Đâu là những thị trường chứng khoán tăng mạnh nhất và giảm mạnh nhất trong năm 2018?
Các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới vừa trải qua một năm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và nhiều nhà đầu tư lo sợ thị trường sẽ tiếp tục giảm trong vài tháng tới.
Căng thẳng thương mại ngày càng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mối lo ngại về đà tăng của lãi suất và các vấn đề địa chính trị - như Brexit - khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo.
Thế nhưng, vẫn còn đó một vài thị trường vẫn tăng trưởng tốt dù môi trường chung khá ảm đạm trong 12 tháng vừa qua.
Sau đây, CNBC cũng đưa ra cái nhìn về những thị trường chứng khoán tăng mạnh nhất và giảm mạnh nhất (xét bằng đồng USD) trong năm 2018.
Ukraine +80.39%
Chỉ số chứng khoán của Ukraine (PFTS) vọt hơn 80% trong năm 2018, theo dữ liệu từ Refinitv, nhẹ nhàng giành lấy ngôi vị tăng mạnh nhất trên toàn thế giới.
Đà tăng vẫn diễn ra mặc dù Ukraine yêu cầu sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế tại Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau nhiều rắc rối về địa chính trị.
Macedonia +30.41%
Chỉ số MBI 10 của Sở Giao dịch Chứng khoán Macedonia (MSE) tăng hơn 30% trong năm 2018, sau khi quốc gia này tiến tới một thỏa thuận đột phá với Hy Lạp về việc giải quyết tranh chấp về tên.
Skopje đã đồng ý đổi tên quốc gia thành Cộng hòa Bắc Macedonia trong tháng 6/2018, qua đó chấm dứt một số tranh chấp vì trùng tên với tỉnh Macedonia của Hy Lạp. Dù vậy, thỏa thuận này vẫn phải được cả Quốc hội Macedonia và Hy Lạp thông qua.
Qatar +20.87%
Chỉ số chứng khoán của Qatar vọt hơn 20% (xét bằng đồng USD) trong năm 2018. Qatar chính thức rời khỏi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong ngày thứ Ba (01/01/2019), chấm dứt tư cách thành viên sau hơn nửa thế kỷ.
Qatar tuyên bố sẽ rút khỏi OPEC ngay sau cuộc họp quan trọng giữa OPEC và các đồng minh trong tháng 12/2018.
Kể từ tháng 6/2017, Ả-rập Xê-út cùng với 3 quốc gia Ả-rập khác đã cắt đứt mối quan hệ thương mại và vận chuyển với Qatar, cáo buộc quốc gia này hỗ trợ khủng bố và Iran.
Qatar đã phủ nhận cáo buộc trên.
UAE +11.75%
Chỉ số ADX General của các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) tăng gần 12% trong năm 2018.
Bộ trưởng Kinh tế UAE, Sultan bin Saeed al-Mansuri, cho biết vào đầu tháng 12/2018 rằng ông kỳ vọng quốc gia lớn thứ hai của thế giới Ả-rập sẽ tăng trưởng 2.5-3% trong năm 2019, trùng khớp với dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Ả-rập Xê-út +8.77%
Chỉ số chứng khoán nước này tăng hơn 8% trong năm 2018.
Thị trường chứng khoán Ả-rập Xê-út tụt dốc ngay khi nhà đầu tư toàn cầu tỏ ra lo sợ về mối quan hệ với công đồng quốc tế trong năm 2018.
Các thành viên hoàng gia Ả-rập Xê-út đã phải chịu kiểm soát chặt chẽ trong 3 tháng liền sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi ở Istanbul trong tháng 10/2018.
Dưới đây là 5 chỉ số chứng khoán có thành quả tệ nhất trên thế giới:
Venezuela -94.89%
Thị trường giảm mạnh nhất (xét bằng đồng USD) trong năm 2018 là Venezuela. Tại quốc gia đang chìm trong khủng hoảng này, chỉ số IBVC rớt hơn 94%, khi Tổng thống Nicolas Maduro cố gắng chấm dứt giai đoạn bất ổn kéo dài ở quốc gia dồi dào dầu mỏ nhưng lại thiếu thốn về tiền mặt.
Argentina -50.2%
Argentina phải vật lộn với một cuộc khủng hoảng tài chính khác trong năm 2018.
Chỉ số chứng khoán nước này giảm hơn 50% trong năm 2018, sau khi Buenos Aires nằm ngay tâm chấn của cuộc khủng hoảng tài chính tại các thị trường mới nổi.
Thị trường Argentina bị tác động bởi các đợt nâng lãi suất của Fed – vốn là yếu tố thúc đẩy đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác, qua đó làm gia tăng chi phí trả nợ bằng đồng USD. Cuộc chiến thương mại cũng được xem là một yếu tố tác động tới thị trường này vì nó tác động tới giá hàng hóa trong khi đây là một nguồn doanh thu quan trọng ở các thị trường mới nổi
Thỗ Nhĩ Kỳ -43.35%
Khi đồng tiền của Argentina rớt mạnh trong năm 2018, đồng tiền khác tại các thị trường mới nổi khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự, trong đó đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc không phanh.
Sự bất đồng chính sách giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Ngân hàng Trung ương đã khiến nhà đầu tư lo ngại. Và góp phần làm phức tạp hóa vấn đề thêm, việc bắt giữ giám mục Mỹ Andrew Brunson cũng là nguồn gây ra căng thẳng trong năm 2018.
Chỉ số chứng khoán của Thổ Nhĩ Kỳ rớt hơn 43% khi tính bằng đồng USD.
Trung Quốc -28.64%
Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc mất hơn 25% trong năm 2018, khi căng thẳng thương mại với Mỹ ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, tuyên bố đình chiến thương mại trong 90 ngày vào đầu tháng 12/2018, nhưng nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng Washington và Bắc Kinh có thể tiến tới thỏa thuận thương mại toàn diện trong khung thời gian hạn hẹp như thế.
Pakistan -28.07%
Chỉ số Karachi 100 của Pakistan mất hơn 28% (xét bằng đồng USD) trong năm 2018. IMF chưa đồng tình về các điều khoản của gói cứu trợ Pakistan trong tháng 11/2018.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|