Sắc đỏ vẫn chưa buông tha chứng khoán châu Á
Các chỉ số chứng khoán chính trên thị trường châu Á phần lớn đều giảm điểm trong ngày thứ Năm (03/01) khi các hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ ám chỉ đến một phiên giao dịch đầy biến động trên Phố Wall sau khi Apple hạ dự báo quý 1/2019 và cảnh báo về đà giảm doanh số ở Trung Quốc.
Khép lại phiên giao dịch ngày thứ Năm (03/01), chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0.81% xuống 1,993.7 điểm, khi cổ phiếu của hai nhà cung ứng cho Apple là Samsung Electronics và SK Hynix lao dốc tương ứng 2.97% và 4.79%.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc khép phiên ngày 03/01
Nguồn: CNBC
|
Trên thị trường Trung Quốc đại lục – vốn được đông đảo nhà đầu tư theo dõi vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, chỉ số Shanghai Composite giảm nhẹ xuống 2,464.36 điểm, còn Shenzhen Composite hạ 0.798% xuống 1,246.37 điểm. Shenzhen Component mất 0.837% xuống 7,089.44 điểm. Ngoài ra, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông hạ 0.26% xuống 25,064.36 điểm.
Trong khi đó, chỉ số ASX 200 của Australia lại tăng 1.36% lên 5,633.40 điểm, trong đó tất cả lĩnh vực đều khởi sắc. Chỉ số năng lượng tăng 2.97% khi cổ phiếu của các công ty liên quan tới dầu đều leo dốc sau đà tăng mạnh của giá dầu trong ngày thứ Tư (02/01). Cổ phiếu Santos vọt 3.98%, Oil Search tiến 2.59% và Woodside Petroleum cộng 3.44%.
“Thị trường châu Á có gắng lấy lại những gì đã mất trong ngày hôm qua, nhưng có lẽ vẫn còn duy trì sự thận trọng và chờ thêm tín hiệu từ Mỹ”, OCBC Treasury Research cho biết trong báo cáo buổi sáng.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản tạm ngưng giao dịch trong ngày thứ Năm (03/01) nhân dịp lễ.
Phố Wall đảo chiều ngoạn mục
Đêm qua, chứng khoán Mỹ vừa chứng kiến một phiên lội ngược dòng ngoạn mục. Cụ thể, chỉ số Dow Jones tiến 18.78 điểm lên 23,346.24 điểm, sau khi sụt gần 400 điểm hồi đầu phiên. Chỉ số S&P 500 nhích 0.1% lên 2,510.03 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite cộng 0.46% lên 6,665.94 điểm. Tại mức đáy trong phiên, S&P 500 đã giảm hơn 1%. Biến động đã tăng mạnh trong tháng 12 khi S&P 500 ghi nhận tháng 12 tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, qua đó dẫn đến đánh dấu năm giảm mạnh nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Phil Blancato, CEO của Ladenburg Thalmann Asset Management, nhận định: “Cuối cùng, chúng ta đã bắt đầu thấy tâm lý mua vào len lỏi trong thị trường. Đó là vì việc định giá và là vì dữ liệu kinh tế cơ bản cho đến nay vẫn khá tốt, mặc dù hơi yếu hơn một chút”.
Các hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ ám chỉ thị trường chứng khoán Mỹ có thể biến động mạnh hơn vào lúc khởi đầu phiên ngày thứ Năm (03/01), sau khi Apple cảnh báo rằng doanh số quý 1/2019 có thể thấp hơn dự báo trước đó.
Cổ phiếu của các công ty cung ứng cho Apple ở Đài Loan cũng lao dốc, sau thông tin Apple hạ dự báo. Cổ phiếu của công ty sản xuất chip điện tử Taiwan Semiconductor Manufacturing Company lùi 1.14%, còn công ty sản xuất theo hợp đồng Hon Hai – nổi tiếng hơn với cái tên Foxconn – hạ 1.57% và Pegatron hạ 1%.
Việc Apple hạ dự báo bắt nguồn từ nhiều yếu tố, bao gồm đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc và doanh số iPhone thấp hơn dự báo. Apple nhận định, việc doanh thu thấp hơn dự báo đã diễn ra chủ yếu ở Trung Quốc đại lục, nhưng cũng cho biết việc nâng cấp lên các đời iPhone mới ở các quốc gia khác “không mạnh như họ tưởng”.
Quỹ Invesco QQQ Trust – vốn bám sát theo chỉ số Nasdaq-100 – mất hơn 2% trong giờ giao dịch sau khi khép phiên trong ngày thứ Tư (02/01). Cổ phiếu Apple lao dốc 7%. Quỹ S&P 500 ETF Trust – bám sát theo chỉ số S&P 500 – mất hơn 1%.
Hợp đồng chỉ số Dow Jones tương lai rớt 338 điểm ngay sau khi mở phiên giao dịch ngày thứ Tư (02/01). Tính tới lúc 2h10 ngày thứ Năm (03/01 – giờ ET), các hợp đồng tương lai ám chỉ Dow Jones có thể rớt 319.24 điểm vào lúc mở phiên ngày thứ Năm (03/01). Hợp đồng S&P 500 và Nasdaq tương lai cũng ám chỉ là hai chỉ số cơ sở sẽ giảm vào lúc đầu phiên ngày thứ Năm (03/01).
Thị trường tiền tệ
Chỉ số đồng USD – chỉ số đo lường diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – ở mức 96.499 sau khi xuống mức 96.425 trước đó.
Đồng Yên Nhật – vốn được xem là đồng tiền trú ẩn an toàn – tăng mạnh so với đồng USD và có lúc leo dốc 3.2%, khi nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn ở nơi đồng Yên Nhật. Đồng JPY được giao dịch ở mức 107.39 đổi 1 USD.
Đồng AUD được giao dịch ở mức 0.6940 USD, sau khi rớt ngưỡng 0.7% trong đêm qua – một hiện tượng chưa từng thấy kể từ tháng 2/2016.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|