Tổng Thư ký OPEC lo ngại về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
Tổng Thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Mohammed Barkindo, vẫn lạc quan về triển vọng thị trường dầu cân bằng trong năm 2019. Nhưng nếu có chăng một điều gì khiến ông thức giấc giữa đêm thì đó là khả năng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gây gián đoạn tăng trưởng ở các thị trường châu Á – khu vực nhập khẩu nhiều dầu thô nhất trên thế giới.
“Chúng tôi lo ngại về cuộc chiến thương mại dài dăng dẳng đó”, ông Barkindo trao đổi với hãng tin CNBC tại Diễn đàn Năng lượng Toàn cầu của Hội đồng Atlantic ở Abu Dhabi trong ngày Chủ nhật (13/01). “Hiện tượng tăng trưởng đồng bộ mà chúng ta chứng kiến kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu chủ yếu là nhờ đà tăng trưởng về hoạt động thương mại quốc tế”.
“Bất kỳ biện pháp nào có thể tác động hoặc kìm hãm thương mại thì cũng tác động tới tăng trưởng và từ đó, tác động tới nhu cầu năng lượng. Tại thời điểm này, ngoài Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ là những điểm sáng về nhu cầu năng lượng. Vì vậy, bạn có thể mường tượng được những nỗi lo của chúng tôi về các cuộc đàm phán kéo dài”.
Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và phần dầu thô nhập khẩu của nước này chiếm tới 18.6% tổng lượng dầu thô nhập khẩu trên thế giới trong năm 2017. Tăng trưởng bùng nổ của Ấn Độ có thể khiến nhu cầu dầu khi nước này tăng vọt. Ấn Độ có thể vượt mặt Trung Quốc để trở thành quốc gia có nhu cầu dầu mạnh nhất trên thế giới vào năm 2024, dựa trên báo cáo gần đây của công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie. Thế nhưng, nếu cuộc chiến thương mại tác động nghiêm trọng tới tăng trưởng Trung Quốc thì nó sẽ gây chấn động tới phần còn lại của châu Á và đe dọa nguồn thu quan trọng của các quốc gia OPEC.
Chưa gì hết, áp lực từ hàng rào thuế quan của Mỹ và sự suy giảm của nhu cầu nội địa bắt đầu thể hiện rõ trong dự báo kinh tế của Trung Quốc. Tuần trước, Reuters dẫn lại nguồn tin thân cận với chính sách kinh tế Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh dự định đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2019 ở mức 6-6.5%, so với mục tiêu quanh 6.5% trong năm 2018.
Ba ngày đàm phán thương mại giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã khép lại trong tuần trước, tạo ra tâm lý lạc quan trên các thị trường châu Á nhờ vào hy vọng cả hai sẽ tiến tới một thỏa thuận. Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã leo thang trong năm 2018, đẩy thị trường chứng khoán toàn cầu vào thế khó. Mỹ đã áp thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, còn Bắc Kinh cũng đáp trả lại bằng hàng rào thuế quan của mình.
Vào cuối năm 2018, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết các quốc gia đang phát triển ở châu Á sẽ đạt được mức tăng trưởng dự báo trong năm 2019, nhưng cũng cảnh báo về các rủi ro suy giảm từ chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Bất chấp nỗi lo này, ông Barkindo cũng đưa ra quan điểm đầy hy vọng.
“Chúng tôi vẫn lạc quan một cách thận trọng rằng họ sẽ vượt qua được một số khó khăn với tiền đề là cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn giải quyết những vấn đề đó”, Mohammed Barkindo cho hay.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|