2019 sẽ là một năm khó khăn đối với TTCK Mỹ và năm 2020 sẽ còn tệ hơn
Mark Yusko, Chuyên gia quản lý quỹ đầu cơ, nhận thấy nhiều sự tương đồng kỳ lạ giữa tình hình ngày nay với sự bùng nổ của bong bóng dot-com.
Vào cuối năm 2000, chứng khoán Mỹ lao dốc khi các nhà đầu tư đồng loạt rút khỏi những cổ phiếu công nghệ được định giá cao. Sau đó, trong tháng 1/2001 Phố Wall đã hồi phục trở lại, khiến cho nhiều người nghĩ rằng khoảng thời gian tệ nhất đã qua. Nhưng không phải vậy.
“Chúng ta đang trải qua sự vụn vỡ của nhóm công nghệ lần hai,” ông Yusko, Nhà sáng lập và CEO của Morgan Creek Capital Management, trả lời với CNN Business vào tuần trước, bên lề cuộc Hội nghị thượng đỉnh Đầu tư Thay thế Cayman.
“Chúng ta đã hoàn toàn rơi vào thị trường con gấu. Thị trường bắt đầu bước vào tình trạng này từ 21/09/2018,” ông Yusko nói, khi đề cập đến ngày chỉ số S&P 500 đạt mức cao kỷ lục.
Dựa trên chỉ số S&P 500, cổ phiếu Mỹ trong khoảng thời gian từ mùa thu tới Giáng Sinh năm 2018 đã lao dốc gần 20%. Đó là một dấu hiệu đáng ngại vì đã đủ đáp ứng định nghĩa của thị trường con gấu.
Có phải là một chu kỳ luẩn quẩn?
Nhưng ông Yusko không quá đặt nặng vấn đề này. Ông tin rằng thị trường chứng khoán đang ở mức quá “chát” và cuối cùng cũng sẽ giảm ít nhất là 4050% từ đỉnh cao nhất mọi thời đại này.
“Amazon hiện nay cứ như một cái bong bóng vậy. Cổ phiếu của họ được định giá quá cao. Netflix thậm chí còn cao hơn,” ông nhận xét.
Một điểm khác nhau quan trọng giữa tình hình hiện nay với bong bóng dot-com là hầu hết những loại cổ phiếu công nghệ phổ biến đều đang có lãi. Trước đó, nhiều công ty đã bị thua lỗ vì giao dịch với những số liệu không rõ ràng như là ước tính bằng mắt vậy.
Điểm khác nhau tiếp theo là sự gia tăng của loại hình đầu tư thụ động. Trong 10 năm qua, tiền đổ xô chảy vào các Quỹ hoán đổi danh mục (ETF) có chi phí thấp – cách đầu tư bám sát theo các chỉ số chính trên thị trường. Có thể đây là một cú hích lớn trong thời kỳ bùng nổ nhưng cũng có thể phản tác dụng khi tất cả các nhà đầu tư đồng loạt rút lui.
“Chính cái chu kỳ luẩn quẩn này đã đẩy mọi thứ lên tới đỉnh điểm,” ông Yusko nói. “Một khi chu kỳ đó đảo chiều, hậu quả sẽ rất lớn. Bán tháo nối tiếp bán tháo.”
Thị trường đang dần hồi sinh
Trong 2019, các nhà đầu tư lại một lần nữa “đâm đầu” vào các loại cổ phiếu công nghệ. Nỗi lo ngại sẽ xảy ra một đợt suy thoái đã được xoa dịu bởi những dữ liệu kinh tế vững mạnh, những tiến triển mới trong việc giải quyết xung đột thương mại Mỹ-Trung và quan điểm “bồ câu” từ Cục dự trữ liên bang (Fed).
Chỉ số Dow Jones tăng vọt gần 400 điểm trong ngày thứ Ba (12/02), lên cao nhất trong hai tháng, trong bối cảnh Quốc Hội và Nhà Trắng gần đạt được thỏa thuận nhằm ngăn chặn tình trạng đóng cửa của Chính phủ Mỹ.
UBS thúc giục các nhà đầu tư không được chuyển sang tiền mặt, thay vào đó hãy có cái nhìn xa hơn và bắt đầu xem xét những phương án dự phòng cho danh mục đầu tư của họ.
“Chúng tôi không tin sắp tới kinh tế sẽ suy thoái hay là có đợt sụt giảm mới,” Mark Haefele, Giám đốc đầu tư của UBS Global Management, viết. “Tuy nhiên, các nhà đầu tư thận trọng nên chuẩn bị danh mục đầu tư của họ trong giai đoạn biến động tiếp theo của thị trường.”
Yusko, giống như hầu hết những chuyên gia “lão làng” khác, trước đây từng dự đoán sai. Trong năm 2015, ông đã từng dự báo là nền kinh tế sẽ đối mặt với một cuộc suy thoái khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại và giá dầu lao dốc.
“Công ty ma”
Tuy nhiên, Yusko lại kêu gọi nhà đầu tư không nên phân tâm bởi khởi đầu nhộn nhịp của năm 2019. Ông ấy tin rằng mọi chuyện sẽ kết thúc trong nước mắt, ông dự đoán chỉ số S&P 500 cuối năm 2019 sẽ sụt giảm từ 13% đến 14%.
Yusko nói: “Thị trường cứ như một quả bóng cao su đang nảy xuống cầu thang. Mỗi lần rớt xuống lại nảy lên cao hơn. Nhưng cuối cùng vẫn dừng lại ở một nơi tồi tệ.”
Và cũng sẽ giống như sự đau đớn mà đợt nổ bong bóng dot-com năm 2002 gây ra (năm đó chỉ số S&P 500 sụt tới 23%), Yusko dự báo 2020 cũng sẽ là năm giảm mạnh trong chu kỳ này. Ông chỉ thẳng vào những khoản nợ tới hạn trong khoảng năm 2020.
“Những công ty ‘thây ma’ này đang được nuôi sống bằng nguồn vốn miễn phí,” Yusko nói.
Rồi các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ lại đến và giải cứu những công ty này một lần nữa, như đợt khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhưng Yusko không nghĩ là Fed và những đối tác nước ngoài của họ có đủ “đạn dược” cho lần này. Lãi suất vẫn còn rất thấp và bảng cân đối của Ngân hàng Trung ương vẫn còn quá lớn.
“Cái tủ đang trống trơn rồi,” Yusko nói.
Trân Võ (Theo CNN Business)
Fili
|