Nối gót Phố Wall, chứng khoán Nhật Bản “đi” hơn 3%
Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh vào đầu phiên ngày thứ Sáu (04/01), nối tiếp đà lao dốc trên Phố Wall đêm qua, sau khi lời cảnh báo hiếm hoi từ Apple làm dấy lên nỗi lo về đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu.
Tính tới lúc 9h30 ngày thứ Sáu (04/01 – giờ Việt Nam), chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản lao dốc 617.89 điểm (tương ứng 3.09%), còn Topix sụt 2.3%, trong đó hầu hết lĩnh vực đều tụt dốc. Cổ phiếu của ông lớn đa ngành Softbank mất 5.23% và Fast Retailing – công ty đứng sau chuỗi cửa hàng thời trang Uniqlo – sụt 6.21%. Thị trường Nhật Bản vừa mới nghỉ lễ trong ngày thứ Tư và thứ Năm (03/01).
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 9h30 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Bên cạnh đó, chỉ số ASX 200 của Australia hạ 49.3 điểm (tương ứng 0.88%) khi nhiều lĩnh vực lao dốc.
Chỉ số tài chính – vốn chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung – hạ 0.79%, do đà giảm của nhóm cổ phiếu Big4 ngân hàng. Cụ thể, cổ phiếu ANZ hạ 0.66%, Commonwealth Bank (Australia) lùi 0.6%, Westpac mất 0.4% và National Australia Bank giảm 0.21%.
Trên thị trường Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm nhẹ 8.32 điểm (tương ứng 0.34%), trong khi chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng nhẹ 0.02%.
“Đối với những người dũng cảm, giờ sẽ là thời điểm tốt để xem xét… một vài trong số thị trường này”, Stefan Hofer, Giám đốc quản lý và Giám đốc đầu tư tại LGT Bank Asia, cho biết trong ngày thứ Sáu (04/01). Ông Hofer nói thêm thanh khoản và khối lượng giao dịch “vẫn còn khá thấp vào lúc khởi đầu năm”.
“Cơ bản mà nói, tôi nghĩ nếu chúng ta có thỏa thuận với Trung Quốc vào giữa năm 2019 chẳng hạn, thì châu Á… sẽ là nơi lý tưởng để đầu tư cổ phiếu”, ông nói, đồng thời cho biết thêm cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn “đang là vấn đề đang đeo bám” lấy thị trường châu Á.
Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi tiến 0.09%.
Phố Wall tụt dốc
Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm mạnh vào ngày thứ Năm (03/01) sau cảnh báo ảm đạm từ Apple. Nhà sản xuất iPhone đổ lỗi cho đà suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc, qua đó làm gia tăng lo ngại rằng nền kinh tế toàn cầu có thể chậm lại vì chiến tranh thương mại kéo dài, CNBC đưa tin.
Chỉ số sản xuất tại Mỹ thấp hơn dự báo cũng góp phần làm tăng những lo ngại đó.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones sụt 660.02 điểm (tương đương 2.8%) xuống 22,686.22 điểm khi cổ phiếu Apple dẫn đầu đà giảm điểm. Dow Jones đã rớt xuống mức đáy trong phiên ngay trước khi đóng cửa, giảm tới 707.83 điểm.
Chỉ số S&P 500 lùi 2.47% xuống 2,447.89 điểm khi lĩnh vực công nghệ sụt 5.07%. Chỉ số Nasdaq Compsite mất 3% còn 6,463.50 điểm, chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp, khi cổ phiếu Apple tụt dốc gần 10%. Ngày thứ Năm cũng đánh dấu là phiên tồi tệ nhất của Apple kể từ năm 2013.
Apple cho biết dự báo doanh thu quý 1/2019 đạt 84 tỷ USD, thấp hơn khoảng dự báo trước đó là 89-93 tỷ USD, trong khi các nhà phân tích dự báo doanh thu Apple sẽ đạt 91.3 tỷ USD trong giai đoạn này. Apple cho rằng sự sụt giảm doanh thu chủ yếu là do kinh doanh gặp khó khăn tại Trung Quốc.
“Điều này làm tăng thêm nỗi lo hiện tại về đà giảm tốc của kinh tế toàn cầu”, Jeff Kilburg, CEO tại KKM Financial, cho biết. “Apple có thể được sử dụng như một đại diện cho sự tăng trưởng ở Trung Quốc”.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm ngày càng mạnh sau khi chỉ số sản xuất công nghiệp tại Mỹ yếu hơn dự báo. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp của ISM giảm xuống 54.1 trong tháng 12/2018, trong khi các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Refinitiv kỳ vọng 57.9. Trước đó, Trung Quốc cũng ghi nhận sự suy giảm của hoạt động sản xuất trong tháng 12/2018.
Dữ liệu kinh tế đáng thất vọng từ hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới được đưa ra trong bối cảnh quan chức từ Mỹ và Trung Quốc đang cố gắng tiến tới một thỏa thuận thương mại sau khi áp đặt hàng rào thuế quan lên hàng tỷ USD hàng hóa của nhau.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|