Sụt gần 5%, dầu WTI đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 12/2018
Tuần qua, dầu WTI sụt 4.6%, dầu Brent giảm 1%
Các hợp đồng dầu thô tương lai dao động trong phạm vi hẹp vào ngày thứ Sáu (08/02), trong đó dầu WTI tăng nhẹ nhưng vẫn sụt gần 5% trong tuần qua, MarketWatch đưa tin.
Các nhà đầu tư tiếp tục đánh giá rủi ro đối với nguồn cung toàn cầu từ động thái cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela, vốn hỗ trợ giá dầu, nhưng những dấu hiệu về đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu đã làm gia tăng lo ngại về sự suy giảm nhu cầu năng lượng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3 trên sàn Nymex nhích 8 xu (tương đương 0.2%) lên 52.72 USD/thùng, sau khi dao động trong khoảng 52.08 – 52.99 USD/thùng. Tuần qua, hợp đồng này đã sụt 4.6%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 21/12/2018, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 4 trên sàn Luân Đôn cộng 47 xu (tương đương 0.8%) lên 62.10 USD/thùng, nhưng vẫn giảm 1% tuần qua.
Dầu suy giảm trong tuần qua chủ yếu do đà lao dốc trong ngày thứ Năm (07/02), xảy ra trong bối cảnh lo ngại về nhu cầu năng lượng, đồng USD mạnh hơn làm các hàng hóa được neo giá theo đồng bạc xanh trở nên kém hấp dẫn, và báo cáo rằng Libya có thể sớm gia tăng sản lượng. Sự không chắn chắn về thương mại Mỹ - Trung và sự biến động trên thị trường chứng khoán cũng góp phần vào bức tranh kinh tế đáng lo ngại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ ra rằng cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, khi ông đến châu Á vào cuối tháng này có thể là quá sớm trong giai đoạn đàm phán thương mại, Marshall Steeves, Chuyên gia phân tích hàng hóa năng lượng tại Informa Economics, chia sẻ. “Dĩ nhiên, đó chỉ là khi thuế quan quay về mức cao với thời hạn thỏa thuận ngày 01/03/2019. Thuế quan cao hơn sẽ là vấn đề đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu nếu có hiệu lực”.
“Vì vậy, điều đó gây sức ép lên giá dầu và hoàn toàn loại bỏ tác động hỗ trợ của sự sụt giảm sản lượng ở Venezuela, Ả-rập Xê-út và Nga”, ông Steeves nói với MarketWatch.
Vào ngày thứ Sáu, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ, vốn gợi ý sự gia tăng hoạt động sản lượng trong tương lai, tăng 7 giàn.
Bên cạnh đó, chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – tăng 1.1% tuần qua. Đồng USD mạnh hơn làm những hàng hóa được neo giá theo đồng bạc xanh trở nên kém hấp dẫn hơn đối với người sử dụng những đồng tiền khác.
Giá dầu sụt giảm trong tuần này khi Ủy ban châu Âu (EC) cắt giảm dự báo tăng trưởng khu vực đồng Euro và các nền kinh tế lớn trong khối vào năm 2019 và năm 2020, qua đó càng làm tăng thêm lo ngại về đà giảm tốc của tăng trưởng toàn cầu.
Về bức tranh nguồn cung, một vị tướng Libya đã nắm quyền kiểm soát mỏ dầu lớn nhất nước này, Sharara, qua đó làm dấy lên khả năng mỏ dầu này sẽ khởi động lại sản xuất, Wall Street Journal (WSJ) đưa tin. Libya, một thành viên thuộc OPEC, hiện đã được miễn trừ khỏi thỏa thuận cắt giảm sản lượng do tình trạng bất ổn dân sự đã gây khó khăn cho nền kinh tế và ngành công nghiệp dầu mỏ nước này.
OPEC cùng với 10 nhà sản xuất đối tác ngoài OPEC đã đồng ý vào cuối năm trước sẽ cắt giảm sản lượng 1.2 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2019, trong một nỗ lực làm giảm tình trạng dư cung toàn cầu và tái cân bằng thị trường.
Hôm thứ Ba (05/02), WSJ cũng đưa tin rằng các quan chức OPEC cho biết Ả-rập Xê-út cùng với các đồng minh vùng Vịnh Ba Tư đang tìm cách hợp tác chính thức với nhóm 10 nước dẫn đầu bởi Nga để quản lý thị trường dầu thế giới.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 3 tiến 1.4% lên 1.446 USD/gallon và tăng 0.7% trong tuần qua. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 3 cộng 0.4% lên 1.909 USD/gallon, nhưng vẫn hạ 0.2% tuần qua.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 3 tăng 1.3% lên 2.583 USD/MMBtu. Tuần qua, hợp đồng này đã sụt 5.5%.
An Trần
Fili
|