Chủ Nhật, 13/01/2019 13:56

Làm gì khi chứng khoán sắp rơi vào thị trường con gấu?

Nếu có chăng một điểm sáng dành cho nhà đầu tư khi thị trường chứng khoán biến động điên cuồng trong vài tháng vừa qua thì đó là: Nhà đầu tư bắt đầu có cái nhìn rõ ràng hơn về mức độ rủi ro mà họ sẵn sàng chấp nhận và cần phải đánh giá lại về việc đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Trong những tháng cuối năm 2018, S&P 500 có nhiều phiên lao dốc mạnh, có lúc rơi 19.6% tính từ mức đỉnh tháng 9 cho tới đáy tháng 12/2018, chưa đủ để thỏa mãn định nghĩa của một thị trường con gấu (giảm 20% so với đỉnh gần nhất), trừ khi bạn làm tròn số. Dù vậy, khi thị trường con bò đã tồn tại quá lâu (10 năm), nỗi lo sợ bị lỡ cơ hội (hay còn gọi là FOMO) bỗng chốc chuyển hóa thành nỗi lo đà tăng của những năm tháng ấy sẽ dần biến mất. “Bỏng tay” vì những thương vụ đầu tư đầy chua chát trong thời gian gần đây, một số nhà đầu tư bắt đầu nhìn nhận nghiêm túc hơn về rủi ro trong danh mục. “Giai đoạn thu về nhiều khách hàng nhất là những khi thị trường ‘tắm máu’”, Lou Stanasolovich, Chủ tịch của Legend Financial Advisors, chia sẻ. “Chúng tôi sống nhờ đó”.

Thật sự thì nhiều người còn chẳng phân tích sâu về danh mục của họ cho đến khi thị trường bắt đầu “tát” thẳng vào mặt họ và rồi họ phải bắt đầu chú ý hơn tới danh mục của mình. Trong khi nhiều người tỏ ra bồn chồn lo lắng tại thời điểm này thì cũng có một vài người đang trong tư thế hốt hoảng. Đây là một thời điểm thích hợp để họ đanh giá lại liệu danh mục hiện tại có còn phù hợp với mức độ chấp nhận rủi ro và mục tiêu tài chính của họ hay không. “Chúng ta nên dành nhiều thời gian để chuẩn bị cho tình trạng biến động mạnh và những khoản thua lỗ tiềm tàng thay vì cố gắng định thời điểm đợt giảm mạnh kế tiếp”, Peter Lazaroff, Giám đốc đầu tư tại công ty tư vấn đầu tư Plancorp, cho hay.

Dĩ nhiên, các chuyên gia tư vấn cảnh báo nhà đầu tư không được vội vã bán ra theo cảm xúc sau một đợt giảm mạnh. “Khi thị trường dịch chuyển mạnh thì đó là cơ hội tốt để tái cân bằng danh mục”, Greg Davis, CIO của Vanguard Group, nhận định. “Mức định giá của chứng khoán Mỹ đã trở về mức hợp lý”, Sam Boyd (31 tuổi), Chuyên gia hoạch định tài chính và là Phó Chủ tịch cấp cao tại Capital Asset Management Group, cho hay khi chứng kiến thị trường biến động mạnh thì ông chỉ mong là nó diễn ra trùng khớp với thời điểm ông nhận lương, nhờ đó ông sẽ có tiền để mua khi thị trường lao dốc.

Ý tưởng tái cân bằng danh mục không phải là để cố gắng định thời điểm thị trường, nhưng là để chấp nhận tình trạng biến động mạnh trên thị trường như là một lẽ thường tình và để đảm bảo bạn có thể xử lý được. Nhà đầu tư bắt đầu xem xét tất cả tài khoản của họ để xem liệu có sự trùng lắp nào hay không và liệu họ có cần phải tái cân bằng danh mục. Nhiều người có thể bất ngờ nhận thấy danh mục lẽ ra đã được đa dạng hóa của họ lại quá tập trung vào nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn. “Tôi lúc nào cũng nghe mọi người nói là họ đầu tư vào quỹ chỉ số S&P 500, vì vậy họ sẽ có được sự đa dạng hóa vì đây là đầu tư vào 500 công ty thuộc S&P 500”, David Alison của Alison Wealth Management cho hay. Nhưng ít ai ngờ tới là nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đã tăng giá quá mạnh và chiếm tỷ trọng lớn không chỉ trong những chỉ số như S&P 500 mà còn là danh mục của các quỹ tương hỗ được quản lý theo phương pháp chủ động.

Khoảng 10 năm về trước, tại mức đáy của thị trường chứng khaosn vào ngày 09/03/2009, cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất của S&P 500 là Exxon Mobil Corp. với tỷ trọng 5.6%. Kế đó là những cổ phiếu có tỷ trọng 2% từ nhiều lĩnh vực khác nhau như AT&T (viễn thông), Chevron (năng lượng), Johnson & Johnson (dược) và Procter & Gamble (tiêu dùng). Vậy mà tính tới ngày 08/01/2019, cổ phiếu có tỷ trọng cao nhất của S&P 500 là Microsoft Corp. với tỷ trọng là 3.7%. Kế đó cũng là cổ phiếu công nghệ như Amazon, Apple, Berkshire Hathaway và Johnson & Johnson. Top 10 cổ phiếu của S&P 500 còn bao gồm cả Alphabet và Facebook.

Nhóm cổ phiếu công nghệ, vốn đã tăng mạnh về giá, nay chiếm vị trí hàng đầu trong danh mục của nhiều quỹ, ngay cả trong quỹ hưu trí tư nhân 401(k). Chẳng hạn, trong danh mục của quỹ Fidelity Contrafund (vốn quản lý 108 tỷ USD), 3 trong số 5 cổ phiếu có tỷ trọng cao nhất là cổ phiếu công nghệ: Amazon chiếm gần 7% tổng tài sản, Facebook là 5.4% và Microsoft là 4.2%. Tính chung, lĩnh vực công nghệ chiếm hơn 34% danh mục của quỹ Fidelity Contrafund, dựa trên dữ liệu của Morningstar.

Hơn nữa, việc tập trung vào một nhóm ngành thường nổi lên khi các khách hàng đầu tư theo cách của họ, Alison cho biết, vì mọi người thường đầu tư vào những ngành mà họ biết. “Những nhân viên Apple của tôi đang mua vào cổ phiếu Facebook, Netflix, Qualcomm và Amazon”, ông cho hay.

Việc đánh giá lại tỷ trọng cổ phiếu công nghệ không có nghĩa là phải thoái vốn đồng loạt ra khỏi những cổ phiếu đó. Tính tới ngày 30/11/2018, quỹ ETF Vanguard S&P 500 có 22% tài sản trong lĩnh vực công nghệ. Bạn có thể dùng con số này như là cơ sở để đánh giá. Nếu danh mục của bạn có tỷ trọng công nghệ nhỏ hơn nhiều so với mức 22%, có lẽ bạn đang cho là nhóm cổ phiếu công nghệ đã được định giá quá cao. Và ngược lại, nếu bạn nắm giữ nhiều hơn, có lẽ bạn đang vô tình theo đuổi đà tăng trưởng của lĩnh vực “nóng” nhất trên thị trường và có lẽ bạn nên giảm tỷ trọng về mức 22%.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng nên xem xét liệu bạn đã đầu tư đủ vào trái phiếu hay chưa. Điều này nghe có vẻ như là một lời khuyên kỳ quặc trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang nâng lãi suất và giá trái phiếu lại thường lao dốc khi lãi suất tăng. Dù vậy, một danh mục có chứa trái phiếu chất lượng cao có thể biến động ít hơn so với danh mục chỉ toàn cổ phiếu và trái phiếu có thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo toàn vốn theo thời gian.

Vậy đầu tư bao nhiêu vào trái phiếu? William Bernstein, người lãnh đạo công ty Efficient Frontier Advisors, cho rằng nên đầu tư theo tuổi của bạn. Một quy tắc ngón tay cái là đầu tư trái phiếu dựa theo tuổi. Chẳng hạn, nếu bạn 45 tuổi thì bạn sẽ phân bổ 45% tỷ trọng cho trái phiếu. Nhưng bạn có thể điều chỉnh lên xuống tùy theo mức độ chấp nhận rủi ro của bản thân.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi

Các tin tức khác

>   Vọt hơn 2%, Dow Jones và S&P 500 đánh dấu chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp từ tháng 8/2018 (12/01/2019)

>   Chứng khoán châu Á khởi sắc khi tâm lý nhà đầu tư cải thiện (11/01/2019)

>   S&P 500 có chuỗi leo dốc liên tiếp 5 phiên đầu tiên kể từ tháng 9/2018 (11/01/2019)

>   Chứng khoán châu Á trái chiều sau báo cáo lạm phát của Trung Quốc (10/01/2019)

>   Cổ đông tranh thủ chốt lời, Xiaomi "bốc hơi" 6 tỷ USD vốn hóa (10/01/2019)

>   Giờ mới biết lý do chứng khoán Mỹ “cắm đầu” trong tháng 12/2018 (10/01/2019)

>   Chứng khoán châu Á: Lên rồi lại xuống (10/01/2019)

>   Dow Jones tăng 4 phiên liên tiếp sau biên bản họp của Fed (10/01/2019)

>   Chứng khoán châu Á: Sắc xanh hy vọng (09/01/2019)

>   Lạc quan về thương mại, chứng khoán châu Á đồng loạt “khoác” sắc xanh (09/01/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật