Chứng khoán châu Á khởi sắc khi tâm lý nhà đầu tư cải thiện
Phần lớn chứng khoán châu Á đều khởi sắc trong ngày thứ Sáu (11/01) giữa lúc tâm lý nhà đầu tư cải thiện nhờ đà tăng của Phố Wall trong đêm qua.
Khép lại phiên giao dịch ngày thứ Sáu (11/01), trên thị trường Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tăng 0.74% lên 2,553.83 điểm, còn Shenzhen Composite cộng 0.758% lên 1,313.36 điểm. Shenzhen Component cũng tiến 0.611% lên 7,474.01 điểm.
Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cộng 145.84 điểm (tương ứng 0.55%) lên 26,667.27 điểm.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán vào lúc khép phiên ngày 11/01
Nguồn: CNBC
|
Chứng khoán Trung Quốc đại lục khởi sắc sau khi các quan chức Mỹ và Trung Quốc đàm phán thương mại trong tuần này, nhưng vẫn còn thiếu vắng những thông tin chi tiết về các bước tiến triển. Mỹ và Trung Quốc đã tạm ngưng leo thang căng thẳng thương mại để cố gắng giải quyết các mối lo ngại của đôi bên. Các chuyên viên phân tích có trao đổi với CNBC trong ngày thứ Sáu (11/01) cũng tỏ ra bất đồng quan điểm về chuyện Mỹ và Trung Quốc có thể tiến tới thỏa thuận trong thời gian tới hay không.
“Tôi nghĩ Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn có một chiến thắng và Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, cũng rất cần một chiến thắng. Vì vậy, tôi nghĩ là họ sẽ tiến tới một vài thỏa thuận… có lẽ là vào quý 1/2019”, Andrew Collier, Giám đốc quản lý tại Orient Capital Research, nói với CNBC trong ngày thứ Sáu (11/01).
Tuy nhiên, Collier cho biết xung đột thương mại giữa Washington và Bắc Kinh khó mà chấm dứt khi “Trung Quốc rõ ràng… là một mối đe dọa đối với Mỹ và họ cũng đã làm nhiều thứ mà nhiều quốc gia không đồng tình”.
Những chuyên gia khác không đồng tình với quan điểm trên.
“Có một số chuyên gia cho rằng chính quyền Trump cần một thỏa thuận, khi xét tới chuyện họ chuẩn bị bước vào chu kỳ bầu cử năm 2020… Tôi sẽ không đồng tình”, James Sullivan, Trưởng bộ phận nghiên cứu cổ phiếu tại J.P. Morgan, cho hay.
Phần còn lại của châu Á cũng tăng
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tiến 0.97% lên 20,359.70 điểm, còn Topix cộng 0.51% và khép lại tuần qua tại mức 1,529.73 điểm.
Cổ phiếu Fast Retailing – công ty đứng đằng sau chuỗi cửa hàng thời trang Uniqlo – vọt 6.19% mặc dù Công ty ghi nhận lợi nhuận hoạt động giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm trước trong giai đoạn 3 tháng kết thúc vào ngày 30/11/2018.
“Kết quả thật tồi tệ… có lẽ là tồi tệ nhất trong lĩnh vực này và đây là một cổ phiếu đắt đỏ nhất trong lĩnh vực này... vậy mà giá cổ phiếu lại tăng”, Michael Allen, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách bộ phận nghiên cứu các nhà bán lẻ Nhật Bản tại Jefferies, nói với CNBC về Fast Retailing.
Ông cho biết, Công ty này đã mắc sai lầm nghiêm trọng, không chỉ là thời tiết xấu – một yếu tố góp phần lý giải con số doanh số bán ảm đạm.
“Họ biết thời tiết sẽ là một vấn đề trong quý này và họ vẫn dự trữ lượng lớn hàng tồn kho và giờ thì họ phải bán giảm giá và quý 2/2019 còn tồi tệ hơn nữa”, ông cảnh báo.
Bên cạnh đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc tiến 0.6% lên 2,075.57 điểm.
Đi ngược với xu hướng chung của thị trường là chỉ số ASX 200 với mức giảm 0.36% xuống 5,774.60 điểm.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Australia công bố sáng thứ Sáu (11/01) cho thấy, trong tháng 11/2018, doanh số bán lẻ điều chỉnh theo mùa vụ tăng 0.4% so với tháng trước, cao hơn dự báo tăng 0.3% từ cuộc thăm dò của Reuters.
Cổ phiếu của các công ty bán lẻ ở Australia diễn biến trái chiều sau dữ liệu trên. Cổ phiếu Wesfarmers giảm nhẹ và Woolworths hạ 0.77%. Trong khi đó, cổ phiếu JP Hi-Fi tăng 2.57%.
“Dữ liệu doanh số bán lẻ vào thời điểm này của năm là cực kỳ thú vị khi mẫu hình chi tiêu của người tiêu dùng dần thay đổi”, Ray Attrill, Trưởng bộ phận chiến lược giao dịch ngoại hối tại National Australia Bank, cho biết trong báo cáo buổi sáng.
S&P 500 có chuỗi leo dốc liên tiếp 5 phiên đầu tiên kể từ tháng 9/2018
Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm trong ngày thứ Năm (10/01), nhưng đà tăng đã bị kìm hãm khi doanh số bán hàng mùa lễ hội đáng thất vọng từ Macy’s và việc cắt giảm dự báo doanh thu từ American Airlines đã gây sức ép lên nhóm cổ phiếu bán lẻ và hàng không. Lo ngại rằng việc Chính phủ Mỹ đóng cửa có thể tiếp tục kéo dài cũng gây áp lực lên chứng khoán.
Cụ thể, chỉ số S&P 500 tiến 0.4% lên 2,596.64 điểm – đánh dấu chuỗi 5 phiên leo dốc liên tiếp đầu tiên kể từ tháng 9/2018 – khi lĩnh vực bất động sản và công nghiệp có thành quả vượt trội. Chỉ số Dow Jones cũng ghi nhận phiên leo dốc thứ 5 liên tiếp, tăng 122.80 điểm lên 24,001.92 điểm khi cổ phiếu Boeing nhảy vọt. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0.4% lên 6,986.07 điểm.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell, đang lo ngại về núi nợ ngày càng chồng chất của Mỹ.
“Tôi rất lo lắng về nó”, ông Powell cho biết tại Câu lạc bộ Kinh tế Washington, D.C. “Từ góc nhìn của Fed, chúng tôi thật sự đang xem xét độ dài của chu kỳ kinh doanh: Đó là khung tham chiếu của chúng tôi. Tình hình tài khóa dài hạn và tính không bền vững của Chính phủ liên bang Mỹ không thật sự là một điều gì đó sẽ kéo dài tới trong trung hạn”.
“Tuy nhiên, đây là vấn đề dài hạn mà chúng ta chắc chắn cần phải ứng phó và xét cho cùng, sẽ không còn cách nào khác ngoài chuyện đối mặt với nó”, ông nói thêm.
Những nhận định của Chủ tịch Fed được đưa ra khi thâm hụt hàng năm của Mỹ chạm mức đỉnh mới trên 1,000 tỷ USD – một điều đang khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo là có thể gây rắc rối cho các thế hệ tương lai. Thâm hụt hàng năm đã từng vượt ngưỡng 1 ngàn tỷ USD trước đó, chưa bao giờ diễn ra trong lúc tăng trưởng kinh tế bền vững như bây giờ, qua đó làm dấy lên lo ngại: Chuyên gì sẽ xảy ra nếu xuất hiện suy thoái.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|