Morgan Stanley: Thị trường chứng khoán Mỹ sắp đón một cơn bão mới
Hãy tận hưởng đi ngay khi thị trường đang còn bình yên. Morgan Stanley nghĩ một cơn bão khác đang tới gần.
Chỉ số S&P 500 sẽ sớm test lại mức đáy từ Đêm vọng Giáng sinh (24/12) vì các công ty hạ dự báo ước tính lợi nhuận và nỗi lo về kinh tế ngày càng tăng, Morgan Stanley cảnh báo trong báo cáo với tiêu đề “Đừng sợ một cuộc suy thoái tiềm tàng; hãy đón nhận nó” công bố trong ngày thứ Hai (14/01).
“Nếu dữ liệu kinh tế trở nên tồi tệ hơn như chúng tôi kỳ vọng thì thị trường sẽ sớm nhanh chóng phản ánh rủi ro suy thoái và các đợt cắt giảm lãi suất”, Michael Wilson, Trưởng bộ chiến lược cổ phiếu Mỹ của Morgan Stanley, cho hay.
Wilson nằm trong số ít các chuyên gia trên Phố Wall dự báo đúng đợt lao dốc trên thị trường trong thời gian gần đây, mặc dù ông vẫn tỏ ra kinh ngạc bởi tốc độ diễn ra của đợt bán tháo.
Dow Jones đã tăng hơn 2,100 điểm (tương ứng 10%) kể từ Đêm vọng Giáng sinh (24/12/2018). Nỗi lo sợ về suy thoái đã phai nhạt phần nào nhờ những bước tiến trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung, những lời lẽ xoa dịu thị trường từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và báo cáo việc làm tháng 12/2018 cực kỳ lạc quan.
Ngay cả khi chứng khoán Mỹ đã phục hồi một cách mạnh mẽ thì vẫn còn đó một vài tín hiệu đáng lo ngại. Chẳng hạn, số liệu công bố trong ngày thứ Hai (14/01) cho thấy kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh nhất trong 2 năm trong tháng 12/2018, khi tăng trưởng toàn cầu suy giảm. Gần đây nhất, nền kinh tế Đức năm 2018 tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2013.
Trong khi đó, thị trường trái phiếu có lợi suất cao (junk bond) từng một thời bùng nổ nay cũng tăng trưởng chậm lại, chỉ gần bằng một nửa so với trước kia. Và tuần trước, Macy’s vừa có phiên giao dịch tồi tệ nhất sau khi công bố doanh số bán ngày lễ yếu ớt và giảm triển vọng.
“Chúng tôi nghĩ xác suất tăng trưởng lợi nhuận và kinh tế suy giảm ngày càng tăng”, Wilson viết trong báo cáo.
Tình trạng lợi nhuận suy giảm sẽ diễn ra khi lợi nhuận của các công ty thuộc S&P 500 suy giảm trong nhiều quý liên tiếp. Điều này vẫn chưa xảy ra lần nào kể từ năm 2016, thời điểm đà lao dốc không phanh của giá dầu gây ra nhiều tác động tiêu cực.
Và Mỹ vẫn chưa lần nào trải qua suy thoái kinh tế (thường được định nghĩa là 2 quý có tăng trưởng GDP âm) kể từ cuộc Đại Suy thoái trong năm 2008. Trên thực tế, nếu đà tăng trưởng kinh tế hiện tại ở Mỹ kéo dài cho tới mùa hè năm nay thì sẽ trở thành chuỗi tăng trưởng dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.
60% nhà đầu tư dự báo tăng trưởng sẽ chậm lại
Tuy rằng nền kinh tế Mỹ vẫn còn mạnh trong quý 3/2018, nhưng Phố Wall vẫn cảm thấy nghi ngại về khả năng xảy ra suy thoái vì đà giảm tốc trên toàn cầu và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Những nỗi lo ấy giờ càng thêm phần trầm trọng khi Mỹ công bố báo cáo cho thấy hoạt động sản xuất suy giảm nhanh nhất kể từ năm 2008.
60% các chuyên gia quản lý quỹ toàn cầu dự báo, tăng trưởng toàn cầu sẽ suy giảm trong 12 tháng tới, dựa trên kết quả của một cuộc thăm dò từ Bank of America Merrill Lynch (BoAML) được công bố trong ngày thứ Ba (15/01). Đây không chỉ là triển vọng u ám nhất về nền kinh tế toàn cầu kể từ tháng 7/2008, mà cũng dưới mức yếu nhất trong cuộc suy thoái năm 2001.
Tất cả những tín hiệu trên càng làm nhà đầu tư thêm lo ngại về mùa báo cáo lợi nhuận quý 4/2018 tại Mỹ, vốn vừa bắt đầu trong ngày thứ Hai (14/01). Phố Wall đã trừng phạt những công ty công bố thông tin lợi nhuận yếu ớt. Chẳng hạn, cổ phiếu Apple rớt 10% vào ngày 03/01/2019, sau khi hạ dự báo doanh thu quý 1/2019 vì nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc.
Tính trung bình, cổ phiếu của các công ty bất ngờ công bố lợi nhuận quý 4/2018 âm giảm 10.2% trong giai đoạn 2 ngày sau khi công bố kết quả và 2 ngày sau công bố, dựa trên dữ liệu từ FactSet.
Tăng trưởng lợi nhuận có khả năng giảm mạnh
Ngay cả cổ phiếu của những công ty công bố báo cáo lợi nhuận lạc qua hơn dự báo cũng rớt mạnh. Những công ty này giảm trung bình 5.2%, trong khi mức tăng trung bình 5 năm là 1%.
Xem xét triển vọng lợi nhuận của những công ty thuộc S&P 500, Goldman Sachs dự báo sẽ giảm tốc mạnh: Chỉ còn 6% trong năm 2019, trong khi năm 2018 tăng trưởng tới 23%.
Mặc dù không có khả năng xuất hiện tăng trưởng lợi nhuận âm, nhưng David Kostin, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu Mỹ tại Goldman Sachs, cho biết trong báo cáo công bố vào cuối ngày thứ Sáu (11/01) rằng “đà suy yếu gần đây về vĩ mô” có thể khiến lợi nhuận của các công ty thuộc S&P 500 giảm mạnh hơn so với dự báo một chút.
Ông Wilson của Morgan Stanley có phần bi quan hơn.
Ông cho rằng Mỹ đang trong chu kỳ điều chỉnh giảm lợi nhuận trên diện rộng và ước tính lợi nhuận của năm 2019 đã bị điều chỉnh giảm mạnh nhất kể từ năm 2008.
Vậy có phải là Mỹ sắp rơi vào suy thoái và nhà đầu tư có nên rút khỏi thị trường?
“Chúng tôi không biết là Mỹ có sắp suy thoái kinh tế hay không”, ông Wilson viết. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu có xảy ra suy thoái thì nhiều khả năng đây sẽ là một cuộc suy thoái ở cấp độ nhẹ như năm 1990.
Ngay cả những kẻ bi quan nhất trên Phố Wall cũng không nhận thấy những dấu hiệu cuộc Đại Suy thoái sẽ lặp lại.
Nhưng, vào thời điểm mà các nhà đầu tư gật đầu đồng tình Mỹ đang trong suy thoái thì có thể đã quá trễ để bán chứng khoán ra. Đó là lý do tại sao ông Wilson thúc giục các khách hàng xem việc S&P 500 test lại đáy cũ tháng 12/2018 (tại mức 2,351 điểm) là cơ hội để mu vào.
“Đó là cạm bẫy và là thời điểm để mua không phải để bán”, ông viết.
Vũ Hạo (Theo CNN Business)
FiLi
|