất niềm tin vào nền kinh tế, ông lý giải.
“Các khác biệt giữa một nền kinh tế đang tăng trưởng và một nền kinh tế đang suy thoái chỉ đơn thuần là niềm tin – niềm tin nền kinh tế rồi sẽ ổn. Và nếu bạn đánh mất niềm tin, chẳng ngân hàng trung ương nào giúp bạn khôi phục niềm tin được cả. Đó là một cuộc suy thoái”, ông Zandi nói rõ.
Vấn đề Brexit
Góp phần làm gia tăng rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu là khả năng Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận.
Trong ngày thứ Hai (01/04), Quốc hội Anh lại không thể phá vỡ thế bế tắc xoay quanh Brexit. Các nhà làm luật lần thứ 3 từ chối thỏa thuận “ly hôn” của Thủ tướng Theresa May, nhưng cũng không tìm được thỏa thuận thay thế.
Ông Zandi cho biết, suy đoán “rất chủ quan” của ông là có 33% Brexit có thể diễn ra mà không có thỏa thuận.
“Nếu xảy ra kịch bản Brexit không thỏa thuận… chắc chắn nền kinh tế Anh và EU sẽ rơi vào suy thoái và tôi nghĩ phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu cũng theo đó mà rơi vào suy thoái. Vì vậy tôi nghĩ đó sẽ là một vấn đề thật đáng ngại”, ông nói.
Frederic Neumann, Giám đốc quản lý và Trường bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á ở HSBC, cho hay dấu hiệu giảm tốc ở một số nền kinh tế lớn tại châu Âu đang đe dọa tới các quốc gia trên toàn cầu. Nếu Brexit đẩy châu Âu vào suy thoái, các nền kinh tế mới nổi – nhất là ở châu Á – có thể bị tác động thông qua hai kênh, ông nói.
Đầu tiên là châu Âu có thể không còn là nguồn chi phối nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu nữa, Neumann cho biết trong ngày thứ Ba (02/04).
Thứ hai, châu Âu suy yếu sẽ làm đồng USD tăng giá khi nhà đầu tư tìm kiếm các khoản đầu tư an toàn, ông nói. “Đồng USD mạnh hơn chưa bao giờ là tốt đối với các thị trường mới nổi”, Neumann nói thêm.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|