Dầu đảo chiều, tăng lên cao nhất trong gần 1 tuần
Các hợp đồng dầu thô quay đầu tăng mạnh lên mức đóng cửa cao nhất trong gần 1 tuần vào ngày thứ Ba (12/02), sau khi báo cáo định kỳ hàng tháng của OPEC cho biết các thành viên của tổ chức này đã giảm đáng kể sản lượng trong tháng 1/2019, MarketWatch đưa tin.
Tuy nhiên, giá dầu đã rút khỏi đỉnh trong phiên khi báo cáo định kỳ hàng tháng của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố vào ngày thứ Ba dự báo sản lượng dầu thô tại Mỹ tăng cao trong năm 2019 và 2020. Báo cáo này cũng nâng dự báo giá dầu WTI và dầu Brent trong năm nay, nhưng hạ dự báo giá trong năm 2020 đối với cả dầu WTI và dầu Brent hơn 4%.
“Sản lượng dầu tại Mỹ đang trên đà đạt bình quân 13 triệu thùng/ngày vào năm 2020, qua đó đưa Mỹ hướng đến mức sản lượng kỷ lục năm thứ 3 liên tiếp”, Quản trị viên EIA Linda Capuano cho biết.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3 trên sàn Nymex tiến 69 xu (tương đương 1.3%) lên 53.10 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 4 trên sàn Luân Đôn cộng 91 xu (tương đương 1.5%) lên 62.42 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng dầu Brent và dầu WTI đều đóng cửa tại mức cao nhất kể từ ngày 06/02/2019, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết sản lượng dầu thô của tổ chức này đã giảm 797,000 thùng/ngày trong tháng 1 xuống bình quân 30.81 triệu thùng/ngày. Nhà lãnh đạo thực tế của OPEC, Ả-rập Xê-út, đã đảm nhận phần lớn sự sụt giảm sản lượng cũng như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Kuwait, báo cáo cho thấy. OPEC cũng hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu trong năm nay 50,000 thùng/ngày xuống 1.24 triệu thùng/ngày.
Các hợp đồng dầu thô tương lai đã tăng ngay cả trước khi báo cáo của OPEC công bố, phục hồi từ đáy 2 tuần đã ghi nhận vào ngày thứ Hai (11/02), khi sự lạc quan về các cuộc đàm phán thương mại giữa các quan chức Bắc Kinh và Washington đã giúp hỗ trợ giá dầu.
Dầu thô cũng theo ngay sau đà tăng điểm của thị trường chứng khoán, trong đó chỉ số Dow Jones và S&P 500 nhảy vọt nhờ thông tin rằng các nhà lập pháp Mỹ đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ để chấm dứt bất đồng kéo dài hàng tháng về an ninh biên giới và tránh tình trạng Chính phủ đóng cửa một phần.
Thị trường dầu mỏ đã được hỗ trợ rộng rãi kể từ đầu năm nay nhờ đợt cắt giảm sản lượng mới từ OPEC cùng với các đồng minh. OPEC cùng 10 nhà sản xuất ngoài OPEC, dẫn đầu là Nga, đã đồng ý hồi cuối năm ngoái sẽ giảm sản lượng 1.2 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2019, một phần trong nỗ lực kiềm chế tình trạng dư cung đang nổi lên và hỗ trợ giá dầu.
“Phần lớn sự tập trung chú ý của thị trường vẫn là sự sụt giảm xuất khẩu tại Iran và Venezuela trong những tháng trước, nhưng ở Libya, lực lượng quân đội dường như đã đạt được một thỏa thuận cho phép mỏ dầu lớn nhất nước này khôi phục hoạt động lần đầu tiên kể từ cuối năm 2018”, Robbie Fraser, Chuyên gia phân tích hàng hóa toàn cầu tại Schneider Electric, nhận định.
Reuters đưa tin hôm thứ Hai (11/02) rằng lực lượng quân đội miền đông Libya đã hoàn toàn kiểm soát mỏ dầu El Sharara. “Mỏ dầu này có thể hoạt động trở lại, qua đó dọn đường cho việc tái khởi động sản xuất khoảng 300,000 thùng/ngày”, ông Fraser cho biết.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng xăng giao tháng 3 tiến 0.6% lên 1.427 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 3 cộng 0.8% lên 1.907 USD/gallon.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 3 tăng 1.7% lên 2.688 USD/MMBtu.
An Trần
Fili
|