Dầu tăng liền 3 phiên khi nhà đầu tư cân nhắc kết quả đàm phán thương mại Mỹ - Trung
Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng phiên thứ 3 liên tiếp vào ngày thứ Năm (14/02), khi nhà đầu tư cân nhắc các kết quả có thể xảy ra đối với đàm phán thương mại Mỹ - Trung, vốn có thể tác động trực tiếp đến nhu cầu năng lượng, MarketWatch đưa tin.
Dầu thô đã tìm thấy hỗ trợ từ kỳ vọng rằng Mỹ sẽ gia hạn thời hạn áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc thêm 60 ngày, Bloomberg News đưa tin, tuy nhiên, giá dầu cũng dành phần lớn thời gian trong phiên chìm trong sắc đỏ.
Các cuộc đàm phán thương mại giữa 2 nước đang tiếp tục diễn ra. Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, và Đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, ở Bắc Kinh vào ngày thứ Sáu (15/02), South China Morning Post cho hay.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3 trên sàn Nymex tiến 51 xu (tương đương 1%) lên 54.41 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 04/02/2019, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 4 trên sàn Luân Đôn cộng 96 xu (tương đương 1.5%) lên 64.57 USD/thùng – mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 11/2018.
“Trước tuần này, thị trường đã bị kìm hãm bởi nỗi lo về hoạt động kinh tế toàn cầu và những lo ngại này đã phần nào dịu bớt, đặc biệt là về mặt thương mại”, Caroline Bain, Chuyên gia kinh tế hàng hóa tại Công ty tư vấn Capital Economics, cho biết. “Những thông tin tích cực về xung đột thương mại Mỹ - Trung đã giúp hỗ trợ giá dầu”.
Từ đầu tuần đến nay, dầu WTI tăng 3%, dầu Brent vọt 4%.
Tại Trung Quốc, thị trường chứng kiến dữ liệu lạc quan về kim ngạch nhập khẩu dầu thô, tăng khoảng 5% trong tháng 1/2019, dữ liệu hải quan công bố vào ngày Năm cho thấy. Các nhà phân tích cho biết khối lượng nhập khẩu tăng mạnh đã giúp xoa dịu nỗi lo về đà giảm tốc kinh tế của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Trong khi đó, báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm thứ Tư (13/02) cho biết dự trữ dầu thô nội địa tăng mạnh hơn dự báo, cùng với đó là sự gia tăng của dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất trong tuần kết thúc ngày 08/02/2019.
“Đà giảm mạnh trong hoạt động lọc dầu có thể làm giảm kỳ vọng nhu cầu dầu thô trong thời gian tới khi mùa bảo dưỡng vào cao điểm”, Robbie Fraser, Chuyên gia phân tích hàng hóa toàn cầu tại Schneider Electric, nhận định.
“Mặc dù về mặt hỗ trợ, Nga tuyên bố sẽ tích cực cắt giảm theo thỏa thuận OPEC+ mới nhất, sau khi không thể giảm mức sản lượng theo dữ liệu trước đó”, ông Fraser cho biết trong một lưu ý. Ông cũng đề cập đến một báo cáo rằng Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak, cho biết mức sản lượng tháng 2/2019 sẽ giảm 150,000 thùng/ngày so với tháng 12/2018.
Nhà lãnh đạo thực tế của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Ả-rập Xê-út, đã cam kết cắt giảm sản lượng nhiều hơn nữa trong những tháng sắp tới, Financial Times đưa tin, trích lời Bộ trưởng Dầu mỏ Ả-rập Xê-út, Khalid al-Falih, người cho biết nước này sẽ cắt giảm thêm 500,000 thùng/ngày để đưa sản lượng xuống mức 9.8 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2019.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng xăng giao tháng 3 vọt 3% lên 1.509 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 3 tiến 1.7% lên 1.972 USD/gallon. Cả 2 hợp đồng đều ghi nhận mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 11/2018.
Các hợp đồng khí thiên nhiên suy yếu trong ngày thứ Năm khi EIA ghi nhận rằng nguồn cung khí thiên nhiên tại Mỹ giảm 78 tỷ feet khối trong tuần kết thúc vào 08/02/2019, trùng khớp với dự báo từ các chuyên gia phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts, nhưng thấp hơn rất nhiều so với mức giảm bình quân 5 năm là 160 tỷ feet khối.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 3 lùi gần 0.1% xuống 2.573 USD/MMBtu.
An Trần
Fili
|