Sau cú giảm sốc cuối tuần, chứng khoán Trung Quốc trở lại mạnh mẽ
Thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương rơi vào trạng thái trái chiều vào ngày thứ Hai (11/03) khi nhà đầu tư vẫn còn lo ngại về khả năng giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, các dữ liệu quan trọng ở Mỹ và Trung Quốc đều không đạt kỳ vọng trong tuần trước.
Tính tới lúc 11h ngày thứ Hai (11/03 – giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh trở lại sau cú rơi sốc vào cuối tuần trước, cụ thể Shanghai Composite tăng 35.53 điểm (tương đương 1.2%), còn Shenzhen Composite tiến 1.2%.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 11h giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Tỷ giá đồng Nhân dân tệ tại Trung Quốc được giao dịch ở mức 6.7240 đổi 1 USD. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) được dự báo sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ để khuyến khích hoạt động cho vay khi họ muốn hỗ trợ cho nền kinh tế vốn trên đà giảm tốc. Hôm Chủ nhật (10/03), Thống đốc PBoC Yi Gang cho biết sẽ không sử dụng tỷ giá để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hoặc xem đó là một công cụ trong cuộc xung đột thương mại với Mỹ.
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 trồi sụt quanh ngưỡng tham chiếu, tăng 44.37 điểm (tương đương 0.21%), còn Topix tiến 0.35%.
Cổ phiếu Nissan tiến 1.01% khi cựu Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn được cho là đang xin phép Tòa án Quận Tokyo để tham dự cuộc họp hội đồng quản trị của Nissan trong ngày thứ Ba (12/03), dựa trên nguồn tin từ Reuters.
Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi xóa sạch đà tăng đầu phiên và quay đầu giảm 0.09%.
Chỉ số ASX 200 của Australia giảm 27 điểm (tương đương 0.44%) khi phần lớn lĩnh vực đều giảm. Lĩnh vực năng lượng lùi 1.48% khi nhóm cổ phiếu dầu khí rút lui: Cổ phiếu Santos giảm 1.94%, Oil Search lao dốc 2.3% và Woodside Petroleum hạ 1.7%.
Giá dầu chịu nhiều áp lực trong ngày thứ Sáu (08/03) sau khi dữ liệu cho thấy tăng trưởng việc làm tại Mỹ đã chững lại trong tháng 2/2019, trong khi kim ngạch xuất nhập khẩu Trung Quốc rớt mạnh trong tháng trước. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng hạ dự báo tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Vào sáng ngày thứ Hai (11/03), hợp đồng dầu WTI tương lai tiến 0.41% lên 56.3 USD/thùng, còn hợp đồng dầu Brent tương lai cộng 0.18% lên 65.86 USD/thùng.
Chứng khoán thế giới diễn biến tiêu cực sau khi dữ liệu quan trọng tại Mỹ và Trung Quốc đều không đáp ứng được kỳ vọng, làm dấy lên nỗi lo về đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu.
Hôm thứ Sáu (08/03), dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy nền kinh tế chỉ tạo thêm 20,000 việc làm trong tháng 2/2019, một con số thấp một cách đáng kinh ngạc và đi ngược với xu hướng tăng mạnh trong vài tuần gần đây. Đây cũng là con số thấp nhất kể từ tháng 9/2017. Trước đó, các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Refinitiv dự báo nền kinh tế tạo thêm 180,000 việc làm, cho rằng tốc độ tăng trưởng việc làm vẫn mạnh. Vậy mà thực tế chỉ là 20,000 việc làm, quả là một con số vô cùng đáng thất vọng. Con số của hai tháng trước đó (12 và 1) chỉ được điều chỉnh nhẹ.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 21% trong tháng 2/2019 so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc công bố hôm nay. Đây là con số yếu nhất kể từ tháng 2/2016 và tồi tệ hơn nhiều so với các nhà kinh tế đã dự báo. Còn kim ngạch nhập khẩu giảm 5.2%, cao hơn mức dự báo 1.4% của các chuyên gia phân tích.
Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – dao động ở mức 97.416, tăng từ mức dưới 97 trong tuần trước.
Đồng Yên Nhật được giao dịch ở mức 111.04 đổi 1 USD, sau khi dao động quanh mức 111.6 đổi 1 USD trong tuần trước. Đồng AUD được giao dịch ở mức 0.7035 USD.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|