Bị từ chối visa 8 lần và chỉ nói lõm bõm vài chữ tiếng Anh, giờ thì CEO Zoom đã trở thành tỷ phú
Ngay cả những người bạn thân nhất, những cố vấn lâu đời nhất và những nhà đầu tư đời đầu của Eric Yuan đều nghĩ rằng thị trường không cần đến Zoom. Đó là vào năm 2011, thị trường còn ngổn ngang với hệ thống hội nghị qua video từ Google, Skype, GoToMeeting và Cisco – nơi ông Yuan đang dẫn dắt nhóm lập trình viên của WebEx.
“Ông ấy đến với một thị trường mà mọi người cho rằng đã quá chật chội rồi”, Dan Scheinman, từng là Trưởng bộ phận phát triển doanh nghiệp của Cisco, giờ là nhà đầu tư thiên thần và là thành viên của Hội đồng quản trị tại Zoom, cho hay. “Ông ấy phải cạnh tranh với những ứng dụng miễn phí và một vài ông lớn”.
Eric Yuan (ở giữa)
|
Ông Yuan – di cư từ Trung Quốc tới Thung lũng Silicon trong năm 1997 ở tuổi 27 – cho biết vấn đề với những sản phẩm này là chẳng ai thích sử dụng chúng cả, đồng thời nói thêm những dòng code bị lỗi mà ông viết cho WebEx từ 20 năm trước đến giờ vẫn còn được sử dụng. Là một kỹ sư phần mềm với nhiều bằng sáng chế liên quan tới vấn đề cộng tác theo thời gian thực (real-time), ông cũng biết rằng các chiếc điện thoại thông minh và máy tính bảng có thể làm được nhiều việc với hệ thống hội nghị qua video hơn là những gì sẵn có tại thời điểm đó.
Vì vậy, ông Yuan bỏ ngoài tai những lời hoài nghi và lắng nghe tiếng nói từ người dùng. Cú đặt cược của ông đã thành công viên mãn.
Sau màn chào sàn chứng khoán của Zoom trong ngày thứ Năm (18/04), Công ty hiện được định giá ở mức 15.9 tỷ USD. Cổ phiếu bật tăng mạnh 72% trong phiên giao dịch đầu tiên lên 62 USD/cp, sau khi Công ty huy động được 356.8 triệu USD trong đợt IPO này.
Mức định giá cao của Zoom – gấp 48 lần doanh thu – cũng phản ánh phần nào mức tăng trưởng ấn tượng 118% về doanh thu trong năm 2018, cùng với một đặc tính bất thường của một công ty phần mềm đang lên: Lợi nhuận. Hàng hàng doanh nghiệp sử dụng phần mềm của Zoom, trong đó nhiều công ty tận dụng sản phẩm miễn phí này cùng với 344 công ty đã trả hơn 100,000 USD/năm.
Ông Yuan – vốn sở hữu 20% cổ phần Zoom – đang là tỷ phú mới nhất của giới công nghệ khi lượng cổ phần này trị giá 2.9 tỷ USD.
Đây là một hành trình đầy ấn tượng của ông Yuan (49 tuổi) từ việc sáng lập một start-up phần mềm nhỏ ở Bắc Kinh cho tới việc lên sàn Nasdaq và là CEO của một trong 10 công ty phần mềm đám mây đáng giá nhất của nước Mỹ. Có nhiều nhà lập trình Trung Quốc nắm giữ vai trò kỹ sư cấp cao, nhưng bạn không thấy họ thành lập công ty và dẫn dắt công ty tới giai đoạn IPO. Trên thực tế, không một công ty nào trong số 50 công ty thuộc Bessemer Nasdaq Emerging Cloud Index có CEO là người Trung Quốc.
Yuan đã vượt qua nhiều gian truân để đến với Thung lũng Silicon, khi ông bị từ chối visa tới 8 lần.
Cuối cùng, ông đã xin visa thành công trong năm 1997 và sau đó ông nhận được công việc xây dựng hệ thống họp trực tuyến WebEx. Ông chỉ nói lõm lõm được vài câu tiếng Anh tại thời điểm đó.
“Trong vài năm đầu, tôi chỉ biết cắm mặt lập trình và cực kỳ bận rộn”, Yuan cho biết trong một cuộc phỏng vấn ở sàn Nasdaq (New York) trong ngày thứ Năm (18/04). Tại đây, ông ăn mừng cùng với 80 nhân viên, khách hàng và nhà đầu tư. Yuan cho biết ông chọn không bỏ thời gian cho việc đào tạo tiếng Anh chính thức và “tôi chỉ học từ những người trong nhóm”.
Ông nhanh chóng thăng tiến và trở thành người đứng đầu bộ phận kỹ sư của Cisco cho tới khi Công ty này bị mua lại với giá 3.2 tỷ USD trong năm 2007. Bốn năm sau đó, ông rời công ty.
Tách trà và một bản demo ý tưởng
Trong tháng 4/2011, Yuan đã gọi Scheinman để mời ông một tách trà và trình bày ngắn gọn về ý tưởng mới.
Scheinman cũng rời Cisco trong tháng đó và đã biết rõ về trình độ của Yuan trong lĩnh vực video và cộng tác. Họ trở thành đôi bạn thân khi còn làm việc ở Cisco. Tại Cisco, Yuan đã thể hiện là một nhà vận hành đáng tin cậy cùng với những kỹ năng lập trình siêu việt. Thế nhưng, để Scheinman biết chắc rằng ông không phải ủng hộ cho một kẻ mất trí đang túng quẫn, ông đã thực hiện hai cuộc gọi để tìm hiểu về Yuan (thực ra, ông đã gọi một người khi đang trên đường tới gặp Yuan).
Vừa lúc đến Coupa Café ở Palo Alto, Scheinman cho biết ông vừa ký séc 250,000 USD và chỉ cần Yuan nói tên để ông ghi vào séc, nhưng lúc đó ông Yuan còn chưa lập công ty.
Vào thời điểm khép phiên ngày thứ Năm (18/04), khoản đầu tư của Scheinman đã tăng hơn gấp 700 lần lên tới gần 176.5 triệu USD, mặc dù ông không được phép bán trong 6 tháng sau IPO.
“Tôi nói ‘tôi tin vào anh và tôi không quan tâm đến những gì anh trình bày, tất cả chỉ vì anh thôi’”, Scheinman cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Yuan cho biết các nhà đầu tư khác đã cam kết góp vốn, nhưng Scheinman “là người đầu tiên chuyển tiền vào ngân hàng”. Scheinman cũng giới thiệu Yuan cho anh em họ của ông, Jim Scheinman, đối tác sáng lập của Maven Ventures.
Jim không chỉ trở thành nhà đầu tư và nhà cố vấn mà còn giúp đỡ Yuan nghĩ ra 4 cái tên khả dĩ cho công ty: Zippo, Hangtime, Poppy và Zoom. Cuối cùng thì họ đã chọn Zoom.
Trong 2 năm đầu khi Zoom đi vào hoạt động, Công ty chỉ là một nhóm nhỏ – phần lớn là kỹ sư từ WebEx. Phiên bản đầu tiên của sản phẩm hội nghị trực tuyến qua video được tung ra trong năm 2013 và khi đó vẫn còn quá ít người đến nỗi Yuan phải tự email tới những người dùng đã hủy đăng ký.
Yuan cho biết ông muốn thử và lôi kéo họ sử dụng dịch vụ gọi của Zoom để nói về những vấn đề của họ và xem thử ông có thể giúp gì cho họ. Đôi lúc, những người dùng này cứ bám lấy ông và thậm chí còn thành những người truyền giáo cho Zoom, Yuan cho biết.
Zoom bắt đầu được chấp nhận nhiều hơn thông qua các sản phẩm miễn phí mà bất kỳ ai có thể sử dụng thông qua điện thoại thông minh và còn có một bộ công cụ để đồng bộ hóa video với hệ thống hội nghị truyền thống. Thay vì sử dụng Google Hangouts hoặc Skype bản điện thoại, WebEx hoặc GoToMeeting từ máy tính cá nhân (PC) và Cisco hoặc thiết bị polycom cho phòng hội nghị lớn, Zoom muốn cung cấp tất cả dịch vụ đó với các thuê bao hàng tháng. Các dịch vụ này có hiệu quả cho mọi doanh nghiệp ở mọi quy mô.
Vào lúc Emergence dẫn đắt một vòng huy động vốn 30 triệu USD trong năm 2015, Zoom đang tăng trưởng vô cùng nhanh chóng, trong đó 65,000 công ty sử dụng một số phiên bản của sản phẩm. Santi Subotovsky, đối tác tại Emergence, cho biết hai năm trước, Yuan không thể khiến nhà đầu tư cảm thấy phấn khích vì quan điểm chủ đạo là thị trường này đã quá nhiều sản phẩm sẵn có và Skype và WebEx đang chiếm lĩnh thị trường.
“Một số người thông minh nhất mà tôi biết sẽ không chịu gặp Eric (Yuan)”, Subotovsky viết trong một email trong ngày thứ Năm (18/04).
Oded Gal, người từng làm cho Yuan ở Cisco và rời Công ty trong năm 2011, cho biết Zoom không chỉ phải đấu tranh với những gã khổng lồ mà còn phải đối đầu với những start-up mới có mục tiêu hiện đại hóa trải nghiệm hội nghị trực tuyến qua video.
Gal đã làm việc tại một trong những start-up đó, BlueJeans Network, đâu đó vào cuối năm 2015. Tại thời điểm đó, Yuan mời Gal đi ăn và đột nhiên bữa ăn trở thành một nỗ lực tuyển dụng. Gal cho biết ông phân vân giữa việc có rời công ty hay không vì BlueJeans có thị phần lớn hơn và đã huy động được 175 triệu USD, gấp 4 lần so với những gì Zoom huy động được.
Gal đã rời BlueJeans vào tháng 3/2016 để gia nhập vào nhóm 14 lập trình viên sáng lập cốt lõi tại Zoom – những người ông từng làm cùng ở WebEx và Cisco.
“Tôi biết họ và biết đó là nhóm tuyệt vời nhất trên thế giới trong việc xây dựng dịch vụ như thế”, Gal cho biết trong một cuộc phỏng vấn trong ngày thứ Năm (18/04).
Lời cam kết với mọi người
Các công ty công nghệ ở khu vực Bay Area đầy rẫy những câu khẩu hiệu bắt tai để xác định nhiệm vụ của họ và khấy động nhân viên. Zoom dường như cũng vậy với câu khẩu hiệu “Phân phát hạnh phúc” (delivering happiness) – cũng là tựa đề một cuốn sách của Tony Hsieh, CEO Zappos, được phát hành trong năm 2013.
Thế nhưng, Yuan đã thuyết phục những người thân cận nhất rằng ông có ý đó thật. Năm 2018, Yuan được trao giải thưởng top CEO được yêu mến nhất từ Glassdoor – trang web việc làm. Glassdoor cho biết Yuan có tỷ lệ ủng hộ 99% từ các nhân viên.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|