Dầu đảo chiều giảm trước lo ngại về nhu cầu năng lượng
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu giảm giá vào ngày thứ Hai (04/02), sau khi tích tắc chạm mức cao nhất phiên từ đầu năm đến nay, khi giá xóa bớt đà tăng hồi tuần trước do lo ngại về khả năng nhu cầu năng lượng suy giảm lại xuất hiện, MarketWatch đưa tin.
“Có rất nhiều sự thay đổi trong thị trường dầu mỏ vào đầu năm 2019 như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trở nên ‘bồ câu’ hơn, đồng USD yếu hơn, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela, và báo cáo việc làm tháng 1/2019 khá tích cực; tất cả đã hỗ trợ đà tăng của năng lượng hồi tuần trước”, Tyler Richey, Đồng biên tập tại Sevens Report, cho biết.
“Tuy nhiên, lo ngại về nhu cầu lại dấy lên lần nữa vào đầu ngày thứ Hai sau khi công bố dữ liệu kinh tế Mỹ và Trung Quốc bất ngờ yếu kém, và kết quả là, các hợp đồng dầu thô tương lai đã xóa hết đà tăng hồi tuần trước”, ông Richey chia sẻ.
Dữ liệu đó bao gồm chỉ số PMI Dịch vụ tổng hợp Trung Quốc công bố tối qua bất ngờ yếu kém, cụ thể, cho thấy mức độ hợp nhất giảm từ 52.2 xuống 50.9 trong tháng 12/2018. Ngay sau báo cáo này là thông tin dữ liệu về số đơn đặt hàng từ tháng 11/2018 của các nhà máy Mỹ sẽ công bố trễ, qua đó đẩy giá dầu xuống mức thấp trong phiên buổi sáng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3 trên sàn Nymex lùi 70 xu (tương đương 1.3%) xuống 54.56 USD/thùng, sau khi chạm đỉnh trong phiên là 55.75 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 4 trên sàn Luân Đôn mất 24 xu (tương đương 0.4%) còn 62.51 USD/thùng, sau khi chạm đỉnh trong phiên là 63.63 USD/thùng.
Mức cao nhất trong phiên hôm nay của cả hợp đầu dầu WTI và dầu Brent đều là đỉnh cao nhất từ đầu năm đến nay, sau khi bứt phá trong tháng 1/2019 và tăng mạnh vào tuần trước, các chuyên gia phân tích cho biết giá dầu đã chạm mức kháng cự.
“Hiên nay, mức kháng cự quan trọng của dầu WTI và dầu Brent… lần lượt là 55 USD và 65 USD – vẫn còn nguyên. Một sự phá vỡ rõ ràng vẫn chưa xảy ra”, Craig Erlam, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định.
Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản vẫn chủ yếu là hỗ trợ. Cụ thể, dữ liệu của Baker Hughes vào ngày thứ Sáu tuần trước (01/02) cho thấy số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 15 giàn xuống 847 giàn, bù đắp đà tăng 10 giàn trong tuần trước đó.
Và các nhà phân tích cũng lạc quan rằng sản lượng dầu của Venezuela sẽ bị mất nhiều hơn do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Chính quyền ông Trump đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với công ty dầu mỏ quốc gia Venezuela là Petróleos de Venezuela SA hôm thứ Hai (28/01) nhằm nỗ lực ngăn chặn dòng tiền đến Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro, vài ngày sau khi lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó tự mình tuyên bố là Tổng thống lâm thời của nước này. Bất ổn chính trị đã làm gia tăng nguy cơ gián đoạn sản lượng dầu tại Venezuela.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng xăng giao tháng 3 lùi 0.3% xuống 1.432 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 3 mất 0.3% còn 1.907 USD/gallon.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 3 sụt 2.7% xuống 2.66 USD/MMBtu.
An Trần
Fili
|