Thứ Bảy, 13/04/2019 10:00

Xăng, điện đẩy giá hàng hóa tăng

Giá nhiều loại sản phẩm trên thị trường đã và đang tiếp tục đi lên sau khi giá điện và xăng cùng tăng.

Điện và xăng dầu cùng tăng giá kéo hàng hóa lên giá mới Ảnh: Ngọc Thắng

Giá tăng từ 5 - 10%

Từ đầu tháng 4, Công ty FrieslandCampina VN thông báo giá bán lẻ của 16 loại sữa tăng thêm trong phạm vi 5% so với giá trước đó. Chị Ngọc Nga (Q.7, TP.HCM) cũng cho biết vài ngày gần đây, giá một số thực phẩm ở chợ cũng tăng nhẹ từ 1.000 - 3.000 đồng/kg. Mức tăng khá nhẹ nên nếu không để ý cũng sẽ không nhận ra.

Ngay sau ngành điện công bố tăng giá bán ra, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty SaigonFood, cho biết mỗi tháng công ty sẽ phải chi thêm gần 220 triệu đồng tiền điện, tương ứng 2,6 tỉ đồng/năm. Cuối tháng 3, SaigonFood đã lên kế hoạch tăng giá bán cho các sản phẩm từ 5 - 10% nhưng vẫn chưa thực hiện. Mới đây công ty cũng đã nhận được báo giá mới của các sản phẩm nguyên phụ liệu như bao bì, nguyên liệu nhập khẩu. Cộng với mức điều chỉnh giá xăng mới đây nên SaigonFood sẽ “gom” lại để tăng luôn. “Để tăng giá bán ra thì doanh nghiệp (DN) phải dòm qua dòm lại nhiều thứ, từ các sản phẩm cùng loại trên thị trường đến hoạt động sản xuất, mức tiêu thụ… Hơn nữa, đối với kênh bán hàng ở các siêu thị thì mỗi năm DN chỉ được tăng giá bán tối đa 2 lần. Vì vậy chúng tôi đang rất đau đầu để đưa ra mức tăng như thế nào cho hợp lý cũng như thời điểm tăng phù hợp, ít tác động nhất đến người dùng hay lượng hàng bán ra. Để tăng giá bán thì công ty phải thông báo cho các đối tác, các điểm bán lẻ từ 1 - 2 tháng và thời gian đó mình phải ráng gồng và gánh hết mọi chi phí đầu vào đã tăng”, bà Lâm chia sẻ.

Không chỉ các mặt hàng tiêu dùng tăng giá mà các sản phẩm khác như xi măng, sắt thép cũng đã có một đợt điều chỉnh từ cuối tháng 3 đến nay. Chẳng hạn từ ngày 25.3, Công ty thép Pomina tăng giá bán tất cả chủng loại thêm 200.000 đồng/tấn, đưa giá bán của sản phẩm này tại nhà máy lên từ 16,15 triệu đồng đến 16,7 triệu đồng/tấn. Hay Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên (Tisco) cũng nâng giá thép thành phẩm từ 150.000 - 200.000 đồng/tấn. Tương tự, từ đầu tháng 4, các DN sản xuất xi măng như Vissai Ninh Bình, Xi măng Sông Lam, Xi măng Đồng Lâm, Xi măng Công Thanh… đã có thông báo tăng giá bán xi măng ra thị trường với mức tăng từ 20.000 - 50.000 đồng/tấn.

Đại diện Công ty thép Pomina cho biết nguyên nhân tăng giá bán ra là do giá điện tăng thêm 8,36% từ ngày 20.3. Hơn nữa, đợt tăng giá xăng thêm gần 1.500 đồng/lít vào ngày 2.4 vừa qua cũng tác động đến giá thành sản phẩm của các nhà máy sản xuất thép và điều đó cũng khiến công ty đang lo lắng.

Điều chỉnh giá cần linh hoạt

TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), nhận xét việc các công ty đưa hàng hóa lên mặt bằng giá mới là điều tất yếu. Bởi giá xăng và điện đồng loạt tăng mạnh khiến chi phí sản xuất của DN tăng cao. Tùy thuộc vào năng lực của từng đơn vị thì tác động đó sẽ khác nhau nhưng hầu như không đơn vị nào né được. Tuy nhiên, việc điều hành giá cả các mặt hàng quan trọng như điện, xăng dầu cần phải được thực hiện linh hoạt hơn.

TS Ngô Trí Long ví dụ, giá điện trong năm vừa qua không tăng nên đã dự kiến từ cuối năm 2018 là sẽ tăng trong đầu năm nay. Trong khi đó, giá xăng lại được điều chỉnh theo từng đợt 15 ngày theo diễn biến giá thế giới. Vì vậy, nếu như trong kỳ điều chỉnh giữa tháng 3, Bộ Công thương không nên xả mạnh quỹ bình ổn để “kìm” giá xăng dầu mà nên cho tăng ở mức vừa phải. Nếu làm vậy thì sẽ không “dồn một cục” đến đầu tháng 4 lại tăng mạnh gần 1.500 đồng/lít. “Giá xăng dầu thế giới luôn có những biến động thất thường. Từ nay sắp tới, nhiều dự báo cho thấy sản phẩm này đang có xu hướng đi lên. Do đó việc điều hành giá cả cần uyển chuyển hơn và nhìn vào dự báo trong tương lai. Nếu chính sách điều hành giá cả không đề phòng, không tạo ra dư địa thì những đợt tăng giá quá mạnh sẽ gây sốc cho DN và người tiêu dùng”, TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Theo ước tính của Bộ Công thương, việc tăng giá điện thêm 8,36% vừa qua sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ 0,26 - 0,31%, làm giảm GDP từ 0,22 - 0,25% và khiến chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng từ 0,15 - 0,19%. Cộng thêm với mức tăng của giá xăng đợt này, sẽ có thêm tác động lên tới các chỉ số trên, khiến cuộc sống của nhiều người dân, đặc biệt những người có thu nhập trung bình thấp, sẽ bị ảnh hưởng nhiều.

MAI PHƯƠNG

THANH NIÊN

Các tin tức khác

>   Đang kiểm toán mà rượu bia, karaoke, liệu có khách quan? (13/04/2019)

>   Chính phủ đặt mục tiêu cắt giảm 100% kinh phí động thổ, khởi công (12/04/2019)

>   Nhiều doanh nghiệp đã 'tay không bắt giặc' lại lười đầu tư (12/04/2019)

>   Nút thắt trong đầu tư BT sẽ sớm được gỡ bỏ (12/04/2019)

>   Giới trẻ thích ăn bánh mì kẹp cá ngừ, xuất khẩu cá ngừ sang Trung Quốc đột biến (12/04/2019)

>   Làm rõ những điều khủng khiếp liên quan Út 'trọc' và Công ty Thái Sơn (12/04/2019)

>   Giải 'cơn khát' vốn vào giao thông: Lối đi nào cho BOT? (12/04/2019)

>   Chính phủ tiếp tục lấy ý kiến về dự án đường sắt tốc độ cao (12/04/2019)

>   Thị trường thịt heo khu vực miền Nam đang lấy lại 'phong độ' (11/04/2019)

>   Kiểm toán viên không được bia rượu, karaoke với đơn vị đang kiểm toán (11/04/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật