Chứng khoán Mỹ gặp nguy cơ gì trong năm 2019?
Sau một năm 2018 biến động dữ dội, việc dự báo thị trường chứng khoán sẽ đi về đâu trong năm 2019 cũng giống như đoán một tờ giấy sẽ bay về đâu trong một cơn bão.
Nhà đầu tư có một vài lý do để lạc quan trong năm 2019: Nền kinh tế vẫn còn mạnh. Các yếu tố cơ bản của các công ty vẫn còn vững mạnh và chứng khoán bị định giá thấp so với dự báo lợi nhuận của họ.
Dù vậy, bất ổn chính trị, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, một Fed “diều hâu”, đà giảm tốc lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế đã khiến nhiều nhà đầu tư “đứng ngồi không yên” trong thời gian gần đây.
Vậy nhà đầu tư sẽ đối mặt với rủi ro gì trong năm 2019?
1. Đà giảm tốc về lợi nhuận
Thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng với nhiều thông tin dữ liệu, nhưng lợi nhuận doanh nghiệp là quan trọng nhất trong số đó. Nếu công ty tăng trưởng thì cổ phiếu của họ thường sẽ tăng theo.
Các chuyên viên phân tích Phố Wall dự báo lợi nhuận năm 2019 sẽ tăng trưởng yếu hơn so với năm 2018.
Lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng 23% trong năm 2018 vì các công ty được hưởng lợi từ các đợt cắt giảm thuế vào thời điểm đầu năm 2018. Hiệu ứng tích cực từ các đợt cắt giảm thuế bắt đầu phai dần và tăng trưởng của năm 2019 có lẽ không bằng năm trước.
Đồng USD đã tăng mạnh trong năm 2018. Chỉ số đồng USD – chỉ số đo lường diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – tăng 5%, tác động tiêu cực tới lợi nhuận của các doanh nghiệp đa quốc gia tại Mỹ. Đồng USD mạnh có thể khiến hàng hóa Mỹ trở nên đắt đỏ hơn ở nước ngoài và có thể làm giảm doanh số bán hàng quốc tế.
Lindsey Bell, Chiến lược gia đầu tư và nghiên cứu tại CFRA, cho biết bà kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng 7% trong năm 2019. Đây vẫn được xem là mức tăng trưởng mạnh, nhưng không đúng như những gì nhà đầu tư đang nghĩ.
Dù vậy, hệ số P/E của chỉ số S&P 500 đang ở mức 14.5 lần (xét trên lợi nhuận dự phóng của năm 2019), thấp hơn mức trung bình lịch sử 16 lần. Đây là một lý do tại sao các chuyên viên phân tích chứng khoán cho là thị trường sắp chuyển mình và tăng trở lại. Lĩnh vực tốt nhất của năm 2018 (y tế) chỉ tăng 5%, trong khi lĩnh vực tệ nhất giảm tới 18.5%. Chênh lệch giữa lĩnh vực tốt nhất và xấu nhất đang dưới mức trung bình lịch sử rất nhiều – thường là một tín hiệu tích cực đối với chứng khoán Mỹ trong năm mới.
“Liệu lịch sử có lặp lại. Chẳng ai biết được. Biết đâu được, ‘cục than’ của năm nay có thể chuyển hóa thành viên đá quý”, Sam Stovall, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại CFRA Research, cho hay.
Thế nhưng, nếu chứng khoán có hồi phục trở lại đi chăng nữa, liệu đà hồi phục có kéo dài?
“Chắc chắn rồi” là nhận định của chuyên viên phân tích Tony Dwyer tại Canaccord Genuity. Có lẽ duy trì được một khoảng thời gian. Nhưng ngay cả khi thị trường phục hồi trở lại nhưng nhiệt huyết ở nơi nhà đầu tư có lẽ không kéo dài.
2. Đà giảm tốc của kinh tế toàn cầu
Hầu hết chuyên gia kinh tế không dự báo sẽ xảy ra suy thoái trong thời gian tới.
Vậy tại sao chứng khoán lại giảm mạnh đến thế trong vài tháng gần đây?
“Một khi thị trường nhận ra suy thoái chưa tới, thị trường sẽ dò đáy và dần dần trở lại mức cao nhất mọi thời đại một lần nữa”, Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư tại Independent Advisor Alliance, cho hay.
Thế nhưng, đà tăng trưởng kinh tế dài thứ hai trong lịch sử của Mỹ đang gặp nhiều nguy cơ.
Nhận được cú hích từ các đợt cắt giảm thuế và tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong nhiều thập kỷ, nền kinh tế Mỹ bùng nổ vào giữa năm 2018, tăng trưởng 4.2% trong quý 2 và 3.4% trong quý 3/2018. Tăng mạnh là thế, nhưng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tin là tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chậm lại về mức 2.3% trong năm 2019.
Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng mạnh, nền kinh tế Trung Quốc cũng đang giảm tốc. Tăng trưởng năm 2018 có thể là mức yếu nhất kể từ năm 1990. Và năm 2019 có thể còn tệ hơn thế. Brexit có thể khiến Anh khó mà đứng vững trong năm 2019.
Nỗi lo về đà giảm tốc kinh tế toàn cầu đã kéo chứng khoán rời khỏi mức cao kỷ lục được xác lập vào cuối tháng 9/2018. Ngoài ra, nhà đầu tư còn lo ngại về kế hoạch nâng lãi suất của Fed trong năm 2019. Nếu họ nâng lãi suất quá nhanh thì Fed có thể kìm hãm nền kinh tế hoặc thậm chí có thể gây ra suy thoái. Lạm phát hiện không quá cao, vì vậy Fed có khả năng chậm lại nhịp độ nâng lãi suất nếu họ muốn.
“Nếu Fed tiếp tục ngó lơ đà suy giảm của lạm phát và duy trì con đường nâng lãi suất hiện tại thì họ có thể tạo ra một thảm họa còn lớn hơn nữa”, Dwyer cho hay.
Ngược lại, nếu Fed báo hiệu sẽ ngừng nâng lãi suất, ông Dwyer tin rằng chứng khoán có thể chạm đỉnh cao mới trong năm 2019.
3. Bất ổn chính trị
Bất ổn chính trị tại Washington và Brexit khiến nhà đầu tư rơi vào thế khó.
Chưa ai biết phải làm gì với Brexit, ngoài việc xem đây là điều tồi tệ dù diễn ra dưới hình thức nào. Sẽ là thảm họa nếu vào ngày 29/03 – thời điểm Anh rời Liên minh châu Âu (EU) – cả hai bên chưa đạt được thỏa thuận nào.
Chính phủ Mỹ đóng cửa không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế trong ngắn hạn nhưng lại khiến nhà đầu tư lo ngại nó sẽ mang đến tin xấu khi quốc hội thảo luận nâng trần nợ Chính phủ.
Các nghị sĩ Mỹ năm nay cần thông qua một dự luật cho phép Bộ Tài chính tiếp tục vay nợ mà không bị ràng buộc gì. Nếu thất bại, chính phủ Mỹ có nguy cơ vỡ nợ. Chuyện này đã suýt xảy ra vào năm 2011. Hãng xếp hạng tín nhiệm Standrad & Poor’s đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ.
Căng thẳng thương mại vẫn phủ bóng lên các thị trường và nền kinh tế. Chính quyền Trump dọa nâng thuế với hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nếu Bắc Kinh không đáp ứng được các yêu cầu từ Washington về nhiều vấn đề, từ kinh tế đến chính trị. Các công ty Mỹ phải chịu thuế khi nhập hàng hóa Trung Quốc và họ chuyển gánh nặng chi phí cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, ông Trump vẫn tiếp tục công kích chủ tịch Fed do chính ông bổ nhiệm. Nhà đầu tư có thể không thích chính sách “diều hâu” của chủ tịch Jerome Powell nhưng họ cần có sự nhất quán. Việc đe dọa sa thải chủ tịch Fed vào giữa nhiệm kỳ có thể khiến thị trường rơi vào hỗn loạn.
“Khi thị trường tiếp tục lo ngại về một đợt suy thoái, ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại với Mỹ và sự khó đoán từ Nhà Trắng, thị trường sẽ còn biến động mạnh”, Zaccarelli nói.
Vũ Hạo (Theo CNN Business)
FiLi
|