Tăng 7 tuần liền, dầu WTI đánh dấu chuỗi leo dốc dài nhất trong 5 năm
Tuần qua, dầu WTI nhích 0.2%, dầu Brent tăng 0.6%
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu tăng nhẹ vào ngày thứ Năm (18/04), trong đó dầu WTI tăng tuần thứ 7 liên tiếp – đánh dấu chuỗi leo dốc dài nhất trong 5 năm, MarketWatch đưa tin.
Nhà đầu tư đang cân nhắc triển vọng nguồn cung trước khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các thành viên trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hết hạn vào tháng 6/2019.
Giao dịch dầu ở Mỹ và Anh sẽ tạm đóng cửa vào ngày thứ Sáu (19/04) nhân ngày thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday).
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex tiến 24 xu (tương đương 0.4%) lên 64 USD/thùng. Hợp đồng này đã nhích 0.2% trong tuần qua, hiện đã tăng 7 tuần liên tiếp, đánh dấu chuỗi leo dốc dài nhất kể từ chuỗi tăng 7 tuần liền kết thúc ngày 28/02/2014, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn Luân Đôn cộng 35 xu (tương đương 0.5%) lên 71.97 USD/thùng và tăng 0.6% trong tuần qua, ghi nhận tuần tăng thứ 4 liên tiếp.
Các hợp đồng dầu thô tương lai đã suy yếu trong ngày thứ Tư (17/04), chịu sức ép bởi sự không chắc chắn về sản lượng dầu thô toàn cầu, bất chấp dữ liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô nội địa có tuần giảm đầu tiên trong 1 tháng.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela và việc các lệnh miễn trừ sắp hết hạn đối với một số nước nhập khẩu dầu từ Iran cũng góp phần vào nỗi lo nguồn cung, các chuyên gia phân tích cho biết. Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela có thể thắt chặt hơn, nhưng lại có thể khiến thỏa thuận của OPEC+ kết thúc.
“Nỗi lo về nguồn cung vẫn tồn tại, với các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela cùng với cuộc nội chiến ở Libya, nhưng thỏa thuận của OPEC+ là yếu tố lớn hơn”, Alfonso Esparza, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định. “Thỏa thuận hạn chế sản lượng đã giúp ổn định giá chống chọi lại đà leo dốc của sản lượng dầu tại Mỹ”.
Hôm thứ Tư (17/04), Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa giảm 1.4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 12/04/2019, trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 1.8 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts, sau khi nguồn cung tại Mỹ đã tăng 3 tuần liên tiếp trước đó, nhưng lại thấp hơn dự báo sụt 3.1 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API).
Vào ngày thứ Năm, dữ liệu từ Baker Hughes cho thấy khả năng chậm lại trong hoạt động khai thác dầu, với số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 8 giàn xuống 825 giàn trong tuần này, sau khi tăng 2 tuần liên tiếp. Dữ liệu này được công bố sớm hơn 1 ngày so với bình thường trước ngày thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday).
Trước đó, dầu đã suy yếu hồi đầu tuần này sau khi Bộ trưởng Tài chính Nga đặt ra nghi vấn về sự tham gia của nước này vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng do OPEC dẫn đầu, vốn được cho là một phần thúc đẩy giá dầu tăng mạnh, trong đó dầu WTI bứt phá gần 40% kể từ cuối năm ngoái còn dầu Brent leo dốc hơn 30%.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng xăng giao tháng 5 tiến 1.5% lên 2.072 USD/gallon, qua đó góp phần nâng tổng mức leo dốc trong tuần lên 1.7%. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 5 khép phiên tại mức 2.071 USD/gallon và nhích gần 1 xu trong tuần qua.
Các hợp đồng khí thiên nhiên suy yếu trong ngày thứ Năm khi EIA ghi nhận rằng nguồn cung khí thiên nhiên tại Mỹ vọt 92 tỷ feet khối trong tuần kết thúc vào 12/04/2019, cao hơn dự báo tăng 90 tỷ feet khối từ các chuyên gia phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 5 lùi 1.1% xuống 2.49 USD/MMBtu. Tuần qua, hợp đồng này đã sụt 6.4%.
An Trần
Fili
|