Giới trẻ thích ăn bánh mì kẹp cá ngừ, xuất khẩu cá ngừ sang Trung Quốc đột biến
Bên cạnh Trung Quốc, thị trường Mỹ cũng có sự tăng trưởng ấn tượng do tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Với sự tăng trưởng này, Trung Quốc trở thành khách hàng lớn thứ 5 của cá ngừ Việt Nam sau Mỹ, EU, Israel và ASEAN.
Xuất khẩu cá ngừ sang Trung Quốc tăng "sốc". Chí Nhân
|
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Hai tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cá ngừ của EU và Israel giảm so với cùng kỳ. Riêng thị trường Trung Quốc tăng đột biến 771%. Đáng chú ý là mặt hàng thăn/philê cá ngừ đông lạnh, nhờ được miễn thuế nên trong năm 2018 Việt Nam trở thành nhà cung cấp lớn nhất sản phẩm này cho thị trường Trung Quốc, chiếm tới hơn 65% thị phần. Trong 2 tháng đầu năm nay, mặt hàng này cũng chiếm tới 94% tổng giá trị xuất khẩu của cá ngừ Việt Nam ở thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc hiện là một trong những nước nhập khẩu cá ngừ lớn của thế giới và có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Hầu hết cá ngừ tươi sống và đông lạnh được Trung Quốc nhập về để chế biến thành thăn cá ngừ hấp chín và cá ngừ đóng hộp để tái xuất. Còn hầu hết cá ngừ đóng hộp nhập khẩu vào Trung Quốc là để tiêu thụ trong nước. Trước đây nhu cầu tiêu thụ nội địa sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Trung Quốc không cao, song ngày nay giới trẻ nước này có xu hướng tăng lựa chọn sản phẩm này nhờ tính thuận tiện và có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt là món bánh mì kẹp cá ngừ đang phổ biến tại Trung Quốc hiện nay. Bên cạnh đó, các vụ bê bối thực phẩm thời gian qua tại Trung Quốc đã khiến những tiêu dùng trung lưu quay lưng với các nhãn hiệu trong nước, chuyển sang tìm kiếm các thương hiệu nước ngoài. Điều này cho thấy xu hướng thị trường đang phát triển tốt.
Dù nhập khẩu nhiều, nhưng Trung Quốc cũng là nước xuất khẩu cá ngừ lớn trên thế giới, trong năm 2018 lượng xuất khẩu của nước này lần đầu tiên vượt 100.000 tấn. Sản phẩm chủ yếu xuất sang Mỹ và EU.
Tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ vào Trung Quốc. Nguồn VASEP
|
Trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam tăng trưởng chậm, nguyên nhân chính theo VASEP là do vướng cùng lúc hai thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dẫn đến thiếu nguyên liệu, sản xuất bị đình trệ và xuất khẩu giảm tại một số thị trường. Hầu hết các thị trường xuất khẩu chính đều giảm, riêng thị trường Mỹ đạt gần 39 triệu USD tăng 51% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng này do các doanh nghiệp nhập khẩu của Mỹ e ngại về việc tăng thuế do cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ nên đã tăng cường các đơn đặt hàng từ Việt Nam.
Chí Nhân
thanh niên
|