Thứ Bảy, 09/03/2019 10:25

Xuất khẩu Trung Quốc giảm 21%: Điềm báo không lành về nền kinh tế thế giới

Hoạt động xuất khẩu khổng lồ của Trung Quốc đã bị tổn thương bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ và nền kinh tế toàn cầu đang giảm tốc.

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 21% trong tháng 2/2019 so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc công bố hôm nay. Đây là con số yếu nhất kể từ tháng 2/2016 và tồi tệ hơn nhiều so với các nhà kinh tế đã dự báo.

Thuế quan mà Mỹ áp lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đang gây thiệt hại nặng nề tới nền kinh tế nước này. Tổng giá trị hàng hóa được vận chuyển đến Mỹ đã giảm mạnh hơn nhiều so với các thị trường lớn khác, dựa trên dữ liệu mới nhất.

"Hàng rào thuế quan của Mỹ đã trở thành yếu tố tác động mạnh tới xuất khẩu", Julian Evans-Pritchard, Chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại công ty nghiên cứu Capital Economics, cho biết trong một lưu ý gửi tới khách hàng.

Nhưng cuộc chiến thương mại, trong đó Trung Quốc và Mỹ đang cố gắng giải quyết thông qua các cuộc đàm phán, chỉ là “bề nổi của tảng băng trôi”. Sự sụt giảm trong xuất khẩu của Trung Quốc cung cấp "bằng chứng nữa cho thấy nhu cầu toàn cầu đang giảm tốc mạnh", Evans-Pritchard nhận định.

Nếu Mỹ và Trung Quốc có "hoàn tất một thỏa thuận thương mại thì triển vọng xuất khẩu sẽ vẫn ảm đạm", ông nói.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 2/2019 giảm mạnh sau đà phục hồi bất ngờ trong tháng trước, điều mà các nhà phân tích nhận định là do các công ty gấp rút thông qua các đơn đặt hàng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán vào đầu tháng 2/2019. Ngay khi đã tính tới những sự bóp méo vì kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, thành quả xuất khẩu trong 2 tháng qua vẫn còn yếu ớt.

Toàn cầu hạ nhiệt

Tình hình khó khăn có thể sẽ tiếp tục trong những tháng tới khi nhu cầu giảm ở các thị trường lớn như châu Âu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm trong năm nay. Và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã gióng lên hồi chuông báo động cho các nhà đầu tư vào ngày 07/03 bằng lời cảnh báo về "sự suy giảm đáng kể về tốc độ tăng trưởng kinh tế" – một yếu tố đã buộc họ phải giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục trong tương lai gần và công bố các khoản cho vay giá rẻ mới cho các ngân hàng để cố gắng thúc đẩy tăng trưởng.

Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc đã giảm 4.4% vào ngày 08/03. Sau nhiều tuần tăng mạnh, chứng khoán Trung Quốc chịu áp lực từ số liệu xuất khẩu đáng thất vọng và những nhận định bi quan từ ECB.

Xuất khẩu của Trung Quốc cũng được dự báo sẽ bị tác động từ việc công ty chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan của Mỹ.

"Căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc đã thôi thúc một số tập đoàn phòng ngừa những rủi ro như vậy", Raymond Yeung, Chuyên gia kinh tế tại ngân hàng đầu tư ANZ, cho biết trong một ghi chú gửi tới khách hàng.

Điều này vẫn diễn ra mặc dù căng thẳng thương mại gần đây đã giảm bớt. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hai bên "rất, rất gần" với một thỏa thuận và ông dự định gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho một "hội nghị thượng đỉnh để ký kết thỏa thuận".

Trong ngày thứ Sáu (08/03), Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc đã hạ thấp khả năng tiến tới thỏa thuận trong thời gian tới. "Thời điểm diễn ra cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập vẫn chưa được chốt”, Terry Branstad nói với tờ The Wall Street Journal.

“Cả hai bên đồng tình là đã có nhiều bước tiến trong các cuộc đàm phán", ông cho hay. “Chúng ta vẫn chưa tới bước đó (tiến tới thỏa thuận). Nhưng chúng ta đã tiến gần hơn rất nhiều so với trước đây”.

Kinh tế Trung Quốc hứng chịu áp lực

Những con số xuất khẩu ảm đạm chỉ là dấu hiệu mới nhất cho thấy những vấn đề đang tác động nặng nề đến nền kinh tế Trung Quốc.

Tăng trưởng của Trung Quốc đã chịu áp lực sau những nỗ lực kìm hãm hoạt động cho vay rủi ro cao của Chính phủ, một động thái đã khiến nhiều công ty không được tiếp cận nguồn vốn mà họ cần để mở rộng hoạt động kinh doanh.

Tuần này, Chính phủ Trung Quốc dự đoán tăng trưởng kinh tế từ 6%-6.5% vào năm 2019. Mức này thấp hơn con số tăng trưởng 6.6% của năm ngoái, mức tăng trưởng hàng năm chậm nhất của Trung Quốc trong ba thập kỷ

Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã tăng cường nỗ lực để ổn định nền kinh tế. Trong tuần này, Chính phủ tuyên bố cắt giảm thuế và các khoản phí khác mà họ cho biết có thể tiết kiệm cho doanh nghiệp gần 2 ngàn tỉ Nhân dân tệ (tương đương 298 tỷ USD) mỗi năm.

Làn sóng kích thích kinh tế đang gia tăng và bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với Mỹ sẽ giúp tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thoát đáy trong quý 2/2019, Louis Kuijs, Trưởng bộ phận phụ trách khu vực Châu Á tại công ty nghiên cứu Oxford Eonomics cho hay.

Vũ Hạo (Theo CNN Business)

FiLi

Các tin tức khác

>   Mỹ chỉ tạo thêm 20,000 việc làm, thấp nhất kể từ tháng 9/2017 (09/03/2019)

>   EU kêu gọi Trump dỡ bỏ thuế quan để cùng hợp tác đối phó với Trung Quốc (08/03/2019)

>   EU kêu gọi Trump dỡ bỏ thuế quan để cùng hợp tác đối phó với Trung Quốc (08/03/2019)

>   Giới trẻ Trung Quốc đua nhau mua bất động sản ngoại qua mạng (08/03/2019)

>   Kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc bất ngờ giảm hơn 20% trong tháng 2/2019 (08/03/2019)

>   Trump sẵn sàng đàm phán lại với Triều Tiên (08/03/2019)

>   Bóng đen u ám bao trùm cả châu Âu (08/03/2019)

>   NHTW châu Âu lùi kế hoạch nâng lãi suất, công bố gói kích thích mới (07/03/2019)

>   Bài toán nan giải của Trung Quốc: Làm sao thu hút dòng vốn nước ngoài mà không gây bất ổn? (07/03/2019)

>   OECD lại hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu (07/03/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật