Trung Quốc mở cửa chào đón các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nước ngoài để làm gì?
Đây có thể là thời điểm tuyệt vời để nhảy vào mảng phân tích tín nhiệm ở Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách ở nơi sẽ sớm trở thành thị trường trái phiếu lớn thứ hai thế giới đang mời gọi nhà đầu tư quốc tế rót vốn vào.
Cũng vì thế, nhu cầu có một bảng tham khảo về bậc tín nhiệm sẽ gia tăng khi các cơ quan chức trách cho phép các tổ chức đi vay vỡ nợ (số vụ vỡ nợ lên tới mức kỷ lục). Tuy vậy, các công ty xếp hạng tín nhiệm nước ngoài có thể khó mà đánh giá thị trường khó lường như Trung Quốc.
Khi nói về nợ của Trung Quốc, chẳng có gì là đơn giản cả. Điển hình là trường hợp của China Minsheng Investment Group (CMIG), một trong những tổ chức đi vay lớn nhất tại Trung Quốc (thuộc khu vực tư nhân). CMIG – đầu tư trải rộng từ bất động sản cho tới năng lượng tái tạo – không thể trả nợ đúng hạn cho các trái chủ vào đầu tháng 2/2019. Mặc dù sau đó CMIG đã trả hết nợ nần, nhưng theo nguồn tin trong nước, CMIG đang trong quá trình đàm phán với các chủ nợ để duy trì khả năng thanh toán. Shanghai Brilliance Credit Rating & Investor Service đánh giá trái phiếu của CMIG ở mức AAA trước khi Công ty này không trả nợ đúng hạn và thậm chí vẫn giữ nguyên mức xếp hạng sau vụ việc này. Shanghai Brilliance từ chối đưa ra nhận định về vụ việc trên.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm đầu tiên bước vào thị trường Trung Quốc là S&P Global Ratings. Thật vậy, trong tháng 1/2019, S&P Global Ratings trở thành công ty xếp hạng tín nhiệm nước ngoài đầu tiên được các nhà điều hành Trung Quốc thông qua kế hoạch thiết lập một công ty sở hữu toàn phần để xếp hạng tín nhiệm trái phiếu. Mặc dù các tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu như S&P và các tổ chức khác cũng có lúc đánh giá sai lầm (như khoản thế chấp dưới chuẩn trong năm 2007-2008). Ở Trung Quốc, họ sẽ phải đối mặt với một thị trường, nơi thông lệ có ít sự tương đồng với các tiêu chuẩn ở các thị trường phát triển. Và họ sẽ phải cạnh tranh với các công ty nội địa lâu đời.
Có khoảng 6 công ty xếp hạng tín dụng lớn ở Trung Quốc, vốn được thành lập trong bối cảnh các cơ quan chức trách đã ngăn chặn hiệu quả các vụ vỡ nợ. Ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc từ lâu đã là sự ổn định và sự sụp đổ của các doanh nghiệp có thể làm giảm công ăn việc làm và gây nao núng lòng dân. Vì vậy, Trung Quốc cho rằng tốt nhất vẫn nên né tránh các vụ vỡ nợ. Điều này góp phần giải thích tại sao hơn 40% trái phiếu doanh nghiệp nội địa được đánh giá ở mức AAA (bậc tín nhiệm cao nhất), trong khi ở Mỹ chỉ có 2% trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng ở bậc này, dựa trên dữ liệu tổng hợp từ Bloomberg. Nhà đầu tư ở Trung Quốc xem mức AA và thấp hơn giống như bậc của trái phiếu rác (junk rating).
Các cơ quan chức trách nội địa đã nhiều lần sử dụng nguồn lực để hỗ trợ cho các doanh nghiệp mắc nợ, kể cả gây áp lực lên các chủ nợ để họ tiếp tục cung cấp vốn ngay cả khi Công ty nhận vốn đã vỡ nợ. Vì vậy, khó mà tưởng tượng được là họ sẽ kiên nhẫn với những lần hạ bậc từ các công ty xếp hạng tín nhiệm nước ngoài – một điều sẽ khiến các công ty gặp rắc rối về vốn khó mà được tái tài trợ.
Dù vậy, các cơ quan chức trách ở Bắc Kinh nhận ra rằng việc cho phép xác định bậc tín nhiệm dựa trên rủi ro từ công ty đi vay có thể khiến việc đầu tư trở nên hiệu quả hơn.
S&P đã tuyển dụng ít nhất 30 chuyên viên phân tích cho văn phòng ở Bắc Kinh, chuẩn bị khai trương hoạt động sớm thôi, Simon Jin, Giám đốc điều hành tại công ty S&P Global Ratings chi nhánh ở Trung Quốc, cho hay. Câu hỏi được đặt ra ở đây là làm sao để S&P cùng với Moody’s Investors Service và Fitch Ratings (nếu họ theo bước S&P gia nhập vào thị trường Trung Quốc) tạo ra đánh giá tín nhiệm được nhiều nhà đầu tư quốc tế tin tưởng, đồng thời mở rộng hoạt động ở một thị trường có thể chẳng thèm hoan nghênh những sự thật mất lòng về mức tín nhiệm.
Jin cho biết “thật sự có nhu cầu về việc đánh giá tín nhiệm khách quan và đáng tin cậy ở Trung Quốc” và S&P dự tính “cung cấp cho các thành phần tham gia thị trường Trung Quốc với cùng mức tiêu chuẩn minh bạch và phân tích độc lập như đã có ở những nơi khác trên thế giới”. Đồng thời, ông Jin nói thêm, S&P đang điều chỉnh cách tiếp cận tới thị trường Trung Quốc.
Cho tới nay, nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn đầu tư mạnh vào trái phiếu Chính phủ - do ba tổ chức cho vay Nhà nước bán ra. Tính tới tháng 1/2019, loại trái phiếu này chiếm tới hơn 83% khoản nắm giữ trái phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, lợi ích từ việc tạo ra một hệ thống đánh giá tín nhiệm đáng tin cậy quả thật rõ ràng: Điều này sẽ khuyến khích nhà đầu tư cân nhắc nhiều hơn tới trái phiếu doanh nghiệp vào thời điểm các quỹ toàn cầu rót vốn kỷ lục vào thị trường trái phiếu Trung Quốc.
Tuấn Kiệt (Theo Bloomberg)
FiLi
|