Thứ Ba, 12/03/2019 08:38

Những phụ nữ đã xóa bỏ các rào cản trong kinh doanh suốt 150 năm qua

Nhằm chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ (08/03), Bloomberg muốn giới thiệu cho bạn một vài phụ nữ người Mỹ đã làm nên lịch sử trong các ngành tài chính, đầu tư và kinh tế. Trong số đó, có người còn được mệnh danh là “Quý bà ngành đường sắt” và “Phù thủy Phố Wall” và tất cả bọn họ đều có chung một đặc điểm: Họ đã phá vỡ những rào cảo trong lĩnh vực của họ, trong khi thường xuyên đối mặt với những sự bất đồng làm nản lòng trong xã hội thời đó.

Và trong trường hợp bạn nghĩ những sự chênh lệch này là những thứ chỉ có trong những ngày xa xưa, hãy xem xét điều này: Một nữ môi giới mới đây đã trình đơn kiện về một vụ phân biệt giới tính với bị cáo là sếp của cô, cô ấy nói đã tìm thấy một cái mũ phù thủy trên bàn làm việc vào một buổi sáng nọ và coi đó là một phần của “chiến dịch quấy rối”.

Maggie Lena Walker (1864-1934)

Là con gái của một người từng là nô lệ và một người lính Ai-len thuộc quân Liên minh, Maggie Lena Walker là người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên dẫn dắt một ngân hàng Mỹ: Ngân hàng St. Luke Penny Savings trong năm 1903.

Mối quan tâm đến những tổ chức tài tài chính của cô được khơi dậy từ khi cô tham gia vào chi hội của Hội Độc lập của St.Luke ở Richmond, Virginia từ khi còn trẻ. Tổ chức này đã cung cấp những dịch vụ hỗ trợ và chôn cất cho những người Mỹ gốc Phi sau giải phóng. Năm 1899, bà Walker, khi đó đã 35 tuổi, trở thành người lãnh đạo tối cao của tổ chức đó, một vị trí mà bà nắm giữ cho đến lúc qua đời.

Bà Walker – một người đã dành trọn đời để đấu tranh cho nền giáo dục, nữ quyền và quyền bình đẳng chủng tộc – đã củng cố tổ chức và mở rộng thành viên trên khắp 23 tiểu bang và quận ở Columbia. Bà cũng là nữ Chủ tịch đầu tiên của Ngân hàng St. Luke Penny Savings và đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị khi ngân hàng của bà hợp nhất với hai ngân hàng Richmond khác do người da đen làm chủ; Ngân hàng Consolidated Bank & Trust Co. mới tiếp tục được điều hành bởi những người Mỹ gốc Phi cho đến năm 2005.

“Chúng ta hãy tự dùng tiền của chúng ta”, bà Walker nói trong một bài phát biểu năm 1901. “Chúng ta hãy tự cho nhau vay và tự thu về lợi nhuận. Chúng ta hãy lập một ngân hàng để thu về những đồng ni-ken và biến chúng thành những đồng đô-la”.

Victoria Woodhull (1838-1927) và Tennessee Claflin (1844-1923)

Victoria Woodhull (trái) và Tenessee Claflin.

Victoria Woodhull và Tennessee Claflin là hai trong mười đứa trẻ có một người cha được mô tả với nhiều nhân dạng khác nhau, khi thì là một doanh nhân có khi lại là một tên lừa đảo. Hai cô gái này được cho là có khả năng thấu thị (nhìn trước tương lai), khi còn trẻ hai người đã dùng khả năng này để kiếm thêm thu nhập cho gia đình nghèo khổ của họ.

Năm 1868, họ đến sống tại thành phố New York, tại nơi này, họ đã gặp được ông trùm tàu hơi nước và đường sắt Cornelius Vanderblit. Họ đã cho ông ta một vài dự đoán về tâm linh, và ông ta đã giúp họ mở công ty môi giới của riêng mình vào năm 1870 - Công ty Woodhull & Claflin – công ty đầu tiên ở Mỹ được điều hành bởi phụ nữ. Công ty của họ đã thành công, và họ đã dùng một phần tiền kiếm được để mở một tòa soạn báo: Tuần báo Woodhull & Claflin.

Tờ báo này tập trung nói về quyền được đi bầu cử của phụ nữ, cải cách lao động và còn nhiều chủ đề gây tranh cãi hơn là việc hợp pháp hóa mại dâm và quyền tự do yêu đương. Tờ báo này còn đưa tin về chuyện yêu đương chưa được minh chứng của Bộ trưởng Henry Ward Beecher và một giáo dân đã có gia đình. Đây chính là nguyên nhân khiến hai chị em này bị bỏ tù vì đã gửi những tài liệu “tục tĩu” bằng thư – họ được yêu cầu phải trả một khoản tiền để được tha bổng.

Hetty Green (1834-1916)

Hetty Green bắt đầu đọc những tin tức tài chính và những báo cáo về cổ phiếu cho ông của bà nghe từ lúc mới 6 tuổi, “một người đàn ông với nhiều vụ đầu tư” đã nói cho bà biết “cái gì là tốt và tại sao nó lại tốt”, theo tài liệu của một tờ báo năm 1905. Khi qua đời ở tuổi 82, Green được cho là người phụ nữ giàu nhất nước Mỹ và có khi còn là giàu nhất thế giới, với tổng tài sản lên đến 2 tỷ USD tính theo giá USD ngày nay.

Bà nói trong tiểu sử rằng bà đã được thừa kế 1 triệu USD từ cha của bà, người đã kiếm tiền từ việc kinh doanh đánh bắt cá voi. Green đã mở rộng số tài sản đó bằng việc cho vay, mua và bán bất động sản, mua bán cổ phiếu đường sắt, cầm cố thế chấp và mua bán trái phiếu chính phủ. Khi kết hôn, chồng của bà đã ký sẵn vào một thỏa thuận tiền hôn nhân về tài sản.

Nổi tiếng giàu có, bà Green, vốn là một tín đồ Kito giáo, cũng được biết tới nhờ những bộ váy đen của bà – thứ đã đem lại cho bà biệt danh “Phù thủy Phố Wall” – và cũng nổi tiếng nhờ vào sự khôn ngoan của bản thân. Nhiều năm liền văn phòng của bà chỉ là một chiếc bàn trong ngân hàng mà bà là nhà đầu tư chính. Bà được nói là đã ăn trưa với một cái thùng đựng bột yến mạch được làm nóng trên lò sưởi và chỉ giặt đuôi váy khi chúng bị bẩn.

Bà bị chỉ trích là một người thô lỗ và tàn nhẫn, có cùng những đặc điểm với những ông trùm khác trong thời đại Gilded, nhưng khi bà chết, cáo phó của bà lập tức được lên trang nhất của tờ New York Times.

Sylvia Porter (1913-1991)

Năm 1929, khi thị trường chứng khoán lâm vào khủng hoảng, Sylvia Porter mới chỉ bước chân vào đại học. Cha của bà, một người góa vợ, đã mất 300,000 USD do cuộc khủng hoảng đó, và Porter đã chuyển ngành học từ Văn học Anh sang ngành Kinh tế.

Bà Porter cũng bị ảnh hưởng bởi việc “nhớ tới chuyện cha và mẹ tôi đã mất tiền vào trái phiếu tự do như thế nào vì đã bán chúng vào sai thời điểm, đó cũng là điều mà nhiều người mắc phải khi Chiến tranh Thế giới Thứ nhất kết thúc”, bà trả lời trong một bài phỏng vấn.

Sau khi tốt nghiệp, Porter làm việc cho một công ty đầu tư và bắt làm việc đánh giá các tựa sách và bài báo tự do. Bà bắt đầu viết cho chuyên mục về trái phiếu Chính phủ cho tờ American Banker vào năm 1934 và đến năm 1935 bà viết về tình hình của Phố Wall cho tờ New York Post. Một năm sau đó, bà trở thành biên tập viên tài chính cho tờ báo này.

Với một sự nghiệp có sức ảnh hưởng kéo dài đến 6 thập kỷ, trong đó có một chuyên mục hợp tác có tới 40 triệu độc giả vào thời kỳ đỉnh cao, Porter là người tiên phong trong lĩnh vực tài chính cá nhân – tập trung vào những khán giả chung và tránh những thứ mà theo bà gọi là “những thứ khó hiểu” về kinh tế. Nhưng lúc đầu, bà đã ký bút danh S.F.Porter dưới những bài báo của mình để che dấu giới tính trong nền công nghiệp do nam giới thống trị này – một việc làm mà bà đã duy trì từ năm 1934-1942.

Frances Perkins (1880-1965)

Có hai sự kiện đã truyền cảm hứng cho lòng trắc ẩn dành cho công nhân của Frances Perkin: Tham quan các nhà máy thế kỷ trong một lớp học lịch sử kinh tế tại Đại học Mount Holyoke và nhìn thấy những phụ nữ trẻ phải chết khi cố gắng tìm đường thoát khỏi một đám cháy kinh hoàng tại nhà máy Triangle Shirtwaist ở thành phố New York.

Đó chính là động lực đầu tiên thúc đẩy bà làm việc với những người nghèo, người thất nghiệp và dân nhập cư. Luận văn thạc sĩ của bà, với tư cách là một ứng viên về xã hội học và kinh tế học tại Đại học Columbia, là về những đứa trẻ bị suy dĩnh dưỡng. Sau này, bà có nói rằng vụ cháy Triangle năm 1911 là “ngày mà Chính sách kinh tế mới của Mỹ ra đời”.

Năm 1933, khi vị Tổng thống vừa đắc cử Franklin Roosevelt mời bà về làm thư ký cho Bộ Lao động Mỹ, Perkins đã trở thành người ủng hộ đầy nhiệt huyết cho quyền của người lao động. Bà cũng từng là ủy viên công nghiệp Roosevelt, phụ trách Bộ lao động của New York, khi ông còn là Thống đốc của bang này. Là nữ thành viên đầu tiên của nội các Chính phủ, bà trở thành người thúc đẩy các chương trình việc làm, mức lương tối thiểu, tuần làm việc 40 giờ, hạn chế lao dộng trẻ em và Đạo luật An sinh Xã hội.

“Mỗi người đàn ông và phụ nữ làm việc với mức lương đủ sống, với những điều kiện lao động an toàn, với số giờ làm hợp lý hoặc được bảo vệ bởi bảo hiểm thất nghiệp hoặc An sinh Xã hội, đều là những người mắc nợ bà ấy”, Willard Wirtz, Thư ký Bộ Lao động từ năm 1962-1969, cho biết.

Isabel Hamilton Benham (1909-2013)

Là một sinh viên kinh tế học của Đại học Bryn Mawr vào cuối những năm 1920, Isabel Hamilton Benham muốn được làm việc ở Phố Wall nhưng lại được người khác khuyên đăng ký vào một khóa học về thư ký.

Bà đã bỏ mặc lời khuyên ấy và tiếp tục trở thành Chuyên gia phân tích sự ảnh hưởng của ngành đường sắt và là đối tác nữ đầu tiên trong lĩnh vực trái phiếu của Phố Wall – dù vậy, bà cũng giống như Sylvia Porter, đôi khi phải giấu đi giới tính của mình thông qua việc dùng bút danh I.Hamilton Benham.

Sau khi tốt nghiệp, bà đã tham gia vào một khóa học về trái phiếu kéo dài 6 tháng, kiếm được 20 USD/tuần nhờ vào việc bán báo New Yorker trong khi vẫn săn tìm một công việc ở Phố Wall. Vào năm 1932, bà đã tìm được một công việc tại Reconstruction Finance Corp., do Quốc hội và Tổng thống Herbert Hoover thành lập với mục đích cho vay tới các ngân hàng và ngành đường sắt túng quẫn trong cuộc Đại Khủng hoảng.

Một thời gian sau, Benham được biết đến với biệt danh “Quý bà ngành đường sắt” với những kiến thức trực tiếp liên quan đến ngành này của bà. Bà tự đi khảo sát các nhà máy, nghiên cứu các quyển sách hướng dẫn của công ty và các báo cáo hàng năm và giữ một mô hình đầu máy diesel nhỏ và một toa xe trên bàn làm việc, theo tư liệu của tờ New York Times năm 1954.

“Sự hồi hộp lớn nhất đời tôi là khi có một Chủ tịch đường sắt nào đó gọi đến và nói ‘Isabel, tôi muốn huy động một triệu USD”, bà nói.

Muriel Siebert (1928-2013) và Julia Montgomery Walsh (1923-2003)

Muriel Siebert (Phải) và Julia Montgomery Walsh (Trái).

Sau khi Muriel Siebert qua đời, bài báo của Bloomberg News viết về tang lễ của bà có dòng: “Người phụ nữ đầu tiên làm việc tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE), Siebert rất yêu thương chú chó của bà, Monster Girl. Thức uống của bà là vodka. Và bà ấy lái xe rất nhanh”.

Siebert là người sở hữu rất nhiều thứ đầu tiên: Người phụ nữ đầu tiên đứng đầu một công ty thành viên của NYSE, người đầu tiên mở một công ty môi giới bán giảm giá ở Mỹ và là nữ giám đốc ngân hàng đầu tiên của bang New York (chức danh này thường được bà viết tắt là “S.O.B”). Bà đã đi học, nhưng không tốt nghiệp, ở ngôi trường mà bây giờ là Đại học Case Western Reverse ở Cleveland, bang Ohio, đây là nơi bà lớn lên và được biết đến là con gái của một nha sĩ. Bà từng là Chuyên gia phân tích tài chính, trở thành đối tác của một công ty môi giới ở Phố Wall nhưng lại phải đối mặt với sự từ chối khi cố gắng kiếm một vị trí trên sàn giao dịch: Bà cần hai nhà tài trợ ủng hộ cho đơn đăng ký nộp lên sở NYSE của bà; có tới 9 trên 10 người đàn ông đầu tiên đã từ chối đơn đăng ký của bà.

Hai năm kể từ khi bà giành được vị trí trên sàn chứng khoán, Julia Montgomery Walsh và Phyllis Peterson đã trở thành những thành viên nữ đầu tiên của Sàn Giao dịch Chứng khoán Mỹ. Bà Walsh sau đó đã trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lĩnh vực chứng khoán được bầu làm Thống đốc Amex.

Là con gái của một công nhân nhà máy sản xuất lốp xe và một chủ hiệu sách, Walsh là người phụ nữ đầu tiên nhận được bằng cử nhân quản trị kinh doanh của Đại học Kent State và cũng là người phụ nữ đầu tiên tốt nghiệp chương trình quản lý nâng cao của Trường Harvard Business. Năm 1977, bà đã thành lập nên công ty đầu tư riêng, công ty Julia M.Walsh & Sons, cùng với 12 đứa con của bà (trong đó, 4 người con từ lần kết hôn đầu và 7 đứa là con riêng của người chồng thứ hai và 1 đứa là con của bà và người chồng thứ hai).

Elinor Ostrom (1933-2012)

Khi Elinor Ostrom đoạt được giải Nobel về kinh tế năm 2009, nhiều chuyên gia kinh tế ngạc nhiên vì chưa từng nghe tên bà trước đây. Không chỉ vì bà là phụ nữ (chưa có một người phụ nữ nào nhận được giải thưởng này trước đây – hoặc là kể từ đó), mà là vì bà còn là giáo sư khoa học chính trị, và những lĩnh vực nghiên cứu của bà trải dài từ các sở cảnh sát đô thị đến các lĩnh vực về rừng và nghề đánh cá.

Ostrom đã nhận được giải thưởng mà bà chia sẻ với Oliver Williamson vì bài phân tích về “quản trị kinh tế” của bà – cho thấy rằng những nhóm địa phương nhỏ lẻ có thể quản lý tài nguyên và tài sản chung “mà không cần phải theo bất kỳ quy định nào của chính quyền trung ương hoặc tư nhân hóa”.

Kết luận đó của bà được đưa ra sau nhiều năm làm việc thực tế với những người đã tự tạo lập những luật riêng cho bản thân về hướng dẫn duy trì các đồng cỏ và những tài sản tự nhiên khác. Ostrom, người đã dành hơn 40 năm tại Đại học Indiana, có một vài kinh nghiệm trong chuyện tự tạo lập những luật riêng cho bản thân. Với cách riêng, bà đã học xong Đại học California ở Los Angeles (UCLA), tốt nghiệp mà không còn vướng nợ nần với tấm bằng danh dự trong vòng chỉ 3 năm.

Khi bà quyết định mình cần một tấm bằng tiến sĩ, Khoa khoa học chính trị của UCLA đã lên tiếng hoài nghi về việc chấp nhận một người phụ nữ, nói với bà rằng bà sẽ không thể kiếm được công việc nào cả, chứ đừng nói tới việc được giảng dạy ở một đại học lớn.

“Nhưng tôi có niềm đam mê với những gì tôi đang làm”, bà trả lời trong một bài phỏng vấn. “Và cứ thế như một đứa con trai bướng bỉnh, tôi cứ tiếp tục làm thôi”.

Trân Võ (Theo Bloomberg)

Fili

Các tin tức khác

>   Chủ tịch Fed: Lãi suất hiện đang ở mức hợp lý (11/03/2019)

>   Trung Quốc và Mỹ “đàm phán ngày đêm” để đạt thỏa thuận thương mại (11/03/2019)

>   Chủ tịch Fed: “Luật đã rõ, ông Trump chẳng thể sa thải tôi" (11/03/2019)

>   Hai máy bay rơi trong nửa năm, Boeing có bị nghi ngờ về an toàn? (11/03/2019)

>   Giới siêu giàu chuộng trữ tiền mặt (10/03/2019)

>   Chủ tịch Fed: Chưa vội điều chỉnh lãi suất, sẽ sớm công bố thông tin về kế hoạch mới (09/03/2019)

>   Kinh tế thế giới khép lại một tuần toàn tin xấu (09/03/2019)

>   Xuất khẩu Trung Quốc giảm 21%: Điềm báo không lành về nền kinh tế thế giới (09/03/2019)

>   Mỹ chỉ tạo thêm 20,000 việc làm, thấp nhất kể từ tháng 9/2017 (09/03/2019)

>   EU kêu gọi Trump dỡ bỏ thuế quan để cùng hợp tác đối phó với Trung Quốc (08/03/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật