Chứng khoán châu Á nhuốm sắc đỏ trước cú sốc về số liệu bán lẻ tại Mỹ
Chứng khoán châu Á phần lớn đều nhuốm sắc đỏ vào buổi sáng ngày thứ Sáu (15/02), sau khi Mỹ công bố dữ liệu bán lẻ giảm mạnh nhất trong gần 1 thập kỷ.
Tính tới lúc 9h40 ngày thứ Sáu (15/02), thị trường chứng khoán Trung Quốc suy giảm vào đầu phiên. Cụ thể, Shanghai Composite giảm 18.46 điểm (tương đương 0.68%), còn Shenzhen Component hạ 0.102%. Tuy nhiên, Shenzhen Composite lại tăng nhẹ.
Bên cạnh đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông lao dốc 425.95 điểm (tương ứng 1.5%).
Diễn biến trên xảy ra sau khi Trung Quốc công bố dữ liệu lạm phát tháng 1/2019 không đạt kỳ vọng, tăng trưởng 1.7% so với cùng kỳ năm trước, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết trong ngày thứ Sáu (15/02). Các chuyên viên kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters kỳ vọng chỉ số CPI của Trung Quốc tăng trưởng 1.9% so với cùng kỳ năm trước.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 9h35 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 hạ 227.73 điểm (tương đương 1.08%), còn Topix lùi 0.67%. Cổ phiếu của ông lớn đa ngành Softbank Group lùi 0.6%.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 24.67 điểm (tương đương 1.11%), khi cổ phiếu Samsung Electronics và SK Hynix đều giảm ít nhất 2%.
Ở Australia, chỉ số ASX 200 đi ngược lại với xu hướng chung khi tăng 12.1 điểm (tương ứng 0.2%) trong bối cảnh phần lớn lĩnh vực đều tăng. Chỉ số năng lượng tăng 0.83% khi nhóm cổ phiếu dầu khí leo dốc. Cổ phiếu Santos tăng 1.05%, Woodside Petroleum tiến 1.52% và Beach Energy cộng 2.85%.
Cú sốc từ con số bán lẻ Mỹ
Đêm qua, chỉ số Dow Jones và S&P 500 chìm trong sắc đỏ, sau khi dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ thấp hơn nhiều so với dự báo.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones rớt 103.88 điểm xuống 25,439.39 điểm, khi cổ phiếu Coca-Cola chứng kiến phiên tồi tệ nhất kể từ năm 2008. Chỉ số S&P 500 lùi 0.27% xuống 2,745.72, khi các lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu và tài chính suy giảm. Tuy nhiên, chỉ số Nasdaq Composite lại tiến 0.1% lên 7,426.95 điểm khi cổ phiếu Netflix tăng hơn 2%.
Sở dĩ chứng khoán Mỹ diễn biến tiêu cực là do số liệu doanh số bán lẻ Mỹ tháng 12/2018 thấp hơn nhiều so với kỳ vọng . Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ đã giảm 1.2% trong tháng 12/2018, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2009. Bộ này cũng cho biết doanh số bán lẻ không gồm doanh số bán xăng dầu giảm 0.9% trong tháng 12/2018.
“Con số này thật khủng khiếp”, Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư của Bleakley Advisory Group, cho hay. “Người tiêu dùng Mỹ đang gánh nền kinh tế toàn cầu trên vai. Sau khi xem dữ liệu ngày hôm nay, chúng tôi hy vọng đó chỉ là một tháng cá biệt và sự phục hồi của chứng khoán trong tháng 1/2019 và từ đầu tháng đến nay sẽ làm hồi sinh chi tiêu của người tiêu dùng”.
“Thông tin này thật ‘không thể tưởng tượng nổi’”, David de Garis, Giám đốc và là Chuyên gia kinh tế cấp cao tại National Australia Bank, cho biết trong báo cáo buổi sáng. “Nhiều chuyên viên phân tích cảm thấy chết lặng vì thông tin về dữ liệu bán lẻ”.
Ông de Garis cũng cho biết dữ liệu bán lẻ tại Mỹ có thể là “khởi đầu cho rủi ro nền kinh tế Mỹ có thể giảm tốc mạnh hơn thường thấy”, vì nó được công bố khi số lượng người đăng ký trợ cấp thất nghiệp gia tăng.
Thị trường tiền tệ và dầu khí
Chỉ số đồng USD – bám sát theo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – ở mức 97.067 sau khi lên mức trên 97.2 trong ngày hôm qua.
Đồng Yên Nhật được giao dịch ở mức 110.34 đổi 1 USD, sau khi dao động quanh 111 đổi 1 USD trong ngày hôm qua. Đồng AUD được giao dịch ở mức 0.7082 USD sau khi lên mức 0.7107 USD.
Ở một diễn biến khác, giá dầu đi lên trong phiên giao dịch châu Á buổi sáng. Hợp đồng dầu Brent tương lai tiến 0.54% lên 64.92 USD/thùng, còn hợp đồng dầu WTI tương lai cộng 0.62% lên 54.75 USD/thùng.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|