Chứng khoán châu Á tăng điểm, Hang Seng leo dốc gần 450 điểm
Chứng khoán châu Á bắt đầu tăng mạnh hơn vào phiên chiều ngày thứ Ba (15/01), bất chấp nỗi lo kéo dài về đà giảm tốc ở Trung Quốc – một yếu tố đã tác động tiêu cực tới tâm lý vào đầu tuần này, sau khi Trung Quốc công bố dữ liệu thương mại ảm đạm.
Tính tới lúc 13h20 ngày thứ Ba (15/01 – giờ Việt Nam), chỉ số Kospi của Hàn Quốc tiến 32.7 điểm (tương ứng 1.58%), còn Kosdaq tăng 1.12%.
Ở Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 190.69 điểm (tương ứng 0.94%) sau khi thị trường giao dịch trở lại trong ngày thứ Ba (15/01) sau ngày nghỉ lễ hôm qua.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng khởi sắc mạnh. Cụ thể, chỉ số Shanghai Composite tiến 27.7 điểm (tương ứng 1.09%), còn Hang Seng của Hồng Kông vọt 449.19 điểm (tương ứng 1.71%).
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 13h20 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Bên cạnh đó, chỉ số ASX 200 của Australia cộng 41.2 điểm (tương ứng 0.71%), khi phần lớn lĩnh vực chuyển sang sắc xanh. Chỉ số tài chính – vốn chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung – tăng 0.57%, và lĩnh vực năng lượng và nguyên vật liệu cũng khởi sắc.
Đà tăng đầu phiên của thị trường châu Á vẫn diễn ra khi Phố Wall ghi nhận chuỗi 2 phiên giảm liên tiếp đầu tiên trong năm 2019, khi mùa báo cáo tài chính vừa bắt đầu.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones giảm 86.11 điểm xuống 23,909.84 điểm khi cổ phiếu Merck và Apple sụt giảm. Chỉ số S&P 500 lùi 0.54% xuống 2,582.61 điểm khi các lĩnh vực công nghệ, y tế và tiện ích có thành quả yếu kém. Chỉ số Nasdaq Composite mất 0.9% còn 6,905.92 điểm. Ngày thứ Hai cũng đánh dấu là lần đầu tiên trong năm 2019 các chỉ số chính giảm 2 phiên liên tiếp.
“Xuất hiện áp lực suy giảm sau khi số liệu xuất khẩu tháng 12/2018 đáng thất vọng từ Trung Quốc và đà suy yếu của sản lượng công nghiệp khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) làm dấy lên nỗi lo đà giảm đồng bộ về hoạt động sản xuất toàn cầu đang diễn ra”, các chuyên viên phân tích tại ANZ Research viết trong báo cáo buổi sáng ngày thứ Ba (15/01). Các chuyên viên phân tích nói thêm việc giải quyết bất ổn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang là cơ sở để ổn định triển vọng.
Thị trường tiền tệ
Chỉ số đồng USD – đo lường diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – ở mức 95.488. Đồng Yên Nhật – vốn được xem là một tài sản trú ẩn an toàn – lên mức 108.43 đổi 1 USD.
Trong khi đó, đồng AUD được giao dịch ở mức 0.7218 USD vào lúc 10h10 giờ HK/SIN, tăng từ mức đáy trước đó là 0.7188 USD.
Đồng Bảng Anh được giao dịch ở mức 1.2902 USD, tăng từ mức dưới 1.2740 USD trong tuần trước. Bảng Anh sẽ là tâm điểm chú ý cho nhà đầu tư khi các nhà làm luật bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May.
Các nhà làm luật Anh được đông đảo chuyên gia dự báo là sẽ phản đối thỏa thuận “ly hôn” giữa Anh với Liên minh châu Âu (EU) của Thủ tướng Theresa May vào ngày thứ Ba (15/01). Điều này có khả năng châm ngòi cho phản ứng dữ dội trên thị trường, theo nhận định của một số chuyên viên phân tích.
Jochen Stanzl, Chuyên viên phân tích tại CMC Markets, cho biết đồng Bảng Anh có thể suy yếu ngay sau thất bại của bà May, từ mức trên 1.28 USD (hiện nay) xuống 1.24 USD, gần mức thấp nhất kể từ đầu năm 2017.
“Cuộc bỏ phiếu ngày hôm nay được xem là cuộc chơi ‘mua theo tin đồn, bán theo sự thật’ cho đồng Bảng Anh, nhất là nếu thỏa thuận Brexit bị thất bại hơn 100 phiếu”, các chuyên viên phân tích tại DBS Group Research cho biết. “Vẫn còn quá sớm để loại bỏ khả năng đồng Bảng Anh rơi xuống mức gần 1.20 USD trong năm nay”.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|