Thứ Hai, 21/01/2019 08:34

Hé lộ những doanh nghiệp đầu tiên báo lỗ trong quý 4

Quý cuối trong năm 2018 đã qua đi, với nhiều nỗ lực để đạt kế hoạch đặt ra, kha khá doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan, song cũng có một số doanh nghiệp đi lùi kế hoạch nên ngậm ngùi báo lỗ. Nguyên nhân phần lớn là tình trạng kinh doanh dưới giá vốn, hoặc là các doanh nghiệp chưa kiểm soát tốt các chi phí hoặc là do tác động diễn biến chung của thị trường,…

Những doanh nghiệp đầu tiên báo lỗ trong quý 4/2018 (ĐVT: Tỷ đồng)

Báo lỗ khủng hàng ngàn tỷ đồng khi quý liền kề trước còn lãi lớn

Cái tên lọt vào danh sách lỗ với con số hàng ngàn tỷ đồng trong quý 4 phải kể đến CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR). Cụ thể, BSR kinh doanh dưới giá vốn khi doanh thu thuần gần 29,238 tỷ đồng trong khi giá vốn hàng bán lên đến 30,069 tỷ đồng. Trừ thêm các chi phí phát sinh, BSR báo lỗ lên đến 1,010 tỷ đồng.

Con số lỗ này gây bất ngờ với hầu hết cổ đông khi quý liền kề trước đó kết quả kinh doanh rất "đẹp" lãi hơn 1,200 tỷ đồng. Lũy kế từ 01/07-31/12/2018, BSR đạt doanh thu 56,058 tỷ đồng nhưng lãi ròng chỉ vỏn vẹn 183 tỷ đồng.

Trong quý 4/2018, thị trường dầu thô thế giới biến động bất thường. Sự biến động giá dầu thô này đều gây bất lợi cho tất cả các nhà máy lọc hóa dầu trên thế giới, kể cả những đơn vị kinh doanh, phân phối xăng dầu.

Với đặc thù về sản xuất, chế biến liên tục của nhà máy lọc dầu (NMLD), NMLD Dung Quất luôn phải duy trì một lượng dầu thô và cần thời gian chế biến để từ dầu thô cho ra sản phẩm xuất bán, điều này dẫn đến khi giá dầu thô và sản phẩm giảm thì giá vốn bị ảnh hưởng của tồn kho có giá cao hơn giá thị trường.

Bên cạnh đó, Công ty còn chịu tác động từ tháng 10/2018, trên thị trường dầu mỏ, khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính (Crack margin) suy giảm nghiêm trọng, có những thời điểm giá xăng Mogas 92 thấp hơn cả giá dầu thô Dated Brent đã khiến cho hiệu quả SXKD của các tháng cuối năm của Công ty bị giảm sút mạnh.

Tại ngày cuối niên độ, tổng tài sản BSR giảm gần 10,000 tỷ đồng so với thời điểm 30/06/2018, trong đó, hơn 7,600 tỷ đồng hàng tồn kho giảm 16%, tiền mặt ở mức 922 tỷ đồng trong khi tương đương tiền hơn 4,800 tỷ đồng, giảm phân nửa. Dư nợ vay ngân hàng cuối năm 2018 thì giảm còn 10,137 tỷ đồng, chiếm 20% tổng tài sản.

Câu lạc bộ của các doanh nghiệp báo lỗ hàng trăm tỷ đồng

Phải kể ngay là CTCP Thép Việt Ý (HOSE: VIS) khi báo lỗ gần 196 tỷ đồng sau đà lỗ liên tiếp của 2 quý liền kề trước đó. Kinh doanh dưới giá vốn khi doanh thu thuần ở mức 1,372 tỷ đồng còn giá vốn trong kỳ trên 1,523 tỷ đồng, VIS buộc lòng ghi lợi nhuận lỗ gộp gần 151 tỷ đồng.

Ngoài việc gánh thêm khoản tăng gần 30% tương đương 23 tỷ đồng của chi phí tài chính, VIS phải nhận thêm khoản lỗ khác hơn 8 tỷ đồng (khoản phạt hủy hợp đồng). Như vậy, Công ty báo lỗ ròng hơn 195 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ, chỉ lỗ khoảng 24 tỷ đồng.

Giải trình cho kết quả đáng quên này, VIS chỉ ra nguyên nhân phần là do chính sách hạn chế nhập khẩu phế liệu của Chính phủ, phần nữa do thị trường biến động mạnh, nhất là thị trường sản xuất phôi thép làm cho sản lượng phôi bán ngoài của Công ty giảm mạnh.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả chiếm tới hơn 73% nguồn vốn của VIS, chủ yếu là do vay nợ ngắn hạn gần 1,967 tỷ đồng tăng hơn 60 tỷ đồng so đầu năm. Tại thời điểm cuối năm, VIS có khoản nợ xấu lên đến 103 tỷ đồng, đa số các khoản nợ đều quá hạn 3 năm và Công ty chỉ có thu lại được gần 4 tỷ đồng.

Không thể bỏ sót trường hợp của CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (HNX: HKB) khi Công ty lại có quý 4 lỗ khủng khiếp 104 tỷ đồng và xác lập kỷ lục quý thứ 7 liên tiếp báo lỗ.

Theo đó, doanh thu thuần ghi âm gần 3 tỷ đồng, do hàng bán bị trả lại đến 6.6 tỷ đồng trong khi doanh thu chỉ có 4 tỷ đồng. Hơn nữa, HKB còn gánh chi phí tài chính tăng đến 401% lên mức gần 12 tỷ đồng, do lãi tiền gửi tăng cao. Đồng thời là 89 tỷ đồng khoản chi phí quản lý doanh nghiệp.

Được biết, cấu thành phần lớn trong chi phí quản lý doanh nghiệp là do phân bổ lợi thế thương mại, khoản này phát sinh năm 2016 khi đơn vị này mua lại (M&A) CTCP Nông nghiệp Lumex Việt Nam và Công ty TNHH Nông nghiệp Hưng Lộc Phát Gia Lai. Đối với HKB, việc hạch toán giảm trừ giá trị lợi thế thương mại vào kết quả kinh doanh kéo theo chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến đã tác động trực tiếp đến lợi nhuận đơn vị này suốt thời gian vừa qua.

Do vậy cuối quý 4, Công ty buồn lòng để ghi nhận lỗ 104 tỷ đồng kéo theo lỗ lũy kế trong năm lên 143 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2018, tổng tài sản của HKB giảm 23% chỉ còn mức 566 tỷ đồng. Nợ phải trả của Công ty cũng giảm 14% về mức 181 tỷ đồng, trong đó khoản mục vay, nợ thuê tài chính dài hạn giảm 99.5% chỉ còn 239 triệu đồng.

Nhà băng đầu tiên báo lỗ trong quý 4

Khác với một số nhà băng hân hoan báo lãi thì Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, SGB) báo lỗ ròng gần 52 tỷ đồng trong quý 4, nhưng con số này đã cải thiện đến 2.5 lần so với con số lỗ hơn 129 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Vì so với quý cùng kỳ, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 8% đạt hơn 11 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng tăng đến 132% đạt gần 6 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và mua bán chứng khoán đầu tư không phát sinh. Hơn nữa, chỉ riêng trong quý 4/2018, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của SGB giảm 13%, ghi nhận 185 tỷ đồng.

Tổng kết cả năm, SGB báo lãi ròng chỉ đạt gần 42 tỷ đồng, giảm 24% so với năm trước.

Tính đến ngày 31/12/2018, tổng tài sản của SGB giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ, còn gần 20,374 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và cho vay khách hàng tương đương cùng kỳ, đạt 14,678 tỷ đồng và 13,671 tỷ đồng, thực hiện được 74% và 87% kế hoạch năm.

Trong cơ cấu cho vay, SGB chủ yếu tập trung vào cho vay nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến, chế tạo.

Dư nợ cho vay khách hàng không thay đổi nhiều nhưng nợ xấu giảm 28% chỉ còn 301 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 32%, nợ nghi ngờ (nhóm 4) giảm 36%, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) giảm 31%. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay giảm còn 2.2% so với mức 2.98% hồi đầu năm.

Thua lỗ theo bám sau hơn 13 quý làm ăn có lãi

CTCP Gang thép Thái Nguyên (UPCoM: TIS) ghi nhận mức lỗ ròng 19 tỷ đồng trong quý 4/2018, kéo theo lũy kế cả năm chỉ lãi vỏn vẹn gần 28 tỷ đồng, lao dốc tới 71% so năm 2017 vì giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh.

Mặc dù doanh thu thuần quý 4 tăng 7%, lợi nhuận gộp cũng tăng 16%. Song, kỳ này chi phí tài chính tăng 24% cộng với chi phí quản lý tăng gấp đôi. Hậu quả, TIS lỗ thuần hơn 24 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi thuần 630 triệu đồng.

Nhờ ghi nhận thêm hơn 3 tỷ đồng lợi nhuận khác (giảm mạnh 88% so cùng kỳ) đã kéo mức lỗ của TIS giảm xuống còn 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi cũng chính gần bằng con số này. Như vậy, sau 13 kỳ làm ăn có lãi, TIS lại trở lại quỹ đạo thua lỗ trong quý 4/2018.

Về nợ xấu, tại thời điểm cuối năm 2018, tổng khoản nợ xấu của TIS vẫn không suy giảm là bao so với đầu kỳ, ở mức 651 tỷ đồng, trong đó giá trị có thể thu hồi chỉ phân nửa với 393 tỷ đồng. Và cái tên đang "nóng sốt" thời gian qua là Công ty TNHH TM và DL Trung Dũng vẫn đang chiếm dụng gần 252 tỷ đồng.

Trong khi tổng nguồn vốn ở mức 10,577 tỷ đồng thì nợ phải trả chiếm tới 8,707 tỷ đồng. Trong đó vay nợ tài chính ngắn và dài hạn của TIS vẫn đang lên tới 2,914 tỷ đồng và 2,803 tỷ đồng.

Lỗ lũy kế dẫn đến nguy cơ bị hủy niêm yết

Đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc sau kết quả được báo cáo trong quý 4/2018 là CTCP Địa ốc Đà Lạt (HNX: DLR).

Trong quý 4, lãi gộp DLR ghi nhận 1.2 tỷ đồng thêm vào đó còn gánh thêm các chi phí phát sinh trong kỳ như chi phí lãi vay 1.9 tỷ hay chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 1.2 tỷ đồng. Kết quả là DLR ghi nhận thua lỗ hơn 2 tỷ đồng trong quý 4/2018 và là quý thứ 11 liên tiếp thua lỗ.

Cả năm 2018, DLR đạt doanh thu gần 43 tỷ đồng và chịu lỗ gần 7 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của DLR tính đến cuối năm 2018 là 44.9 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ thực góp là 45 tỷ đồng.

Như vậy, năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp DLR thua lỗ. Điều này đưa cổ phiếu DLR đến một rủi ro lớn đó là bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định nếu BCTC kiểm toán 2018 không có gì thay đổi so với BCTC tự lập.

Phương Nguyễn

FILI

Các tin tức khác

>   Saigonbank: Chi phí dự phòng "bào mòn" 87% lợi nhuận năm 2018, tỷ lệ nợ xấu giảm còn 2.2% (19/01/2019)

>   Nước thảo dược Wewell vinh dự nhận giải thưởng “Sản phẩm vàng vì sức khoẻ cộng đồng” (19/01/2019)

>   PGS báo lãi 2018 xấp xỉ năm trước với 110 tỷ đồng (20/01/2019)

>   LienVietPostBank: Lãi trước thuế 2018 gần 1,213 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu xấp xỉ 1.4% (19/01/2019)

>   Ngưng kinh doanh hàng MSD và Eugica, DHG báo doanh thu năm 2018 sụt giảm (19/01/2019)

>   TIS bất ngờ báo lỗ quý 4/2018, nợ xấu vẫn "ngốn" hơn 651 tỷ đồng (19/01/2019)

>   Đạt Phương: Lãi ròng quý 4 giảm 21%, vay nợ hơn 2,560 tỷ đồng (19/01/2019)

>   Năm 2018, lãi ròng PNJ vượt gần 9% kế hoạch, hàng tồn kho tăng mạnh (19/01/2019)

>   Năm 2018, VFG báo lãi 131 tỷ đồng, thực hiện được 87% kế hoạch (20/01/2019)

>   Thép Việt Ý báo lỗ kỷ lục trên 300 tỷ đồng trong năm 2018 (19/01/2019)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật