Thứ Năm, 04/04/2019 20:00

Chia nhỏ Facebook, Google, Amazon là điều bất khả thi?

Elizabeth Warren, nữ chính trị gia dự định ra tranh cử tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử sắp tới, nói rằng bà sẽ cân nhắc việc chia nhỏ những gã khổng lồ trong ngành công nghệ nếu đắc cử. Nhưng điều này có thực sự cần thiết hay thậm chí là có khả thi?

Ngày càng có nhiều người nghĩ rằng những “quái vật” của thế giới công nghệ như Apple, Google, Facebook và Amazon đang trở nên quá lớn đối với “đôi giày” của họ và nên bị chia nhỏ.

Tuy nhiên, theo giáo sư Harry First, một chuyên gia về luật cạnh tranh tại Đại học New York, "chia nhỏ là điều khó mà thực hiện được".

Thế thì cần phải làm gì?

Các nhà phê bình cho rằng những gã khổng lồ có trụ sở tại Mỹ này đang thống trị thị trường, sử dụng các nền tảng cực kỳ phổ biến do họ tạo ra để giành quyền ưu tiên cho các sản phẩm và dịch vụ của riêng họ và dường như có thể “lách” được luật ở hầu hết các quốc gia.

Dư luận cũng lo ngại rằng các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và YouTube (thuộc sở hữu của Google) đang trở thành “thiên đường” cho những người dùng cực đoan muốn phát tán nội dung bất hợp pháp, sai lệch hoặc liên quan đến khủng bố.

Ngoài ra, Liên minh châu Âu (EU) cũng chỉ trích các công ty công nghệ lớn không nộp đủ thuế.

Tháng 3 năm nay, EU đã phạt Google 1.49 tỷ Euro vì tội chặn các đối thủ quảng cáo tìm kiếm trực tuyến. Đây là khoản tiền phạt lớn thứ ba mà EU dành cho Google trong hai năm. Tổng cộng, Google đã phải nộp hơn 9 tỷ Euro.

Nhưng như nhiều người chỉ ra, ngay cả khi Google nộp đủ khoản phạt thì đó chỉ là một phần tương đối nhỏ trong nguồn dự trữ tiền mặt của họ, hiện được cho là đã vượt qua con số 100 tỷ USD.

Những người ủng hộ việc chia nhỏ các công ty lớn cho rằng nếu những công ty nhỏ hơn cạnh tranh với nhau trên một sân chơi tương đối bình đẳng, thì điều đó sẽ mang đến cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn hơn. Họ lập luận rằng cạnh tranh tăng cũng làm cho các công ty ít có xu hướng hành xử xấu hơn.

Hãy lấy mảng siêu thị làm ví dụ.

Cạnh tranh về giá rất khốc liệt nên người tiêu dùng có thể dạo giá để có được những giao dịch tốt và những “tay chơi” mới có cơ hội tham gia vào thị trường – như trường hợp của Lidl và Aldi khi họ đến Vương quốc Anh.

Có dễ thực hiện không?

Tuy nhiên, các ông lớn trong ngành công nghệ lại là một vấn đề khác.

"Trong tình hình hiện tại, người dùng khó có thể chuyển đổi giữa các nền tảng, và hầu hết những nền tảng lớn không tương tác với nhau", Sáng kiến tiền tệ kỹ thuật số của MIT và Trung tâm truyền thông dân sự, lưu ý.

Nói cách khác, một khi đã mua chúng, bạn sẽ bị mắc kẹt.

Và rồi họ thu thập tất cả dữ liệu - sở thích, những điều không thích, thói quen mua sắm, sở thích âm nhạc và giải trí, thói quen tìm kiếm, v.v. Đó là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá mà ít người có quyền truy cập.

Một số người nghĩ rằng các công ty lớn trở nên "quá lớn không thể đổi mới" và chỉ đơn giản là “nuốt lấy” những start-up mang tính đột phá. Chẳng hạn, Alphabet - công ty mẹ của Google - đã mua hơn 200 công ty.

"Đây là lý do tại sao Facebook không thể phát minh ra Instagram mà cần phải dùng đến cách mua đứt nó", Giáo sư Howard Yu tại IMD Business School ở Thụy Sĩ, nói.

Simon Bryant, Giám đốc công ty nghiên cứu thị trường Futuresource, cho biết ông thường trò chuyện với các công ty nhỏ hơn, và họ nói với ông rằng thường xuyên thấy ý tưởng của họ được những gã khổng lồ trình bày theo một cách khác, bởi vì các ông lớn đó, tất nhiên là, có quyền tiếp cận với một cơ sở người dùng lớn hơn.

"Một mặt, họ muốn làm việc với những gã khổng lồ; mặt khác, họ thấy rất khó cạnh tranh”, Bryant nói.

Chẳng hạn, Amazon thường bị xem là “ông ba bị” của các phố mua sắm truyền thống khi khiến hàng loạt cửa hàng sách, thời trang và âm nhạc phải đóng cửa.

Tuy vậy, Sam Dumitriu, một chuyên gia của Entrepreneur Network, lập luận rằng những kẻ “phá bĩnh” trong ngành công nghệ có thể giúp cải tổ các thị trường đã được thiết lập, vì lợi ích của người tiêu dùng.

Ví dụ, khi Amazon mua Whole Food, một công ty kinh doanh tạp hóa lớn, nhà bán lẻ khổng lồ Walmart đã buộc phải suy nghĩ lại về chiến lược giao hàng tận nhà của họ - kết quả là họ hợp tác với Uber, Lyft và Postmate.

"Bỗng nhiên người dùng ở Mỹ được tiếp cận tốt hơn với việc giao thực phẩm tại nhà. Nó mang lại lợi ích cho người tiêu dùng”, ông Dumitriu nói.

Nhưng ngay cả khi bạn nghĩ rằng việc chia nhỏ những ông lớn công nghệ là chuyện có thể xảy ra, thì giáo sư Harry First nói rằng các lựa chọn là vô cùng hạn chế.

Luật cạnh tranh của Mỹ khiến các tòa án rất khó tìm được cơ sở pháp lý để biện minh cho việc chia tách một công ty lớn, ông giải thích. Nếu có bằng chứng về hành vi xấu thì một thẩm phán có thể yêu cầu như vậy, nhưng các công ty có thể hứa "sửa chữa" hành vi xấu đó và... lại tiếp tục.

Đó là những gì đã xảy ra cách đây 20 năm, khi một thẩm phán Mỹ ra lệnh cho Microsoft chia làm hai. Điều đó đã không bao giờ xảy ra, một phần là vì Microsoft đồng ý thực hiện các thay đổi để các đối thủ cạnh tranh có thể dễ dàng tích hợp phần mềm của họ với Windows hơn.

Giáo sư First lập luận rằng làm cho dữ liệu của các gã khổng lồ công nghệ trở nên “có sẵn” cho các đối thủ cạnh tranh có thể là một cách để hạn chế sức mạnh ngày càng tăng của họ. Chẳng hạn, cơ sở dữ liệu bản đồ khổng lồ của Google có thể được cấp phép cho các công ty khác đang tìm cách tạo những ứng dụng dựa trên bản đồ của riêng họ. Ông cho rằng những start-up này có thể hoặc là thất bại hoặc là cho ra một cái gì đó tốt hơn đáng kể và mang tính đổi mới hơn.

Cách tiếp cận này tương tự như khuyến nghị trong một báo cáo gần đây của chính phủ Anh về khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế kỹ thuật số. Thay vì ủng hộ việc chia tách các công ty lớn, tác giả Jason Furman cho rằng họ buộc phải cho phép người dùng chuyển dữ liệu cá nhân của mình sang các công ty cạnh tranh.

Như vậy, nếu không thích cách Facebook đang vận hành mọi thứ thì chỉ cần yêu cầu dữ liệu của bạn được chuyển đến mạng xã hội mới mà bạn chọn.

Có cách nào khác không?

Giáo sư Yu có một ý tưởng khác.

Ở một khu vực như châu Âu, nơi có hệ thống pháp lý rõ ràng để tạo áp lực cho các công ty nước ngoài - là sẽ bị điều tra mỗi khi có dấu hiệu vi phạm, thì tại sao không bắt buộc các công ty công nghệ lớn kiểm toán những thuật toán của họ, giống như cách mà các tài khoản của những ngân hàng được kiểm toán thường xuyên?

Giáo sư Yu nói rằng có rất nhiều nhà khoa học dữ liệu có khả năng ở EU, những người mà, nếu được phép truy cập, có thể đảm bảo rằng các ông lớn công nghệ sẽ không dành quyền ưu tiên một cách không công bằng cho những dịch vụ của riêng họ trong các nền tảng do chính họ tạo nên, hoặc khóa và lạm dụng dữ liệu cá nhân của mọi người.

"Điều đó không thực sự làm cho họ phải tách ra, bạn chỉ cần giám sát kỹ lưỡng họ thôi", ông nói.

Vì vậy, giống như một bác sĩ đối phó với một bệnh nhân căng thẳng, cơ quan quản lý có thể khẳng định chắc chắn rằng: "Đừng lo lắng, đó là vì lợi ích của chính bạn!"

Và, thực vậy, đó là vì lợi ích của chúng ta.

Nhã Thanh (Theo BBC)

FILI

Các tin tức khác

>   Bế tắc về Brexit làm tê liệt nền kinh tế Anh (03/04/2019)

>   Thủ tướng May chuẩn bị thỏa hiệp với Đảng Lao động để tìm lối thoát cho Brexit (03/04/2019)

>   Ông Trump bất lực nói với Chủ tịch Fed: “Tôi bị mắc kẹt với ông” (03/04/2019)

>   Lagarde: Kinh tế toàn cầu đang trong thời điểm nhạy cảm (03/04/2019)

>   “Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung đã đạt 90%” (03/04/2019)

>   Con đường đến đỉnh vinh quang của một công ty từng cận kề phá sản (03/04/2019)

>   Quốc hội Anh tiếp tục tranh cãi, Brexit vẫn bế tắc (02/04/2019)

>   Moody’s: Suy thoái toàn cầu có thể xảy ra nếu không có thỏa thuận Mỹ-Trung trong vài tháng tới (02/04/2019)

>   Singapore chuẩn bị thông qua luật chống tin giả trên mạng Internet (02/04/2019)

>   Moody's: Fed chưa cần phải hạ lãi suất (02/04/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật