3 kịch bản tiềm năng từ đàm phán thương mại Mỹ-Trung
Mới đây, Citigroup vừa đưa ra 3 kịch bản tiềm năng cho các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung ở Bắc Kinh trong tuần này.
Các cổ phiếu thuộc các lĩnh vực đang gây tranh cãi – bao gồm công nghệ và công nghiệp – có thể biến động mạnh nhất, tùy thuộc vào kết quả của cuộc đàm phán thương mại tuần này, dựa trên báo cáo từ Citigroup vừa được công bố trong ngày thứ Ba (12/02). Mặc dù Trung Quốc đã bắt đầu nối lại việc mua nông sản từ phía Mỹ và cam kết bảo vệ các quy định về sở hữu trí tuệ, nhưng Cesar Rojas – Chuyên gia kinh tế toàn cầu tại Citigroup – tin rằng việc tiến tới một thỏa thuận lâu dài sẽ khó mà xảy ra.
“Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng để tiến tới một thỏa thuận và trong khi các cuộc đàm phán thương mại dự kiến tiếp tục vào ngày 14-15/02/2019 với sự tham gia của các qun chức cấp cao từ cả Mỹ và Trung Quốc”, Rojas cho biết. “Vì Tổng thống Mỹ Donald Trump lưu ý sẽ không có thỏa thuận nào trước khi ông gặp ông Tập, quan điểm cho rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung khó mà diễn ra trước hạn chót ngày 01/03/2019 sẽ làm gia tăng sự không chắc chắn về khả năng leo thang căng thẳng thương mại”.
Sau đó, ông Rojas cũng đưa ra ba kịch bản tách biệt cho các cuộc đàm phán thương mại trong tuần này và trong mỗi kịch bản, kết quả sẽ tác động ra sao tới thị trường và các lĩnh vực khác nhau.
Kịch bản lạc quan (xác suất 5%)
Trong kịch bản lạc quan của Citigroup, cả hai bên sẽ tiến tới một thỏa thuận thương mại toàn diện, trong đó cả hai bên sẽ dỡ bỏ hàng rào thuế quan và Mỹ đưa ra lập trường mềm mỏng hơn về Trung Quốc. Kịch bản này sẽ bao gồm các biện pháp để giảm thâm hụt thương mại (chẳng hạn như Trung Quốc mua đậu nành Mỹ) và các cam kết của Bắc Kinh trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ và mở cửa thị trường cho các khoản đầu tư của Mỹ.
Kết quả này “sẽ tác động tích cực tới thị trường khi căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được xoa dịu và sẽ có cú hích lớn tới tâm lý nhà đầu tư”, Rojas viết. “Các chiến lược gia Citigroup tin rằng kịch bản tích cực này sẽ có tác động khá hạn chế tới thị trường chung, nhưng sẽ tạo lợi ích lớn cho những ngành đang bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, khi thị trường tín dụng phần lớn đã phản ánh rủi ro các cuộc đàm phán bị đổ vỡ”.
Các chuyên viên phân tích của Citigroup nghĩ rằng kịch bản này sẽ thúc đẩy nhóm cổ phiếu mang tính chu kỳ và giúp cổ phiếu toàn cầu tăng thêm 10% vào cuối năm 2019. Rojas nói thêm kịch bản lạc quan có khả năng khiến đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ trở nên dốc hơn và phần bù kỳ hạn sẽ tăng. Thị trường hàng hóa và thị trường mới nổi sẽ là những “người chiến thắng”, nhất là đậu nành, ngũ cốc, đồng và dầu.
Ngoài ra, kết quả này cũng báo điềm lành tới nhóm cổ phiếu máy móc, Chuyên viên phân tích Timothy Thein cho hay.
“Những cổ phiếu vốn hóa lớn tâm điểm như Caterpillar, Cummins và Eaton đều được giao dịch dựa trên kỳ vọng về tăng trưởng toàn cầu và việc xoa dịu căng thẳng thương mại sẽ giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư”, ông viết.
Kịch bản cơ sở (xác suất 55%)
Theo kịch bản cơ sở của Citigroup, cả hai bên sẽ “phác thảo” một thỏa thuận, với khả năng Mỹ sẽ gia hạn thỏa thuận đình chiến, nguy cơ nâng thuế vẫn còn và Mỹ tiếp tục chiến lược kìm hãm Trung Quốc”. Kịch bản này có thể bao gồm các cam kết của Trung Quốc trong việc giảm thâm hụt thương mại Mỹ tới 200 tỷ USD vào cuối năm 2020, cùng với việc tăng khả năng tiếp cận thị trường đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ (như nông sản và sản phẩm công nghiệp chế tạo). Ngoài ra, còn có khả năng bao gồm lời hứa tăng cường thực thi các quy định bảo vệ sở hữu trí tuệ và giảm bớt quy mô của kế hoạch “Sản xuất ở Trung Quốc 2025” (Made in China 2025).
Kết quả này có thể tạo cơ sở để trì hoãn việc Mỹ nâng thuế khi cả hai bên cố gắng hướng về một thỏa thuận lâu dài, Rojas cho biết.
Kết quả của kịch bản cơ sở “sẽ là tích cực cho thị trường”, Rojas cho hay.
Chứng khoán toàn cầu có thể tăng 5% vào cuối năm. Trái phiếu Mỹ tiếp tục đi lên trong bối cảnh bất ổn gia tăng. Giá đậu tương và một số sản phẩm nông nghiệp, kim loại tăng vừa phải còn lĩnh vực năng lượng không bị ảnh hưởng nhiều.
Kịch bản bi quan (xác suất xảy ra: 40%)
Trường hợp bi quan nhất của Citi xảy ra nếu Mỹ và Trung Quốc không thể đạt thỏa thuận hay lùi hạn chót 01/03. Mức thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng từ 10% lên 25%. Washington gia tăng áp lực lên kinh tế Mỹ. Tùy thuộc tình hình kinh tế, Trung Quốc sẽ có biện pháp đáp trả phù hợp.
Trung Quốc cũng có thể triển khai những biện pháp “khác thường” như thiết lập rào cản với đầu tư hoặc quy định kiểm soát nhằm vào các công ty Mỹ đang hoạt động tại nước này. Trung Quốc còn lựa chọn giảm nắm giữ trái phiếu Mỹ nhưng có nguy cơ gây ra bất ổn tài chính.
“Kịch bản này có tác động tiêu cực đến thương mại và tăng trưởng toàn cầu, các quyết định đầu tư và tâm lý thị trường”, theo Citi Group.
Citi dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị kéo tụt là dấu hiệu giá lên cho trái phiếu. Tuy nhiên, trái phiếu ngắn hạn có thể gặp rủi ro nếu Trung Quốc bán số trái phiếu mà nước này đang nắm giữ. Về ngắn hạn, chứng khoán toàn cầu có thể giảm 10-15%. Apple là công ty chịu ảnh hưởng mạnh nhất nếu quan hệ Mỹ-Trung xấu đi.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|