Thượng đỉnh Mỹ - Triều: ông Kim mong có “một cuộc đối thoại tuyệt vời” với ông Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã bắt đầu ngày họp thứ hai của hội nghị thượng đỉnh Hà Nội...
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) bắt đầu ngày họp thứ hai của thượng đỉnh Hà Nội - Ảnh: CNN.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã bắt đầu ngày họp thứ hai của hội nghị thượng đỉnh Hà Nội vào lúc 9h sáng nay (28/2) tại khách sạn Metropole.
Phát biểu trước các nhà báo có mặt ở phần mở đầu của cuộc thảo luận, ông Trump nói Triều Tiên có thể trở thành một "cường quốc kinh tế", rằng ông mong muốn giúp điều đó trở thành hiện thực. "Tôi nghĩ đó sẽ là một điều gì đó rất đặc biệt", ông Trump nói.
Ông Kim đáp lại rằng toàn thể thế giới đang theo dõi cuộc nói chuyện giữa hai nhà lãnh đạo, rằng ông mong muốn có "một cuộc đối thoại tuyệt vời" với ông Trump.
Ông Trump nói ông không vội trong việc đi đến một thỏa thuận với Triều Tiên. “Ngay từ đầu, tôi vẫn nói rằng tốc độ không phải là điều quan trọng đối với tôi”, hãng tin CNN dẫn lời ông Trump. “Điều quan trọng là chúng ta có một thỏa thuận đúng đắn”.
Người đứng đầu Nhà Trắng dự báo hai bên sẽ có “thành công tuyệt vời”, nhưng không hé lộ gì về kết quả có thể đạt được trong hội nghị thượng đỉnh này. “Tôi tin chắc là trong những năm tới, chúng ta sẽ gặp nhau nhiều”, ông Trump nói với ông Kim Jong Un.
Trong một diễn biến được giới truyền thông quốc tế đánh giá là thú vị, ông Kim Jong Un đã trả lời câu hỏi của một nhà báo trong khán phòng. Đây được xem là lần đầu tiên Chủ tịch Triều Tiên trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế, hãng tin Reuters cho hay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un trong khuôn viên khách sạn Metropole - Ảnh: Reuters.
|
Phóng viên của tờ Washington Post đặt câu hỏi: “Chủ tịch Kim, ông có lạc quan về một thỏa thuận không?” Ông Kim đáp: “Còn quá sớm đển trả lời. Tôi sẽ không đưa ra câu trả lời sớm. Nhưng tôi có cảm giác là sẽ có kết quả tốt”.
Ông Kim cũng nói với các nhà báo rằng có nhiều người hoài nghi về cuộc gặp của ông với Tổng thống Mỹ. "Tôi tin chắc rằng tất cả bọn họ đang theo dõi thời khắc chúng tôi ngồi cạnh nhau, như thể họ đang xem một bộ phim kỳ ảo vậy", ông nói.
Sau phần trao đổi trước báo giới, ông Trump và ông Kim cùng ra khỏi phòng để đi dạo trong khuôn viên khách sạn Metropole. Theo dự kiến ban đầu, hai nhà lãnh đạo sẽ có một cuộc trò chuyện cạnh bể bơi của khách sạn. Tuy nhiên, kế hoạch này có vẻ như đã thay đổi, theo CNN. Hãng tin này nói rằng ông Trump và ông Kim đã phải chuyển vào trong phòng vì thời tiết nóng ẩm của Hà Nội.
Theo dự báo thời tiết, nhiệt độ ở Hà Nội sáng 28/2 là 23 độ C và độ ẩm là 93%, trong khi cả ông Trump và ông Kim đều mặc bộ suit.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều trong khuôn viên khách sạn Metropole - Ảnh: CNN.
|
Theo thông báo từ Nhà Trắng, ông Trump và ông Kim sẽ có cuộc thảo luận riêng 1+1 trong vòng 45 phút đồng hồ, trước khi dự cuộc họp mở rộng với sự tham gia của quan chức hai nước trong 2 tiếng.
Tiếp đó, hai nhà lãnh đạo sẽ dùng bữa trưa kết hợp công việc. Lúc 2h05 chiều, hai ông sẽ tiến hành một lễ ký thỏa thuận chung. Giới phân tích dự đoán rằng một tuyên bố chính trị kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, cuộc chiến mới khép lại bằng một thỏa thuận ngừng bắn mà chưa có hiệp định hòa bình.
Sau đó, ông Trump sẽ trở về khách sạn JW Marriott, nơi ông nghỉ lại trong thời gian dự thượng đỉnh Hà Nội, và có một cuộc họp báo vào lúc 3h50 chiều. Kết thúc họp báo, ông Trump sẽ lên đường ra sân bay Nội Bài vào lúc 5h15 để bay về Mỹ.
Các nhà quan sát đang hướng về các cuộc thảo luận của ông Trump và ông Kim tại Hà Nội bằng sự thận trọng. "Sẽ là ‘ngây thơ’ nếu kỳ vọng Triều Tiên phi hạt nhân hóa", cựu đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Bill Richardson nói trong một cuộc trao đổi với hãng tin Reuters, đồng thời khuyến cáo chính quyền ông Trump cẩn trọng.
Về phần mình, ông Kim Jong Un sẽ ở lại Việt Nam đến ngày thứ Bảy tuần này, theo xác nhận mới đây của thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA. Trong hai ngày 1-2/3, nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ có chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.
AN HUY
VNECONOMY
|