Dầu tăng mạnh dù dự trữ tại Mỹ nhảy vọt, còn xăng lên đỉnh 6 tháng
Các hợp đồng xăng tương lai nhảy vọt vào ngày thứ Tư (10/04) để đánh dấu mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 10/2018, nhận được hỗ trợ từ đà sụt giảm của dự trữ xăng tại Mỹ, vốn cũng giúp thúc đẩy giá dầu, MarketWatch đưa tin.
Nhà đầu tư cũng tiếp nhận báo cáo định kỳ hàng tháng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho thấy sản lượng của tổ chức này trong tháng 3 được cắt giảm đáng kể.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex tiến 63 xu (tương đương 1%) lên 64.61 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 31/10/2018, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 6 trên sàn Luân Đôn cộng 1.12 USD (tương đương 1.6%) lên 71.73 USD/thùng. Đây cũng là mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 07/11/2018.
Hợp đồng xăng giao tháng 5 vọt 3.5% lên 2.069 USD/gallon, đánh dấu mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 09/10/2018. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 5 tăng 2.1% lên 2.088 USD/gallon.
Vào ngày thứ Tư, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa vọt 7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 05/04/2019, sau khi tăng 2 tuần liên tiếp trước đó. Con số này cao hơn dự báo tăng 4.1 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API) và dự báo cộng 2.8 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
Tuy nhiên, EIA cũng cho biết nguồn cung xăng sụt 7.7 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn rất nhiều so với dự báo giảm 1.9 triệu thùng từ một cuộc thăm dò. Còn dự trữ các sản phẩm chưng cất mất 100,000 thùng, thấp hơn so với dự báo giảm 1.5 triệu thùng từ cuộc thăm dò của Platts.
EIA cho biết tổng sản lượng dầu thô tại Mỹ hầu như không thay đổi ở mức 12.2 triệu thùng/ngày trong tuần trước, nhưng trong một báo cáo định kỳ hàng tháng công bố hôm thứ Ba (09/04), Cơ quan này đã nâng dự báo sản lượng dầu thô tại Mỹ trong năm 2019 và 2020. Trong năm 2019, EIA cũng nâng triển vọng giá dầu WTI thêm 4.8% lên 58.80 USD/thùng, còn dầu Brent vọt 3.8% lên 65.15 USD/thùng.
Bên cạnh đó, một báo cáo định kỳ hàng tháng của OPEC cho biết sản lượng dầu của tổ chức này giảm đáng kể trong tháng 3 nhờ cắt giảm sản lượng từ Ả-rập Xê-út và sự thiếu hụt nguồn cung từ Venezuela do khủng hoảng kinh tế chính trị. OPEC cho biết sản lượng dầu thô giảm 534,000 thùng/ngày xuống bình quân 30.02 triệu thùng/ngày trong tháng 3.
Báo cáo của OPEC tiếp tục chỉ ra rằng phần lớn gánh nặng cắt giảm do Ả-rập Xê-út gánh vác, vốn đã cắt giảm sản lượng 324,000 thùng/ngày; còn Venezuela, một thành viên chủ chốt của OPEC vốn có ngành dầu mỏ đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ kể từ đầu năm, cũng cho thấy sản lượng giảm 289,000 thùng/ngày.
“Với những rủi ro địa chính trị tiếp tục ảnh hưởng đến sản lượng từ Venezuela và Iran và hiện có khả năng là Libya (nơi mà nội chiến đang bùng nổ) và ngay cả ở Algeria, thị trường dầu thô có thể vẫn được hỗ trợ cho đến khi giá dầu đạt được mức giá thỏa đáng cho cả OPEC và Nga”, Ole Hansen, Giám đốc chiến lược hàng hóa với Saxo Bank, nhận định.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 5 nhích gần 0.05% lên 2.70 USD/MMBtu.
An Trần
Fili
|