Gặp người đàn ông xem số tiền 700 triệu USD là “nực cười”
Sau khi tốt nghiệp một trường đại học ở Nhật Bản, Tomohiro Ohno vẫn chưa tìm ra được việc mà ông muốn làm. Nhưng ông lại biết việc mà ông không muốn, đó là làm trong một công ty kiểu truyền thống của Nhật Bản.
Vậy nên, ông quyết định thành lập một công ty mang lại làn gió mới chứ không nhàm chán: Ông Ohno là người đi tiên phong trong lĩnh vực thực tế ảo tăng cường (AR). Công ty mà ông xây dựng nên, Kudan Inc., phát triển các chương trình cho phép máy tính khả năng phân tích hình ảnh giống với cấu tạo của mắt người, sử dụng chương trình có tên là thuật toán thị giác máy tính.
Logo của Kudan Inc.
|
Vào tháng 11/2018, công ty Kudan được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo (TSE). Đó là một màn ra mắt chói lóa. Cổ phiếu Kudan đã tăng hơn 6 lần và chạm mức đỉnh vào cuối tháng 2/2019, nhờ đó, tổng tài sản của ông Ohno tăng lên mức 800 triệu USD. Mặc dù cổ phiếu đã bớt đà tăng, nhưng vốn hóa thị trường của Kudan vẫn ở mức khoảng 1.3 tỷ USD và ông Ohno sở hữu hơn một nửa cổ phần công ty. Hiện tại, theo ước tính, tài sản ròng của ông vào khoảng 700 triệu USD, dựa theo Bloomberg Billionaire Index. Tuy nhiên, nhà khởi nghiệp 49 tuổi này có vẻ không màng tới số tiền đó.
‘Khoản tiền nực cười’
“Đó là một số tiền nực cười”, ông Ohno, thường được gọi là “Tomo”, cho biết trong một cuộc phỏng vấn ở Tokyo. “Con số đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Mục đích của chúng tôi không phải là tăng giá trị vốn hóa của công ty”, ông nói. “Số tiền đó thật sự chẳng ảnh hưởng gì đến chúng tôi hết”.
Mặc dù nhiều người thường hay liên tưởng AR với trò chơi Pokemon Go – ứng dụng trò chơi trên điện thoại đình đám một thời khiến những nhân vật hoạt hình trông như đang hiện ra tại những địa điểm trong thế giới thật – nhưng ông Ohno lại nói rằng công nghệ còn làm được nhiều điều hơn vậy. “Tôi không hề có ý chê bai Pokemon Go”, ông nói. “Nhưng sau tất cả, trò chơi đó chỉ có thể hiển thị một con Pikachu” – một nhân vật của trò chơi – “đứng trong góc phòng”.
Công ty Kudan đang phát triển công nghệ cho những mục đích khác. Họ đang phát triển những chương trình cho phép máy tính nhận thức được những sự vật của thế giới thực và thể hiện chúng dưới dạng hình ảnh 3D. Họ đã sử dụng công nghệ này trong nhiều sản phẩm khác nhau như ô tô không người lái, máy bay không người lái, thậm chí là máy hút bụi. Chương trình này hoạt động tương thích với những công nghệ khác như là trí thông minh nhân tạo (AI) để tăng cường việc tự động hóa cũng như tăng trải nghiệm tương tác.
Bộ não và đôi mắt
“AI là bộ não và chúng tôi là đôi mắt”, ông Ohno cho biết. Trước khi thành lập nên Kudan, ông đã từng là một nhà tư vấn quản lý, sau đó chuyển sang làm việc cho một công ty khởi nghiệp ở Bristol (Anh) và cuối cùng mới thành lập nên công ty riêng của mình chuyên về mua bán giấy phép trò chơi máy tính. “Đôi mắt và bộ não phải hợp tác ăn ý với nhau”.
Gần đây, công ty Kudan vừa thông báo sẽ hợp tác với công ty Synopsys Inc. có trụ sở tại California (Mỹ), để đưa công nghệ mà Kudan phát triển vào trong những sản phẩm của Synopsys – một công ty có thị phần trải dài từ điện thoại di động đến ô tô. Mặc dù ông Ohno nói rằng việc mở rộng quy mô công ty không phải là mục đích của ông, nhưng việc liên minh này đã giúp công ty Kudan được biết đến nhiều hơn trên thị trường.
“Chúng tôi không muốn trở thành một Google thứ hai”, ông Ohno cho biết. Ông muốn Kudan phát triển theo hướng giống ARM Holdings hơn – công ty thiết kế chip điện tử thuộc quyền sở hữu của SoftBank Group Corp., sở hữu công nghệ có mặt trong hầu hết các dòng điện thoại thông mình hiện nay. “ARM có quy mô ‘khủng’, nhưng nếu so với Intel thì vẫn không thấm vào đâu. Nhưng họ lại có mặt ở khắp mọi nơi. Và đó chính là mục tiêu chúng tôi nhắm tới”.
Công ty Kudan trước tiên tập trung vào việc sử dụng công nghệ AR cho ngành tiếp thị, ông Ohno cho biết. Tại thời điểm hiện tại, vẫn chưa có công ty nào thành công trong việc khiến công nghệ trở nên dễ ‘nuốt’ đối với những người theo phong cách truyền thống, nên đã tạo ra cơ hội kinh doanh lớn cho Kudan. Nhưng sẽ sớm có những công ty lớn hơn thực hiện những việc tương tự và sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh của họ. Chính vì vậy, Kudan đã tạo ra một chiến lược biến những đối thủ tiềm năng trở thành khách hàng của họ, thay vì chỉ lo bảo vệ thị phần.
‘Được đánh giá cao’
Chiến lược của Kudan bao gồm chuyển đổi mô hình kinh doanh của công ty từ việc chỉ sử dụng AR cho ngành tiếp thị sang phát triển các ứng dụng sử dụng công nghệ này và cuối cùng là trở thành nhà cung cấp thuật toán này cho những công ty khác. Giám đốc công nghệ của Kudan, John Williams, người mà ông Ohno gọi là “thiên tài tự học” đồng thời cũng là bạn thân của ông, đã thuyết phục ông Ohno bỏ việc phát triển ứng dụng và hãy tập trung vào những công nghệ cơ bản. Bây giờ, Kudan đã có một nền tảng khách hàng rộng lớn, bao gồm cả những công ty vốn là đối thủ trước đây, ông Ohno cho biết.
“Cổ phiếu của công ty này được giới đầu tư đánh giá cao”, Tomoichiro Kubota, chuyên gia phân tích tại Matsui Securities Co. ở Tokyo, cho biết. nhưng vẫn có “nguy cơ rằng một công ty với mô hình kinh doanh tương tự xuất hiện”, ông Kubota nói. Và “mặt tối của dự báo cổ phiếu tăng là chúng ta đang ở trong tình trạng có nhiều người mua và giá cổ phiếu lại khá đắt đỏ”.
Công ty Kudan giao dịch ở mức cao hơn 150 lần so với giá trị sổ sách và gấp 35,000 lần so với lợi nhuận, những con số không mấy đáng kể đối với năm tài chính kết thúc vào ngày 31/03/2018. Trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (03/04) ở Tokyo, cổ phiếu của Kudan giảm 1.2%, nhưng vẫn còn tăng 93% trong năm 2019 của công ty.
Biểu đồ hiển thị cổ phiếu Kudan tăng qua từng năm kể từ đợt IPO chói lóa. Nguồn: Bloomberg.
|
Việc đó hoàn toàn không làm ông Ohno bận tâm, ông chú trọng vào việc phát triển kinh doanh và hướng tới những mục đích khác nhiều hơn, ví dụ như việc mở một chi nhánh tại Trung Quốc và niêm yết công ty đó. Trụ sở chính của công ty vẫn nằm ở Bristol (Anh), nơi đặt phòng thí nghiệm công nghệ của Kudan. Nhân viên của công ty Kudan chưa đến 20 người, nhiều người trong số đó có bằng Tiến sĩ về ngành nghiên cứu thị giác máy tính của Đại học Bristol. Ông Ohno nói rằng công ty ông chỉ thuê những chuyên gia có chuyên môn về công nghệ của công ty và bỏ qua những cuộc họp không cần thiết, vì nhân viên của ông tự biết họ cần phải làm gì.
Trụ sở ở Bristol vốn là một nhà thờ cũ. Ông Ohno ngồi làm việc ngay trước một cửa sổ lớn bằng kính màu dài 5 mét, tấm kính đó sẽ chiếu những tia sáng rực rỡ lên người ông vào những ngày nắng đẹp. Khi được hỏi rằng ông có dự định chuyển công ty đến một nơi khác không, ông Ohno trả lời rằng ông vốn hài lòng về nơi mà ông đang làm việc rồi.
“Ngồi ở đây, tôi thấy mình giống như một vị thần”, ông Ohno nói.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
Fili
|