Mỹ muốn đưa ra cơ chế nâng thuế tự động để buộc Trung Quốc tuân thủ theo thỏa thuận
Thỏa thuận thương mại mà các nhà đàm phán Mỹ muốn nhắm tới sẽ bao gồm một số biện pháp trừng phạt nếu như Trung Quốc không tuân thủ theo các lời hứa về thương mại (như đã từng xảy ra trong quá khứ), dựa trên nguồn tin từ tờ The New York Times.
Ưu tiên hàng đầu của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer là đưa ra một cơ chế thuế quan tự động, theo đó sẽ nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nếu kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tới Mỹ tiếp tục gia tăng, tờ The New York Times dẫn lại nguồn tin thân cận.
Ông Lighthizer và ông Mnuchin đã đặt chân tới Bắc Kinh trong ngày thứ Ba (12/02) để chuẩn bị cho vòng đàm phán thương mại trong tuần này – dự kiến diễn ra trong ngày thứ Năm và thứ Sáu (15/02). Bên cạnh đó, các quan chức cấp thấp hơn – dẫn đầu là Phó Đại diện Thương mại MỹJeffrey Gerrish – đã và đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán thương mại cấp cao ở Bắc Kinh trong tuần này.
Trong quá khứ, Trung Quốc đã từng không tuân thủ theo các nghĩa vụ về thương mại. Khi gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong năm 2001, Trung Quốc hứa sẽ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận tới thị trường ngân hàng và viễn thông của nước này. Vậy mà cho tới nay, vẫn chưa có bất kỳ công ty nước ngoài nào có thể nhảy vào hai thị trường này của Trung Quốc. Các nhà đàm phán Mỹ muốn đảm bảo Trung Quốc sẽ phải bị trừng phạt nếu lặp lại hành vi này.
Trên thực tế, cơ chế thuế quan tự động này chẳng phải ý tưởng gì mới lạ. Cơ chế này đã được đưa ra trong năm 2001 khi Trung Quốc gia nhập vào WTO. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã sử dụng tới cơ chế thuế quan tự động trong năm 2009 để áp đặt thuế đối với việc nhập khẩu lốp xe từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách áp thuế lên xe hơi và gia cầm từ Mỹ.
Các nhà đàm phán Mỹ hiện đang tìm cách để buộc Trung Quốc triển khai những lời hứa trước đó và cam kết về một số vấn đề như bảo vệ sở hữu trí tuệ và giới hạn các khoản trợ cấp của Chính phủ tới các công ty xuất khẩu, dựa trên nguồn tin từ The New York Times.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra lập trường có phần mềm mỏng hơn với Trung Quốc, cho biết ông sẵn lòng lùi hạn chót lại nếu cả hai bên có thể sớm tiến tới một thỏa thuận thương mại.
"Nếu hai bên tiến gần được tới chỗ đạt một thỏa thuận thực sự và sẽ có một thỏa thuận được hoàn tất, thì tôi có thể lùi thời hạn đó một chút", ông Trump nói với các nhà báo. "Nhưng nói chung, tôi không nghiêng về phương án trì hoãn việc nâng thuế quan", ông nói thêm.
Hạn chót ngày 01/03/2019 là cực kỳ quan trọng trong các cuộc đàm phán thương mại hiện nay. Được biết, nếu cả hai bên không thể tiến tới một thỏa thuận sau hạn chót này, Mỹ dọa sẽ nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Thị trường chứng khoán toàn cầu đã leo dốc trong tuần này khi cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiến gần hơn tới một thỏa thuận thương mại toàn diện. Và ý định lùi hạn chót của ông Trump đã làm gia tăng tâm lý lạc quan.
Cũng góp phần gia tăng tâm lý lạc quan trên thị trường là thông tin Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, dự kiến gặp các thành viên chủ chốt trong phái đoàn đàm phán Mỹ, bao gồm Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ở Bắc Kinh vào ngày thứ Sáu (15/02), dựa trên nguồn tin từ South China Morning Post (SCMP).
Tờ SCMP dẫn lại nguồn tin thân cận cho biết: “Ông Tập dự kiến gặp cả ông Lighthizer và ông Mnuchin vào ngày thứ Sáu (15/02)".
Vũ Hạo (Theo The New York Times)
FiLi
|