Hé lộ lý do giúp giá dầu WTI tăng vọt 50%
Venezuela rơi vào thế hỗn loạn, Iran thì chật vật với các lệnh trừng phạt của Mỹ và giờ thì đến bất ổn ở Libya. Những rối rắm ở ba quốc gia OPEC này đã đẩy giá dầu WTI vượt ngưỡng 64 USD/thùng.
Những rắc rối gần đây của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã khuếch đại tác động từ các đợt cắt giảm sản lượng của OPEC. Ả-rập Xê-út đã cắt giảm sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu dầu tới Mỹ với mục tiêu thúc đẩy giá dầu lên cao hơn và cân bằng ngân sách.
Bất chấp sản lượng dầu cao ngất ngưỡng ở Mỹ, giá dầu WTI đã tăng vọt 50% từ khi rớt xuống mức 42.53 USD/thùng vào đêm Vọng Giáng sinh (24/12/2018). Và giá xăng cũng đi lên trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ có vẻ đang giảm tốc.
“Câu chuyện nguồn cung dầu đã đẩy giá dầu lên cao hơn”, Shin Kim, Trưởng bộ phận nguồn cung và sản lượng dầu tại S&P Global Platts, nhận định. “Khả năng xung đột leo thang ở Libya đã tác động mạnh tới sản lượng dầu”.
Vào sáng ngày thứ Ba (09/04), giá dầu WTI chạm đỉnh 5 tháng tại 64.79 USD/thùng trước khi suy giảm trở lại.
“Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên khi giá dầu chạm ngưỡng 70 USD/thùng trước thời điểm giữa mùa hè năm nay”, Ryan Fitzmaurice, Chiến lược gia năng lượng tại Rabobank, nhận định.
Trong khi đó, giá dầu Brent đã vượt ngưỡng 71 USD/thùng lần đầu tiên kể từ giữa tháng 11/2018.
“Khủng hoảng an ninh trầm trọng” ở Libya
Trong bối cảnh xung đột ở Libya vài ngày gần đây, hoạt động sản xuất dầu của đất nước đang bị xâu xé vì chiến tranh này gặp nhiều nguy cơ. Trước đó, sản lượng dầu của Libya ở mức 1.3 triệu thùng/ngày. Chính phủ Libya cho biết họ đã đẩy lùi một cuộc tấn công của phiến quân vào cuối tuần trước.
“‘Đứa trẻ ngỗ nghịch’ của OPEC đang đối mặt với ‘khủng hoảng an ninh trầm trọng’”, Helima Croft, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, viết trong báo cáo gửi tới các khách hàng.
Sản lượng dầu của Libya bị tác động mạnh trong nhiều năm qua vì cuộc nội chiến đẫm máu ở nước này. Tuy nhiên, sản lượng dầu đã tăng trở lại trong vài tháng gần đây.
Nguồn cung thực tế vẫn chưa bị tác động, nhưng các trader dầu đang giám sát tình hình chặt chẽ.
“Thị trường trở nên quá thất thường. Nếu lượng dầu từ Libya biến mất thì giá dầu dễ dàng tăng thêm 5-10 USD từ mức hiện tại”, Ben Cook, Chuyên gia quản lý danh mục tại BP Capital Advisors, nhận định.
Các lệnh trừng phạt và tình trạng mất điện khiến Venezuela “choáng váng”
Ngoài các rắc rối ở Libya, bất ổn ở Venezuela cũng là yếu tố tác động tới nguồn cung dầu thực tế.
Venezuela đã bị giáng một đòn nặng nề vì những lệnh trừng phạt của chính quyền Mỹ lên công ty dầu quốc doanh PDVSA. Mỹ không còn nhập khẩu dầu thô từ Venezuela trong 3 tuần cuối của tháng 3/2019, dựa trên số liệu thống kê từ Chính phủ Mỹ. Đây là sự giảm mạnh từ mức nhập khẩu gần 600,000 thùng/ngày trước khi Mỹ công bố các lệnh trừng phạt vào cuối tháng 1/2019.
Mỹ chưa bao giờ trải qua 1 tháng mà không nhập khẩu dầu từ Venezuela kể từ khi Chính phủ bắt đầu theo dõi số liệu này trong năm 1973.
Hoạt động sản xuất dầu của Venezuela còn bị hủy hoại bởi tình trạng mất điện hàng loạt – một vấn đề làm trầm trọng hóa cuộc khủng hoảng nhân đạo ở quốc gia này.
Trong khi đó, nhà đầu tư dầu đang theo dõi bước đi của chính quyền Mỹ để tìm kiếm thông tin về việc liệu họ có gia hạn giai đoạn miễn lệnh trừng phạt đối với các quốc gia mua dầu từ Iran hay không. Chính lệnh trừng phạt này – vốn được công bố vào mùa hè năm 2018 – đã đẩy thị trường dầu vào tình trạng dư cung và khiến giá dầu rớt thảm vào thị trường con gấu.
“Những lệnh trừng phạt đó chủ yếu xuất phát từ yếu tố chính trị”, ông Cook cho biết, nói tới các cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ ở Mỹ trong năm 2018. “Lần này, chúng ta không bị ảnh hưởng bởi chuyện đó nữa”.
Chiến lược cắt giảm sản lượng dầu của OPEC và các đồng minh có lẽ đã đạt được mục tiêu thúc đẩy giá dầu trong khoảng thời gian ngắn.
Ả-rập Xê-út tỏ ra tích cực hỗ trợ giá dầu. Nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới đã giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu dầu tới Mỹ như là một cách để minh chứng cho cam kết cân bằng thị trường của họ.
Dầu đá phiến ở Mỹ thì sao?
Vẫn còn đó một yếu tố thúc đẩy giá dầu: Các vụ đặt cược vào đà tăng của giá dầu từ các quỹ đầu cơ và các tổ chức tài chính khác.
Sau khi tỏ ra bi quan về giá dầu trong năm 2018, những trader giao dịch theo xu hướng đã chuyển sang vị thế mua dầu thô trong vài tháng gần đây. Những vị thế đầu cơ đó có thể khếch đại sự biến động về giá.
“Tình hình hiện nay khá kịch tính”, ông Fitzmaurice nhận định. “Khi giá dầu leo dốc, toàn bộ lượng tiền này lại trở về thị trường dầu. Nhờ thế, giá dầu càng tăng mạnh hơn”.
Đà leo dốc vẫn diễn ra khi sản lượng dầu từ Mỹ tăng mạnh.
Trong năm 2018, Mỹ bơm dầu kỷ lục ở mức 10.96 triệu thùng/ngày, tức tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, dựa trên dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Xu hướng này càng được đẩy nhanh trong tháng 12/2018 khi sản lượng Mỹ chạm mức cao nhất mọi thời đại 11.96 triệu thùng/ngày.
Đà tăng trưởng ấn tượng của sản lượng dầu tại Mỹ có thẻ vẫn chưa chấm dứt. Nhờ sự bùng nổ của hoạt động khai thác dầu đá phiến, EIA kỳ vọng sản lượng dầu tại Mỹ sẽ đạt mức trung bình 12.3 triệu thùng/ngày trong năm 2019 và 13 triệu thùng/ngày trong năm 2020.
Ông Trump sẽ phản ứng ra sao?
Có khả năng đà tăng của giá dầu sẽ thôi thúc Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích OPEC. Những lời lẽ đả kích trước đó đã khiến giá dầu suy giảm trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, chính quyền Trump còn có thể giải phóng lượng dầu từ Dự trữ Dầu khí Chiến lược (SPR), dự trữ dầu khẩn cấp của Mỹ.
Thế nhưng, ông Fitzmaurice hoài nghi động thái này khó mà mang lại tác động lâu dài.
Vũ Hạo (Theo CNN Business)
FiLi
|